Một ngày trước khi lên HOSE: Vinpearl (VPL) ở đâu so với các doanh nghiệp cùng ngành?

12/05/2025 - 18:43
(Bankviet.com) Theo công ty chứng khoán, mức P/E dự phóng của Vinpearl (VPL) cao gấp nhiều lần trung vị ngành, trong khi ROE vẫn ở mức khiêm tốn.
Báo cáo - Phân tích

Một ngày trước khi lên HOSE: Vinpearl (VPL) ở đâu so với các doanh nghiệp cùng ngành?

Nguyên Nam 12/05/2025 13:58

Theo công ty chứng khoán, mức P/E dự phóng của Vinpearl (VPL) cao gấp nhiều lần trung vị ngành, trong khi ROE vẫn ở mức khiêm tốn.

Ngày mai (13/5/2025), Công ty CP Vinpearl sẽ chính thức giao dịch cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) với mã chứng khoán VPL. Đây là sự kiện đánh dấu sự trở lại sàn niêm yết của một trong những doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực khách sạn – nghỉ dưỡng tại Việt Nam, sau hơn một thập kỷ vắng bóng.

vpl1.jpg
Vinpearl Nha Trang

Cổ phiếu VPL sẽ có giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 71.300 đồng/cp, biên độ dao động ±20%. Với gần 1,79 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, Vinpearl được định giá ở mức khoảng 127.700 tỷ đồng, tương đương doanh nghiệp có vốn hóa lớn thứ 12 trên sàn HoSE tính đến thời điểm hiện tại.

Theo phân tích từ Chứng khoán Vietcap dựa trên bản cáo bạch, hệ số P/E dự phóng năm 2025 và 2026 lần lượt đạt 73,1 và 55,6 lần. Hệ số P/B tương ứng là 3,3 và 3,2 lần; P/S là 9 và 7,8 lần. ROE dự kiến ở mức 5% năm 2025 và tăng nhẹ lên 5,8% năm 2026.

Khi so sánh với các doanh nghiệp cùng ngành trong khu vực theo dữ liệu từ Bloomberg, hệ số định giá trung vị là P/E 19,5 và 16,9 lần; P/B là 3,7 và 3,3 lần; P/S lần lượt là 5,6 và 5,4 lần. Như vậy, cổ phiếu VPL đang giao dịch với mức P/E và P/S cao hơn đáng kể, phản ánh kỳ vọng tăng trưởng trong dài hạn, nhưng cũng đặt ra câu hỏi về mức độ hấp dẫn so với các đối thủ trong khu vực.

vpl.jpg
Nguồn: Vietcap

Mặc dù chưa có báo cáo tài chính độc lập, Vietcap trích dẫn từ báo cáo cập nhật của Vingroup ngày 21/2 cho biết, mảng khách sạn – nghỉ dưỡng dự kiến đạt doanh thu 9.900 tỷ đồng trong năm 2025 (tăng 14% so với cùng kỳ), và 11.800 tỷ đồng năm 2026 (tăng 19%). Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh kỳ vọng phục hồi mạnh, đạt 386 tỷ đồng vào năm 2025 và tăng vọt lên 1.500 tỷ đồng năm 2026, sau khoản lỗ 1.300 tỷ đồng trong năm 2024.

Hiện Vietcap định giá giá trị doanh nghiệp (EV) cho mảng khách sạn – nghỉ dưỡng của Vinpearl khoảng 52.000 tỷ đồng, chưa bao gồm tiềm năng từ quỹ đất phát triển hoặc các kế hoạch mở rộng tương lai.

Vinpearl đang vận hành một trong những hệ sinh thái du lịch – nghỉ dưỡng lớn nhất Việt Nam, bao gồm 48 cơ sở tại 18 tỉnh, thành, với 31 khách sạn và khu nghỉ dưỡng (hơn 16.100 phòng), 4 công viên chủ đề, 5 khu vui chơi, 1 công viên nước, 1 công viên bảo tồn động vật bán hoang dã, 4 sân golf, 1 trung tâm hội nghị và học viện cưỡi ngựa.

Từ năm 2022, Vinpearl đẩy mạnh hợp tác với các thương hiệu quốc tế như Meliá Hotels International và Marriott International để vận hành 23 khách sạn theo tiêu chuẩn toàn cầu – bước đi được đánh giá là chiến lược nhằm quốc tế hóa thương hiệu và nâng cao hiệu suất vận hành.

Đây không phải là lần đầu cổ phiếu VPL xuất hiện trên HoSE. Trước đó, Vinpearl từng niêm yết vào năm 2008 nhưng đã bị hủy vào cuối năm 2011 do sáp nhập vào Vincom để hình thành nên Tập đoàn Vingroup. Sau hơn một thập kỷ hoạt động dưới mái nhà chung Vingroup, Vinpearl đã được tách ra năm 2023, mở đường cho việc niêm yết độc lập trở lại như hiện nay.

Trước ngày chào sàn, Vingroup vẫn là cổ đông lớn nhất với 85,55% vốn, phần còn lại thuộc về 114 nhà đầu tư cá nhân trong nước. Việc Vinpearl tái niêm yết được giới đầu tư kỳ vọng sẽ mang lại thêm lựa chọn chất lượng trong nhóm cổ phiếu du lịch – nghỉ dưỡng vốn còn hạn chế trên thị trường.

Nguyên Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán