Doanh nghiệp ồ ạt chốt quyền cổ tức, nhiều mã chia tiền mặt "khủng" lên tới 61%

12/05/2025 - 02:47
(Bankviet.com) Tuần 12–16/5/2025, thị trường chứng khoán Việt Nam đón "mùa cổ tức" sôi động khi hơn 50 doanh nghiệp chốt quyền, nhiều mã chia cổ tức tiền mặt cao kỷ lục như NNT (60,67%), TPBank, Vinamilk, FTS...
Cổ tức - Phát hành

Doanh nghiệp ồ ạt chốt quyền cổ tức, nhiều mã chia tiền mặt "khủng" lên tới 61%

Đức Anh 11/05/2025 09:49

Tuần 12–16/5/2025, thị trường chứng khoán Việt Nam đón "mùa cổ tức" sôi động khi hơn 50 doanh nghiệp chốt quyền, nhiều mã chia cổ tức tiền mặt cao kỷ lục như NNT (60,67%), TPBank, Vinamilk, FTS...

Thị trường chứng khoán Việt Nam chuẩn bị bước vào một tuần đầy sôi động khi 51 doanh nghiệp đồng loạt thông báo chốt quyền cổ tức trong tuần từ ngày 12 - 16/5/2025. Đáng chú ý, phần lớn trong số này lựa chọn hình thức chia cổ tức bằng tiền mặt, với 46 doanh nghiệp áp dụng mức chi trả dao động từ 2% đến gần 61% – con số gây ấn tượng mạnh trong bối cảnh thị trường vẫn còn nhiều biến động. Ngoài ra, tuần tới cũng ghi nhận 2 doanh nghiệp trả cổ tức bằng cổ phiếu, 3 doanh nghiệp thưởng cổ phiếu và 1 doanh nghiệp trả cổ tức hỗn hợp.

Tiêu điểm trong danh sách tuần này là Ngân hàng TMCP Tiên Phong (HOSE: TPB), khi ngân hàng sẽ chốt quyền vào ngày 14/5 để thực hiện chi trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 10%. Với gần 2,642 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, TPBank dự kiến chi ra 2.642 tỷ đồng, thời gian thanh toán vào ngày 23/5/2025. Đây là một trong những ngân hàng hiếm hoi duy trì chính sách cổ tức đều đặn bằng tiền mặt ở mức cao trong hệ thống.

co-tuc.jpg
Danh sách doanh nghiệp chốt quyền cổ tức và thưởng cổ phiếu trong tuần 12-16/5

Cùng ngày 15/5, một "ông lớn" khác là Vinamilk (VNM) cũng sẽ chốt quyền cổ tức đợt 1 còn lại của năm 2024. Tập đoàn sữa quốc dân dự kiến chi trả 2.000 đồng/cp, tương ứng tỷ lệ 20%, với tổng giá trị thanh toán lên tới 4.180 tỷ đồng, nhắm đến ngày thanh toán là 23/5. Với gần 2,09 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, Vinamilk tiếp tục duy trì truyền thống chia cổ tức cao, phản ánh dòng tiền dồi dào và hiệu quả hoạt động kinh doanh ổn định.

Tuy nhiên, điểm sáng bất ngờ đến từ một doanh nghiệp quy mô khiêm tốn là Công ty CP Cấp nước Ninh Thuận (NNT), với mức cổ tức tiền mặt cao kỷ lục 60,67% – tương đương 6.067 đồng/cp. Công ty sẽ chốt quyền vào ngày 15/5 và thanh toán vào ngày 16/6. Với 9,49 triệu cổ phiếu lưu hành, tổng số tiền phải chi là gần 58 tỷ đồng, trong đó UBND tỉnh Ninh Thuận (nắm 52,06% vốn) nhận khoảng 30 tỷ đồng, và đối tác chiến lược Sơn Long Thuận cũng “bỏ túi” gần 25 tỷ đồng. Đây là mức chi trả cổ tức cao nhất thị trường tuần này và thuộc nhóm cao nhất cả năm.

Trong nhóm cổ phiếu tài chính, Chứng khoán FPT (FTS) sẽ chốt quyền vào ngày 15/5 để thực hiện trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 5% và thưởng cổ phiếu với tỷ lệ 10:1. Với quy mô gần 306 triệu cổ phiếu đang lưu hành, tổng số tiền chi ra ước tính khoảng 153 tỷ đồng, và FTS cũng sẽ phát hành thêm 30,6 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Một cái tên ít nổi bật nhưng gây “choáng” bởi tỷ lệ cổ tức gấp nhiều lần thị giá là Công ty CP Phục vụ Mai táng Hải Phòng (CPH). Với thị giá chỉ quanh mức 300 đồng/cp, công ty này chi trả cổ tức tới 19,6% tiền mặt, tương đương 1.960 đồng/cp – cao gấp 6,5 lần thị giá. Tổng số tiền chi ra cho đợt này là gần 8,6 tỷ đồng.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp khác cũng công bố chính sách cổ tức hấp dẫn trong tuần tới: Công ty CP MEINFA (MEF): Cổ tức tiền mặt 50% (5.000 đồng/cp), chi hơn 20 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT ông Đinh Văn Vinh dự kiến nhận gần 1,6 tỷ đồng nhờ nắm giữ 7,92% vốn.

Công ty CP Khử trùng Việt Nam (VFG): Trả cổ tức đợt cuối năm 2024 với tỷ lệ 30%, đưa tổng mức chia cổ tức cả năm lên tới 50% – mức cao nhất lịch sử công ty.

Công ty CP Tư vấn Xây dựng Thủy lợi II (HEC): Chốt quyền vào 19/5, cổ tức tiền mặt 45%, thanh toán vào 18/6.

Công ty CP Đô thị & Môi trường Đắk Lắk (UDL): Cổ tức 31% tiền mặt, chi hơn 20,5 tỷ đồng.

Công ty CP Dịch vụ & Xây dựng Cấp nước Đồng Nai (DVW): Cổ tức 30% tiền mặt, thanh toán dự kiến 30/5.

Không chỉ các doanh nghiệp lớn, các đơn vị niêm yết trên sàn UPCoM như MEF, CPH, UDL, DVW cũng đang “ghi điểm” với chính sách cổ tức hấp dẫn, phản ánh chất lượng dòng tiền và sự minh bạch trong hoạt động kinh doanh.

Trong bối cảnh thị trường còn nhiều rung lắc và nhà đầu tư ngày càng quan tâm đến dòng tiền thực, thì cổ tức bằng tiền mặt – nhất là những mã chia tỷ lệ cao luôn được đánh giá là “hàng hiếm” và hấp dẫn với nhà đầu tư theo đuổi chiến lược giá trị. Đây không chỉ là sự chia sẻ lợi nhuận với cổ đông, mà còn là chỉ dấu quan trọng về năng lực tài chính và mức độ cam kết của doanh nghiệp đối với nhà đầu tư.

Đức Anh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán