Doanh nghiệp dẫn đầu thị phần nhựa đường nội địa báo lãi thấp nhất trong 17 năm

13/01/2025 - 18:20
(Bankviet.com) Doanh nghiệp dẫn đầu thị phần nhựa đường nội địa với 30% thị phần vừa ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế thấp nhất trong 17 năm qua. Kết quả này là hệ quả của những thách thức từ nhu cầu thị trường giảm, biến động giá nguyên liệu và áp lực cạnh tranh từ nguồn nhập khẩu giá rẻ.

Tổng Công ty Hóa dầu Petrolimex - CTCP (HNX: PLC) vừa tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024 và triển khai nhiệm vụ cho năm 2025. Tại sự kiện, Tổng Giám đốc Lê Quang Tuấn đã thẳng thắn đánh giá năm 2024 là một năm đầy thách thức với công ty.

Doanh nghiệp dẫn đầu thị phần nhựa đường nội địa báo lãi thấp nhất trong 17 năm
Hình minh họa

Trong ba ngành chính mà PLC quản lý, công ty thuận lợi với ngành dầu mỡ nhờn, trong khi ngành nhựa đường và hóa chất chịu nhiều khó khăn lớn. Các yếu tố như biến động thị trường, giá nguyên liệu tăng cao và những tác động bất khả kháng đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh.

Năm 2024, sản lượng toàn công ty đạt 365.166 tấn, tương đương 99,71% kế hoạch nhưng chỉ bằng 86% so với năm 2023. Doanh thu đạt 6.685 tỷ đồng, hoàn thành 95% chỉ tiêu năm và giảm 16% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế đạt 65 tỷ đồng, chạm mục tiêu điều chỉnh nhưng chỉ bằng 46% so với năm trước. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất kể từ năm 2008.

Trước đó, vào cuối tháng 12/2024, Đại hội đồng cổ đông bất thường của PLC đã thông qua việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh. Cụ thể, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế giảm từ 140 tỷ đồng xuống còn 65 tỷ đồng, tương ứng mức giảm gần 54%. Tỷ lệ cổ tức tối thiểu cũng được điều chỉnh từ 10% xuống còn 5%.

Riêng quý IV/2024, doanh thu đạt 1.877 tỷ đồng và lãi trước thuế 24,5 tỷ đồng, giảm lần lượt 14% và 39% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo tờ trình của HĐQT PLC, hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty trong năm 2024 gặp phải nhiều thách thức do tác động kép từ nền kinh tế thế giới và thị trường trong nước.

Trên bình diện kinh tế vĩ mô, sức ép lạm phát và chỉ số giá tiêu dùng gia tăng tiếp tục ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất. Nhu cầu xuất khẩu từ các thị trường lớn, vốn là thế mạnh truyền thống của Việt Nam, tiếp tục suy giảm. Đồng thời, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư trong nước vẫn ở mức thấp, gây cản trở cho việc thúc đẩy sản xuất và đầu tư.

Thị trường tài chính, tiền tệ và bất động sản cũng ghi nhận nhiều biến động khó dự đoán, tiềm ẩn rủi ro cao. Biến động tỷ giá là một trong những yếu tố gây áp lực lớn, khi tỷ giá USD/VND tăng 4,28% trong nửa đầu năm 2024, từ mức 24.420 đồng/USD đầu năm lên 25.464 đồng/USD vào cuối tháng 6. Mặc dù đã có dấu hiệu hạ nhiệt từ tháng 8, tỷ giá vẫn duy trì ở mức cao và có xu hướng tăng trở lại vào những tháng cuối năm.

Trong ngành nhựa đường, nhu cầu giảm mạnh sau khi nhiều dự án giao thông trọng điểm hoàn thành vào năm 2022 và 2023. Số liệu thống kê cho thấy sản lượng nhập khẩu nhựa đường xá – mặt hàng chủ lực của Công ty TNHH Nhựa đường Petrolimex – chỉ bằng 55% so với cả năm 2023 và 77% so với cùng kỳ năm trước. Cạnh tranh từ hàng nhập khẩu giá rẻ, đặc biệt là từ UAE với mức giá thấp hơn 9-14% so với các nguồn từ Singapore, càng làm gia tăng áp lực.

Tình hình ngành hóa chất cũng không mấy khả quan khi giá dầu và dung môi liên tục biến động. Trong 9 tháng đầu năm, giá dầu dao động từ mức cao nhất 92,18 USD/thùng vào tháng 4 xuống mức thấp nhất 68,68 USD/thùng vào tháng 9, giảm hơn 25% so với mức đỉnh trong năm. Giá dung môi, hóa chất cũng giảm mạnh từ 25-30%, kéo theo nhu cầu sử dụng trong các ngành sản xuất như sơn gỗ, mực in, keo dán và nội thất giảm đáng kể, chỉ đạt 70-80% so với cùng kỳ năm 2023. Một số nhà sản xuất đồ gỗ nội thất rơi vào trạng thái ngừng sản xuất hoặc cầm chừng, càng làm trầm trọng thêm sự sụt giảm nhu cầu.

Những yếu tố bất lợi này vượt ngoài khả năng dự báo ban đầu của PLC khi lập kế hoạch, buộc công ty phải điều chỉnh mục tiêu kinh doanh. Việc điều chỉnh không chỉ là bước đi cần thiết để phù hợp với thực tế, mà còn nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực, bảo đảm duy trì ổn định thị phần và tạo nền tảng cho kế hoạch năm 2025.

Dù đối mặt với nhiều khó khăn, PLC vẫn giữ vị thế là nhà cung cấp nhựa đường lớn nhất Việt Nam với thị phần khoảng 30%. Theo nhận định của Chứng khoán ACBS, trong bối cảnh Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công và phát triển hạ tầng, PLC có thể hưởng lợi lớn nhờ hệ thống kho cảng có công suất lên đến 400.000 tấn/năm trải dài trên cả nước.

Phạm Hường

Phạm Hường

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán