Doanh nghiệp Việt Nam cần có các công cụ quản lý rủi ro trong giao thương quốc tế

29/06/2023 - 17:08
(Bankviet.com) Rủi ro trong thương mại quốc tế sẽ vẫn tiếp tục gia tăng. Để chuẩn bị ứng phó, các DN Việt Nam cần có các công cụ quản lý rủi ro trong giao thương quốc tế.
Cách quản lý rủi ro hiệu quả trong giao dịch ngoại hối Tuân thủ pháp luật và quản lý rủi ro tốt: Nền tảng để thị trường giao dịch hàng hóa phát triển

Doanh nghiệp chưa có nhiều kinh nghiệm phòng ngừa

Theo báo cáo của Hiệp hội Chuyên gia chống lừa đảo toàn cầu, hàng năm, các doanh nghiệp thiệt hại khoảng 5% doanh thu vì lừa đảo. Giá trị trung bình một vụ lừa đảo là 1,7 triệu USD. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho biết, thống kê toàn cầu, tỷ lệ doanh nghiệp là nạn nhân của lừa đảo và tội phạm kinh tế trong năm 2018 là 49%; năm 2020 là 47% và năm 2022 là 46%.

Các doanh nghiệp Việt Nam cần có các công cụ quản lý rủi ro trong giao thương quốc tế
Các doanh nghiệp Việt Nam cần có các công cụ quản lý rủi ro trong giao thương quốc tế

Kết quả thống kê cho thấy, thiệt hại qua mỗi vụ lừa đảo là không nhỏ. Việt Nam đang có thế mạnh xuất nhập khẩu với dư địa tăng trưởng lớn. Mặc dù thời gian qua hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam giảm do ảnh hưởng của thị trường thế giới, quy mô thị trường này đang không nhừng được mở rộng. Chính vì “sân chơi” mở rộng đồng nghĩa với rủi ro đi kèm các tranh chấp thương mại sẽ ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Do đó, yêu cầu cấp thiết là phải nhanh chóng thay đổi các phương thức giao dịch, đặt ra các biện pháp phòng ngừa để hạn chế tối đa xung đột trong thương mại quốc tế.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, một trong những thách thức lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc phòng, ngừa và đối phó với lừa đảo và tranh chấp khi gia nhập thị trường mới. Nhiều doanh nghiệp chưa quen thuộc với văn hoá kinh doanh, phương thức thanh toán, lạ lẫm từ đối tác cho đến hệ thống cơ quan giải quyết tranh chấp và thủ tục giải quyết tranh chấp ở các thị trường này. Do đó các phương pháp quản lý rủi ro hiệu quả là cần thiết cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Nguy cơ thanh toán B2B ở các thị trường xuất khẩu chủ lực

Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê Việt Nam, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2022 đạt 732,5 tỷ USD. Trong đó, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của nước ta, với kim ngạch đạt 109,4 tỷ USD. Xuất khẩu sang EU (thị trường xuất khẩu lớn thứ ba cả nước) đạt 47,1 tỷ USD.

Trong 05 tháng đầu năm, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 37,2 tỷ USD, xuất siêu sang Mỹ ước đạt 31,2 tỷ USD. Xuất siêu sang EU đạt 12,6 tỷ USD.

Tuy nhiên, các thị trường có thặng dư thương mại lớn này hiện đang chứa đựng nhiều rủi ro không lường trước được có thể dẫn đến hệ lụy xấu cho xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Trước đó, ngày 3/5, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục tăng lãi suất cho vay thêm 0,25 điểm phần trăm, lên khoảng 5-5,25%, đưa lãi suất của Mỹ lên mức cao nhất trong 15 năm. Việc này khiến các doanh nghiệp ở Mỹ và EU, vốn đã khó khăn về tài chính, gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn để đảm bảo hoạt động kinh doanh hay thanh toán đúng hạn.

