Có khá nhiều tin không vui đến với các doanh nghiệp trong tuần cuối tháng 8 |
Ngày 31/8, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) đã công bố danh sách 18 Công ty chậm nộp Báo cáo tài chính kiểm toán bán niên năm 2023.
Trong danh sách này có những cái tên đáng chú ý như: Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang (HOSE: AGM); Công ty CP Tập đoàn Nhựa Đông Á (HOSE: DAG); Công ty CP Đầu tư Hải Phát (HOSE: HPX); Công ty CP Đầu tư Apax Holdings (HOSE: IBC); Công ty CP Đầu tư LDG (HOSE: LDG); Công ty CP Thép Pomina (HOSE: POM); Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico; HOSE: SJS); Công ty CP Transimex (HOSE: TMS) …
Trên báo cáo soát xét bán niên 2023 của Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HOSE: HBC), kiểm toán đã “xoá sạch” toàn bộ lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này và điền vào khoản lỗ khá nặng, lên tới hơn 711 tỷ đồng.
Trước đó, trong báo cáo tự lập, Tập đoàn này ghi nhận lãi ròng 101 tỷ đồng nhờ vào việc thanh lý tài sản cố định vật tư, qua đó hoàn thành 82% mục tiêu lợi nhuận cả năm. Tuy nhiên, với kết quả có phần “thê thảm” sau kiểm toán, mục tiêu năm 2023 lãi sau thuế 125 tỷ đồng đang trở thành một nhiệm vụ “bất khả thi” của Xây dựng Hoà Bình.
Đáng chú ý, Ernst & Young Việt Nam nhấn mạnh, khoản lỗ luỹ kế ghi nhận vào ngày 30/6/2023 của Xây dựng Hoà Bình đã lên tới gần 2.813 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Tập đoàn này cũng có các khoản nợ vay đã quá hạn. Trong đó, vẫn còn một số khoản vay đang trong quá trình thương thảo để gia hạn. Theo đơn vị kiểm toán, những điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn.
Liên quan đến vấn đề này, ban lãnh đạo Hòa Bình Corp đã nêu ra một số giả định về kế hoạch chuẩn bị dòng tiền trong tương lai gần, trong đó có phương án phát hành thêm cổ phiếu. Trước đó, ĐHĐCĐ thường niên 2023 cũng đã chấp thuận kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua việc phát hành 274 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược và/hoặc nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, với giá không thấp hơn 12.000 đồng/cp và không thấp hơn thị giá tại thời điểm ký hợp đồng nguyên tắc với nhà đầu tư.
Đồng cảnh ngộ với Hoà Bình, Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, HOSE: NVL) cũng nhận được ý kiến nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục từ phía kiểm toán.
Kết quả soát xét của PwC Việt Nam cho thấy, Novaland lỗ 1.094 tỷ đồng nửa đầu năm, tức lỗ thêm 483 tỷ đồng so với báo cáo công ty tự lập.
Giải trình về sự chênh lệch này, Novaland lý giải là do doanh nghiệp trích lập dự phòng và điều chỉnh giảm thu nhập theo yêu cầu của kiểm toán. Tuy nhiên, vì đã có thỏa thuận thống nhất lịch thu tiền, dự kiến trong năm 2023, Tập đoàn sẽ ghi nhận khoản thu nhập 283,8 tỷ đồng trong số 483 tỷ đồng lỗ thêm nêu trên. Thêm vào đó, việc một số đối tác vẫn chưa hoàn thành các nghĩa vụ tài chính theo hợp đồng hợp tác cũng là nguyên nhân khiến khoản thu nhập trong kỳ của doanh nghiệp bị giảm sút. Novaland khẳng định, khoản thu nhập này sẽ được ghi nhận trong kỳ kế toán tiếp theo sau khi Tập đoàn thu được các nghĩa vụ tài chính từ các đối tác trễ hạn thanh toán, dự kiến hoàn thành trong năm 2023.
Đáng nói, mặc dù không đưa ra kết luận loại trừ song PwC nhấn mạnh đến khoản lỗ thuần hơn 1.094 tỷ đồng trong kỳ kết toán 6 tháng đầu năm 2023 của Novaland, cũng như ảnh hưởng đáng kể của thị trường bất động sản và thanh khoản trái phiếu đến tình hình hoạt động kinh doanh của tập đoàn.
Đơn vị kiểm toán này cũng đưa ra giả định về hoạt động liên tục của Novaland phụ thuộc vào khả năng tập đoàn có thể thanh toán hoặc tái cấu trúc nợ vay, trái phiếu sắp đáo hạn, cũng như thực hiện các giải pháp khác tạo ra dòng tiền để tài trợ cho hoạt động kinh doanh của Tập đoàn.
