Doanh nghiệp miền Trung làm gì để đưa hàng vào siêu thị và tăng xuất khẩu?

30/06/2024 - 03:34
(Bankviet.com) Đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý, nhà phân phối đưa ra nhiều khuyến nghị để các doanh nghiệp miền Trung đưa hàng vào siêu thị và mở rộng xuất khẩu.
Thứ trưởng Phan Thị Thắng dự Hội nghị Xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu khu vực miền Trung Doanh nghiệp miền Trung - Tây Nguyên: Đổi mới bao bì, nhãn, mác để nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm

Còn nhiều hạn chế trong liên kết tiêu thụ

Tại Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu khu vực miền Trung do Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương phối hợp với Sở Công Thương TP. Đà Nẵng tổ chức tại TP. Đà Nẵng ngày 28/6, đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu đã chỉ ra những tồn tại trong hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu miền Trung, nhất là đối với các sản phẩm nông sản.

Doanh nghiệp miền Trung làm gì để đưa hàng vào siêu thị và tăng xuất khẩu?
Ông Lê Hoàng Tài – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại

Theo ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, thực tế hiện nay, việc cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp từ hộ sản xuất sang hợp tác xã còn chậm; liên kết cánh đồng lớn “ì ạch” nên không đáp ứng được yêu cầu thị trường về quản lý chất lượng nông sản, nhất là quản lý nông sản theo chuỗi; nông sản sản xuất ra chưa sát tín hiệu thị trường, khâu chế biến, bảo quản, dự trữ còn hạn chế; hạ tầng logistics còn thiếu và yếu; nông sản mang tính mùa vụ cao nhưng bảo quản chưa tốt; thị trường tiêu thụ nông sản chưa bền vững, chủ yếu dựa vào thị trường truyền thống, khâu dự báo phân tích thị trường về sản lượng và giá bán còn yếu; tư duy của người sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu của kinh tế thị trường, còn tư duy “rau 2 luống, lợn 2 chuồng”… Đáng chú ý, việc tiêu thụ nông sản chủ yếu là do thương lái tự do tại địa phương giữ vai trò chính và phương thức tiêu thụ theo kênh truyền thống vẫn đóng vai trò chủ đạo, tiêu thụ theo kênh tiêu thụ có liên kết và hợp nhất mới chiếm khoảng 10% tổng lượng tiêu thụ nông sản trên thị trường, hiện tượng phá vỡ hợp đồng vẫn còn phổ biến;…

Ông Lê Hoàng Tài – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ phối hợp với các địa phương, trong đó có các địa phương khu vực miền Trung thực hiện nhiều hoạt động liên kết gồm cả liên kết vùng, liên vùng mang tính ổn định lâu dài và đạt hiệu quả. Tuy nhiên, việc liên kết vùng về xúc tiến thương mại vẫn còn những hạn chế nhất định như hệ thống về hạ tầng trong xúc tiến thương mại khu vực miền Trung – Tây Nguyên còn yếu, tính liên kết chưa cao; các doanh nghiệp có sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu nhưng trong công tác xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường, tiếp thị xuất khẩu còn kém.

Doanh nghiệp miền Trung làm gì để đưa hàng vào siêu thị và tăng xuất khẩu?
Ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu

Các địa phương và doanh nghiệp miền Trung cần làm gì?

Ông Satoshi Nishikawa - Giám đốc Cấp cao điều hành khu vực miền Bắc và miền Trung – Công ty TNHH AEON Việt Nam cho biết, Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ 2 của AEON sau Nhật Bản để đẩy mạnh đầu tư và phát triển kinh doanh. AEON sẽ khai trương siêu thị đầu tiên tại khu vực miền Trung Việt Nam tại TP. Huế vào tháng 9/2024 và đơn vị đang tìm kiếm các nhà cung cấp phù hợp. Đại diện AEON Việt Nam thông tin, để trở thành nhà cung cấp của AEON các đơn vị sản xuất cần đáp ứng 6 yêu cầu tối thiểu như chưa từng có bê bối về chất lượng sản phẩm; tiêu chuẩn về nhà xưởng, phương tiện vận chuyển; đảm bảo môi trường; có truy xuất nguồn gốc; tuân thủ các quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Để tăng hiệu quả tiêu thụ sản phẩm, tăng xuất nhập khẩu, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước đề nghị các đơn vị sản xuất, các địa phương phải thực hiện tốt công tác sản xuất, phân phối đảm bảo cung ứng nông sản để đáp ứng được yêu cầu của từng thị trường; chú trọng mở rộng phát triển thị trường tiêu thụ gồm các chương trình kết nối cung cầu trong nước, các chương trình đàm phán hiệp định thương mại tự do để tạo điều kiện thuận lợi về thuế quan, xuất xứ…; cần phát triển chuỗi liên kết với tiêu dùng; đẩy nhanh thực hiện “cánh đồng lớn”; chú trọng chế biến, xây dựng thương hiệu nông sản; thực hiện liên tục các chương trình xúc tiến thương mại; các địa phương nghiên cứu thêm các chính sách thúc đẩy xây dựng hệ thống phân phối, chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm trong nước.

