Logistics xanh tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu Nghiên cứu, phổ biến thông tin là chìa khóa thành công cho doanh nghiệp Thị trường phức tạp, doanh nghiệp ngành sợi có thành công ‘cắt lỗ’? |
Tích cực chuyển đổi xanh trong nhà máy
Thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 của Chính phủ, hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã và đang đẩy mạnh các hoạt động phát triển xanh, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn... để thực hiện giảm phát thải khí nhà kính.
Là tập đoàn hàng đầu thế giới về thực phẩm và đồ uống, Nestlé đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ và chương trình hành động cụ thể trong cuộc chiến chống rác thải nhựa trên toàn thế giới và tại Việt Nam.
Bà Lê Thị Hoài Thương - Quản lý Đối ngoại cấp cao Nestle Việt Nam |
Bà Lê Thị Hoài Thương - Quản lý Đối ngoại cấp cao Nestle Việt Nam chia sẻ, doanh nghiệp đã thực hiện các cam kết phát triển bền vững trong thời gian qua. Tại Việt Nam, Nestle Việt Nam đưa ra mô hình phát triển bền vững, tái sinh, tập trung vào chống biến đổi khí hậu, thu mua có trách nhiệm, có bộ nguyên tắc tiêu chí thu mua, làm sao toàn bộ chuỗi cung ứng giảm phát thải nhất và thực hiện nông nghiệp tái sinh, bảo tồn nguồn nước, phát triển bao bì bền vững…
"Nestlé là công ty đầu tiên tại Việt Nam sử dụng ống hút giấy có chứng nhận bảo vệ rừng bền vững FSC trong các sản phẩm uống liền như Milo, Nesvita và sữa Nestlé", bà Thương cho hay.
Bên cạnh đó, từ năm 2015, tất cả các nhà máy của Nestlé tại Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu không chất thải chôn lấp ra môi trường thông qua hoạt động tái chế, tái sử dụng và đốt thu hồi nhiệt 100% chất thải trong hoạt động sản xuất, bên cạnh việc không ngừng cải tiến công nghệ và kỹ thuật để giảm thiểu chất thải trong sản xuất.
Các loại chất thải trong quá trình sản xuất được phân loại và tái chế để sản xuất thức ăn chăn nuôi, phân bón. Bã cà phê được sử dụng để đốt lò hơi, tro và cát trong quá trình sản xuất cà phê được sử dụng để sản xuất gạch tái chế cho các công trình xây dựng công nghiệp và dân dụng.
Ông Huỳnh Thanh Hiệp - Trưởng Phòng Quản lý chất lượng, Công ty CP Đường Quảng Ngãi |
Đồng ý kiến, trao đổi với Báo Công Thương, ông Huỳnh Thanh Hiệp - Trưởng Phòng Quản lý chất lượng, Công ty CP Đường Quảng Ngãi cho biết, mọi hoạt động sản xuất - kinh doanh đều ảnh hưởng tới môi trường. Vì vậy, xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển sản xuất - kinh doanh gắn liền các cam kết và chính sách về bảo vệ môi trường có tầm quan trọng rất lớn đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Đặt trọng tâm công tác bảo vệ môi trường, trong quá trình hoạt động, công ty luôn tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, chủ động phòng ngừa, giảm thiểu tác động xấu tới môi trường, khắc phục kịp thời sự cố, xử lý ô nhiễm, phục hồi và cải thiện môi trường.
Theo ông Hiệp, để nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm, đường Quảng Ngãi đã đẩy mạnh đưa thiết bị cơ giới hóa trong quá trình làm đất, trồng, bón phân, chăm sóc và thu hoạch mía; đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại trong sản xuất các sản phẩm sau đường; ứng dụng phần mềm trong chuỗi sản phẩm, quản lý sản xuất-kinh doanh…
Đồng thời, chất lượng sản phẩm được kiểm soát bảo đảm theo tiêu chuẩn quốc tế như kiểm soát bảo đảm an toàn thực phẩm theo FSSC 22000…
"Hiệu quả mang lại sau khi ứng dụng khoa học và công nghệ, cơ giới hóa tại vùng nguyên liệu mía của công ty đó là: Khai thác tối đa lượng đường trong nguyên liệu mía "chín"; nguyên liệu mía được kiểm soát "chín - tươi - sạch"; bảo đảm an toàn thực phẩm từ khâu đốn chặt đến khi đưa về nhà máy đưa vào sản xuất. Từ đó, sản phẩm ra thị đường cũng bảo đảm an toàn từ nguồn nguyên liệu đến thành phẩm", ông Huỳnh Thanh Hiệp nói.
Ông Hiệp cũng thông tin, đường Quảng Ngãi đang trong quá trình nghiên cứu để xây dựng dự án sản xuất Ethanol từ mật rỉ - phụ phẩm từ quá trình sản xuất đường. Dự kiến nhà máy Ethanol có tổng vốn đầu tư là 1.500 - 2.000 tỷ đồng, công suất 60 triệu lít/năm, mục tiêu đến năm 2026 sẽ đi vào hoạt động.
Dự án này sẽ giúp Đường Quảng Ngãi hoàn hiện chuỗi giá trị: Mía - Đường - Điện sinh khối - Ethanol và mang lại nguồn doanh thu mới cho doanh nghiệp trong tương lai.