Về điều này, Novaland cho biết, tập đoàn này đã cập nhật và chia sẻ minh bạch các khó khăn hiện nay như tình hình kinh tế thế giới, khu vực với nhiều biến động, lãi suất tăng cao và ảnh hưởng hậu Covid khiến nền kinh tế chưa kịp phục hồi. Cùng với các khó khăn đó, một yếu tố khác là sự chậm trễ pháp lý đã ảnh hưởng lớn đến tình hình hoạt động, kinh doanh và thanh khoản của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Hiện nay, những vướng mắc về pháp lý và thủ tục đầu tư tại các dự án của Novaland như NovaWorld Phan Thiết, Aqua City, The Grand Manhattan… đã và đang được tháo gỡ và nhận được những tín hiệu tích cực. Trước đó, nhiều dự án của công ty cũng được tái khởi động dưới sự hỗ trợ của các đối tác tài chính lớn như TPBank, MBBank, VPBank…
Kết thúc tuần giao dịch thứ ba trên sàn Nasdaq, cổ phiếu của VinFast đóng cửa ở mức 29,5 USD, giảm 15,02% so với phiên giao dịch trước đó. Nếu so với kết quả đầy hưng phấn trong phiên giao địch đầu tuần, mã này đã giảm hơn 64%. Thậm chí, so với mức đỉnh giá 93 USD/cổ phiếu được xác lập trong ngày 28/8, thị giá hiện tại của cổ phiếu VinFast Auto đã mất gần 70%.
Theo đó, tổng giá trị vốn hoá thị trường của hãng xe điện VinFast Auto hiện chỉ còn gần 68,5 tỷ USD, “bốc hơi” hơn 122 tỷ USD sau 1 tuần giao dịch. Dù vậy, trên bảng xếp hạng giá trị vốn hoá thị trường của các nhà sản xuất ô tô toàn cầu, VinFast Auto hiện vẫn xếp vị trí thứ 6, trên nhiều hãng xe ô tô nổi tiếng khác như BMW, Volkswagen, Ferrari, Honda…
Liên quan đến sự “đảo chiều” bất ngờ của cổ phiếu VFS, các chuyên gia chỉ ra rằng, do tỷ lệ giao dịch tự do (free float) của cổ phiếu VinFast rất thấp nên sẽ dễ dẫn đến các biến động cực độ (tăng sốc, giảm sâu). Đồng thời, các chuyên gia cũng phân tích, trong các thương vụ đầu cơ thông thường, khi các nhà đầu cơ rút đi hoặc chốt lời, sức nóng của một cổ phiếu sẽ nhanh chóng “nguội dần” và thị giá của cổ phiếu đó sẽ khó duy trì được mức cao.
Cũng cần nói thêm, sự sụt giảm của cổ phiếu VFS là diễn biến mà phe “bán khống” đang trông chờ. Như Kinhtechungkhoan.vn từng thông tin, dữ liệu từ S3 Partners cho thấy, các nhà bán khống đã thua lỗ gần 1 triệu USD (trên giấy tờ) kể từ khi VinFast chính thức niêm yết trên sàn Nasdaq. Tuy nhiên, với việc giá cổ phiếu VFS giảm hơn 64%, phe “bán khống” có thể đã bù đắp được phần nào khoản lỗ nói trên, thậm chí bắt đầu ghi nhận lợi nhuận.
Doanh nghiệp tuần qua: VinFast "bùng nổ" trên đất Mỹ, Xây dựng Hòa Bình "tiến công" thị trường Trung Đông Nổi bật trong tuần qua là những bước đi chiến lược của VinFast, Vinhomes, VNG và Xây dựng Hoà Bình trong quá trình phát triển ... |
Doanh nhân tuần qua: Tỷ phú Phạm Nhật Vượng lên top siêu giàu nhất hành tinh Tỷ phú Phạm Nhật Vượng liên tục thăng bậc trong bảng xếp hạng người giàu nhất hành tinh; “bầu” Đức thay đổi chiến lược kinh ... |
Bất động sản tuần qua: Gói thầu “khủng” sân bay Long Thành có chủ, Hà Nội ra “tối hậu thư” cho The Manor Central Park Gói thầu “khủng” sân bay Long Thành có chủ; Hà Nội ra “tối hậu thư” cho The Manor Central Park; Ninh Thuận điều chỉnh gia ... |
Hà Lê