Vốn dĩ, khả năng thanh toán B2B ở các khu vực này đã không mấy khả quan. Cụ thể, theo cuộc khảo sát được thực hiện trên hơn 3.007 doanh nghiệp tại Tây Âu trong phiên bản mới nhất của “Báo cáo về xu hướng thực tiễn thanh toán ở Tây Âu” từ Atradius - Nhà cung cấp toàn cầu về bảo hiểm tín dụng, trái phiếu và bảo lãnh, dịch vụ thu hồi nợ và thông tin - Nhiều doanh nghiệp đang trì hoãn hoặc tạm dừng các kế hoạch đầu tư của họ. Đây là một dấu hiệu rõ ràng về tình trạng khó khăn tài chính khi nhiều công ty phản ứng với bối cảnh kinh tế không chắc chắn bằng cách nắm giữ tiền mặt trong khi phải vật lộn để duy trì hoạt động và đáp ứng thời hạn thanh toán.

Tương tự, trong “Báo cáo về xu hướng thực tiễn thanh toán ở Đông Âu” được công bố vào tháng 6/2023, với phản hồi từ gần 1.540 doanh nghiệp trong khu vực, có nhận định rằng các khoản trả chậm ngày càng tăng đã gây ra lo lắng về dòng tiền và thanh khoản trong 12 tháng qua. Mức tăng trung bình 7% hóa đơn B2B quá hạn hiện ảnh hưởng đến 46% tổng giá trị doanh số bán hàng B2B bằng hình thức trả chậm. Ngoài ra, các vấn đề về dòng tiền được cũng được báo động khi 68% số người được hỏi kỳ vọng về thời hạn thanh toán (DSO) sẽ dài hơn hoặc không thay đổi. Điều này có xu hướng dẫn đến việc chậm thanh toán hoặc không thanh toán trong giao dịch B2B.

Trong khi đó, Mỹ và EU hiện là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã phải chủ động duy trì khách hàng thường xuyên bằng cách đưa ra các điều khoản thanh toán dài hơn (từ 1 - 2 tháng) và thậm chí chấp nhận lợi nhuận gần như bằng không. Như vậy việc không sử dụng bất kỳ công cụ giảm thiểu rủi ro nào sẽ khiến doanh nghiệp gặp rủi ro không thanh toán từ những khách hàng.

Giải pháp dài hạn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu

Từ những bất ổn tài chính hiện hữu, doanh nghiệp Việt Nam cần có các công cụ quản lý rủi ro trong giao thương quốc tế. “Rõ ràng là khi suy thoái kinh tế xảy ra, các nhà cung cấp không còn có thể tin tưởng rằng người mua có lịch sử thanh toán tốt vẫn có thể đáp ứng các khoản nợ của họ. Để giảm thiểu rủi ro, doanh nghiệp cần chủ động quản lý công nợ một cách liên tục” - ông Ngô Tuấn Anh, Trưởng Bộ phận phân tích thông tin doanh nghiệp Atradius Việt Nam cho biết.

Cần có nhiều giải pháp gỡ “điểm nghẽn” về thanh toán đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam
Cần có nhiều giải pháp gỡ “điểm nghẽn” về thanh toán đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam

Ngoài những giải pháp hỗ trợ như L/C, tự bảo hiểm hay trích lập dự phòng nợ xấu thì việc thu xếp chương trình bảo hiểm tín dụng thương mại là một biện pháp tích hợp giúp bảo vệ doanh nghiệp khỏi các khoản phải thu, các hóa đơn không được thanh toán do khách hàng trì hoãn thanh toán, phá sản, vỡ nợ, rủi ro chính trị mà còn giúp tăng khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng.

Các bên thứ ba như công ty bảo hiểm sẽ hoạt động như một đối tác kinh doanh để giúp các người bán (chủ hợp đồng bảo hiểm) đưa ra quyết định sáng suốt bằng cách liên tục theo dõi rủi ro tín dụng của người mua hoặc quốc gia mà người bán xuất khẩu đến. Điều này giúp nâng cao mức độ tự tin của đội ngũ nhân sự của một người bán để giao dịch nhiều hơn với những người mua có sức khỏe tài chính tốt và tránh trở thành nạn nhân của rủi ro thanh toán.

Duy Anh

Theo: Báo Công Thương