Còn đại diện Cục Xúc tiến thương mại kiến nghị các địa phương khu vực miền Trung tích cực nghiên cứu, kết hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại đảm bảo tính hiệu quả; xây dựng chiến lược dài hạn dựa trên nghiên cứu về nhu cầu của doanh nghiệp, tận dụng tiềm năng các địa phương.

Doanh nghiệp miền Trung làm gì để đưa hàng vào siêu thị và tăng xuất khẩu?
Ông Satoshi Nishikawa Giám đốc Cấp cao điều hành khu vực miền Bắc và miền Trung – Công ty TNHH AEON Việt Nam tìm hiểu các sản phẩm địa phương khu vực miền Trung - Tây Nguyên

Theo ông Trần Quốc Toản – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, trong bối cảnh hiện tại, doanh nghiệp xuất khẩu phải chuyển đổi nhanh, mạnh sang xuất khẩu chính ngạch. Muốn làm được điều đó doanh nghiệp phải đáp ứng được các điều kiện về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc… để có thị trường xuất khẩu ổn định, bền vững trong thời gian tới. “Đối với các doanh nghiệp miền Trung phải tăng cường liên kết vùng, làm sao để có đủ số lượng, chất lượng để đáp ứng các tiêu chuẩn, số lượng của các đơn hàng xuất khẩu, các hệ thống phân phối như siêu thị. Bên cạnh đó, phải cập nhật các kiến thức xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh của chính doanh nghiệp”, ông Toản khuyến nghị.

Bộ Công Thương sẽ đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp miền Trung xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu hiệu quả

Theo ông Trần Quốc Toản – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, trong thời gian tới, Cục Xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách để tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, bình đẳng cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Cục sẽ phối hợp trình Chính phủ phát triển chiến lược các ngành hàng, các lĩnh vực như sữa, giấy, thép, ô tô, điện lực… Ban hành các quy định sửa đổi bổ sung các văn bản pháp luật tạo môi trường hoạt động tốt hơn cho doanh nghiệp sản xuất và xuất nhập khẩu. Khơi thông sản xuất và phát triển ổn định nguồn cung cho xuất khẩu cũng nhu phục vụ thị trường trong nước. Cung cấp thông tin kịp thời, sát thực tế xu hướng của thị trường đến doanh nghiệp; tập trung đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu đến các thị trường tiềm năng; đẩy nhanh đàm phán các FTA mới; thông tin cập nhật thường xuyên các thông tin về thị trường nước ngoài gồm tiêu chuẩn, điều kiện ở thị trường nước ngoài.

Doanh nghiệp miền Trung làm gì để đưa hàng vào siêu thị và tăng xuất khẩu?
Thứ trưởng Phan Thị Thắng tham quan các gian hàng triển lãm giới thiệu sản phẩm địa phương khu vực miền Trung - Tây Nguyên

“Trong quá trình triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại sẽ tích cực đồng hành, phối hợp chặt chẽ với các địa phương để triển khai các chương trình xúc tiến thương mại đạt hiệu quả nhất”, ông Lê Hoàng Tài nói và cho biết thêm, trong thời gian tới, Cục Xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp khu vực miền Trung trực tiếp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại quốc tế, các hội chợ triển lãm lớn trong nước và quốc tế; hỗ trợ các trung tâm xúc tiến thương mại địa phương tại miền Trung tổ chức các hoạt động cung cấp thông tin, các hội chợ triển lãm có tính chất liên kết cao; tăng cường cho doanh nghiệp nhận thức sâu về vai trò của thương hiệu; thúc đẩy chuyển đổi số trong thương mại; đa dạng hóa kênh phân phối truyền thống, hiện đại để phát triển thị trường.

Vũ Lê

Theo: Báo Công Thương