Thay đổi để không bị loại khỏi cuộc chơi
Theo khảo sát mới đây của Nielsen Việt Nam, 80% người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm có cam kết "xanh" và "sạch", sản xuất từ những nguyên liệu thân thiện với môi trường. Để cạnh tranh, xu hướng “xanh hóa” trong xây dựng thương hiệu ngày càng phổ biến, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực đầu tư sản xuất nhằm cho ra đời những sản phẩm đảm bảo yếu tố "xanh" và "sạch", xây dựng thương hiệu xanh gắn với phát triển bền vững.
Cũng với đó, các doanh nghiệp đã liên kết với nhau tạo thành phong trào sản xuất các sản phẩm hữu cơ và phát triển rộng khắp cả nước. Sự xuất hiện của sản phẩm xanh trong hệ thống bán lẻ hiện đại tại Việt Nam ngày càng dày đặc hơn.
Bà Nguyễn Thị Mai Phương - Giám đốc Thương mại ngành hàng, Tập đoàn Central Retail |
Theo bà Nguyễn Thị Mai Phương - Giám đốc Thương mại ngành hàng, Tập đoàn Central Retail (Siêu thị GO!, BIG C, Top Market), hiện nay người tiêu dùng đã sẵn sàng chi tiêu cho tiêu dùng xanh, chung tay cùng doanh nghiệp tham gia các chương trình không sử dụng túi ni-lông, sẵn sàng dùng thùng carton với đơn hàng lớn.
Bên cạnh hoạt động trọng yếu là bán lẻ là phát triển kinh doanh, Central Retail rất chú trọng phát triển tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững. Siêu thị với hơn 30.000 sản phẩm đã có sự chuyển biến rõ rệt, có nhiều hơn sản phẩm xanh, bao bì xanh ở nhiều ngành hàng… Đây là bước ngoặt lớn thể hiện nỗ lực của doanh nghiệp trong làm việc với các nhà cung cấp.
Tập đoàn đã làm việc với gần 30 nhà cung cấp thực phẩm tươi sống như rau, củ quả... để thay thế các bao bì đóng gói có thành phần plastic bằng túi nilon có khả năng phân hủy sinh học vào đóng gói sản phẩm.
Hay như các sản phẩm gạo hữu cơ, cà phê đang được bày bán tại GO!... cũng nhận được sự ủng hộ của các nhà sản xuất để chuyển đổi vật liệu đóng gói từ vật liệu có thành phần plastic khó phân hủy sang giấy.
Hiện Central Retail đã xây dựng chiến lược ReNEW - đặt ra những mục tiêu rõ ràng cho hoạt động kinh doanh tại Việt Nam bao gồm Re(-duce - Giảm thải khí nhà kính), N(-avigate Social Well-Being - Hỗ trợ cộng đồng), E(-co-friendly - Bao bì thân thiện môi trường) và W(-aste - Xử lý rác thải) với những hành động và mục tiêu cụ thể, tạo ra những đóng góp tích cực cho cộng đồng.
Tương tự Central Retail, nhiều "ông lớn" bán lẻ khác cũng đang nhập cuộc mạnh mẽ nhằm có những giải pháp thiết thực, chung tay bảo vệ môi trường và thu hút người tiêu dùng.
Ông Park Chang Lyul - Giám đốc Vận hành Lotte Mart Việt Nam cho biết, ngay từ khi thành lập đơn vị này đã tiên phong phát triển các sản phẩm bao bì tự hủy, bao bì tái chế. Bên cạnh việc phân phối các sản phẩm xanh, những năm qua doanh nghiệp đã đồng hành trong nhiều chiến dịch phát triển tiêu dùng xanh, hưởng ứng chủ trương tiết kiệm bao bì với khẩu hiệu "tiết kiệm bao bì là bảo vệ môi trường", hay chương trình "ngày không túi nilon".
Ông Park Chang Lyul - Giám đốc Vận hành Lotte Mart Việt Nam |
Cũng theo ông Park Chang Lyul, là một trong những nhà bán lẻ nước ngoài đầu tiên có mặt tại Việt Nam (2008), LOTTE Mart hiện đã có 16 siêu thị tại đây. LOTTE Mart luôn coi đất nước 100 triệu dân là thị trường quan trọng của Tập đoàn LOTTE Hàn Quốc. Vì vậy, công ty tích cực mở rộng hệ thống siêu thị và đa dạng hóa sản phẩm, hàng hóa trên kệ hàng bằng việc phối hợp với các nhà cung cấp nội địa.
Để trở thành nhà cung ứng cho Lotte Mart Việt Nam, ông Park Chang Lyul cho rằng, các nhà cung cấp cần đầu tư hơn vào mẫu mã bao bì sản phẩm, kiểu dáng công nghiệp để bắt kịp sự thay đổi của thị trường và tạo hiệu ứng cho người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, chú trọng vào vấn đề nguồn gốc xuất xứ và chất lượng sản phẩm, một trong những yếu tố giúp đưa hàng vào siêu thị dễ hơn. Việc sử dụng tem truy xuất hàng hóa dưới dạng QR code sẽ giúp bảo vệ và khẳng định chất lượng sản phẩm của các nhà cung cấp.
Ngoài ra, yếu tố quan trọng để thu hút người tiêu dùng là độ đồng đều chất lượng hàng hóa, bảo đảm đủ sản lượng cung cấp và giữ được sản phẩm tươi ngon khi vận chuyển đến siêu thị. Vấn đề này hiện nay nhiều nhà cung ứng Việt Nam gặp khó khăn trong việc bảo đảm thời gian giao hàng, bị chậm trễ hoặc thiếu hàng, hay hàng hóa không đạt đủ điều kiện giao nhận.