Doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản: Hợp tác xây dựng dự án điện gió gần 2.300 tỷ đồng

23/08/2024 - 00:46
(Bankviet.com) Nhà máy điện gió V1-2 có tổng mức đầu tư khoảng 92 triệu USD sẽ được Tập đoàn Trường Thành Việt Nam, TTP và Tokyo Gas phát triển mở rộng tại Trà Vinh.
Thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi để hoàn thiện cơ chế, chính sách Phát triển dự án điện khí LNG còn chậm: Vì đâu nên nỗi? Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long làm việc với Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản)

Ngày 21/8, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng AZEC 2024 tổ chức tại Jakarta (Indonesia), Tập đoàn Trường Thành Việt Nam, TTP (công ty con TEG - Công ty CP Năng lượng và Bất động sản Trường Thành) và Tokyo Gas đã ký kết thoả thuận hợp tác 3 bên (MOU) nhằm phát triển Nhà máy điện gió V1-2 mở rộng tại Trà Vinh. Dự án có công suất 48 MW với tổng mức đầu tư khoảng 2.300 tỷ đồng (92 triệu USD), dự kiến đưa vào vận hành thương mại trong quý III/2026.

Nhà máy điện gió V1-2 mở rộng nằm trong Quy hoạch phát triển năng lượng tỉnh Trà Vinh và thuộc danh sách các dự án năng lượng tái tạo được phát điện trong giai đoạn 2026 - 2030 theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII của Bộ Công Thương.

Khi đi vào vận hành thương mại, nhà máy điện gió V1-2 mở rộng dự kiến sẽ cung cấp hơn 160 triệu kWh điện mỗi năm cho lưới điện quốc gia Việt Nam, góp phần vào quá trình tiến tới giảm phát thải ròng về 0 (Net Zero) mà chính phủ Việt Nam đã đặt ra.

Doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản: Hợp tác xây dựng dự án điện gió gần 2.300 tỷ đồng
Bộ trưởng Bộ Kinh tế - Thương mại - Công nghiệp Nhật Bản (METI) chụp ảnh cùng đại diện các doanh nghiệp tham gia ký kết

Nhà máy điện gió V1-2 mở rộng được khảo sát và phát triển bởi Trường Thành Việt Nam - một trong những doanh nghiệp năng lượng tái tạo lớn nhất Việt Nam, hợp tác đầu tư cùng tập đoàn năng lượng hàng đầu Nhật Bản Tokyo Gas. Đây là tập đoàn đã có 139 năm hoạt động (thành lập năm 1885) và là công ty khí lớn nhất Nhật Bản, có vị thế quan trọng trong ngành khí toàn cầu, đồng thời là nhà cung cấp khí hóa lỏng chính cho nhiều thành phố lớn ở Nhật Bản như Tokyo, Kanagawa, Saitama... Hiện, Tokyo Gas có 10 văn phòng đại diện tại nhiều quốc gia và thị trường trên khắp thế giới, trong đó, có 6 văn phòng đại diện tại 5 quốc gia châu Á.

Trong khi đó, Trường Thành Việt Nam đã khẳng định được vị thế là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực đầu tư xây dựng các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam khi đầu tư và đưa vào vận hành 4 dự án năng lượng tái tạo, gồm 3 dự án điện mặt trời và 1 dự án điện gió, tổng công suất 412 MW.

Lễ ký kết phát triển Nhà máy điện gió V1-2 mở rộng giữa Trường Thành Việt Nam và Tokyo Gas dưới sự chứng kiến của các khách mời tại Hội nghị thượng đỉnh AZEC (Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á) mang ý nghĩa quan trọng khi tổng sản lượng giảm phát thải từ Dự án ước đạt khoảng 94.500 tấn CO2/năm, góp phần vào quá trình tiến tới giảm phát thải ròng về 0 (Net Zero) mà chính phủ Việt Nam đã đặt ra, cũng như phù hợp với nỗ lực thúc đẩy việc giảm phát thải carbon của AZEC.

Tham dự Hội nghị Bộ trưởng AZEC 2024 với tư cách là doanh nghiệp đại diện Việt Nam tiên phong trong việc giảm hiệu ứng nhà kính, thông qua hoạt động phát triển và ứng dụng các dự án nhà máy điện năng lượng tái tạo, ông Mạc Quang Huy - Phó Chủ tịch Công ty CP Năng lượng Trường Thành (TTP), đơn vị tham gia dự án Nhà máy điện gió V1-2 mở rộng - đã chia sẻ một số kinh nghiệm đối với quá trình chuyển đổi năng lượng xanh tại Việt Nam. “Chính phủ Việt Nam đã thể hiện rõ quyết tâm chuyển đổi năng lượng, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng bền vững. TTP, cũng như các thành viên Tập đoàn Trường Thành Việt Nam, đang nỗ lực đóng góp cho quá trình này thông qua các dự án đã và đang triển khai. Ngoài việc phát triển các dự án điện gió trên bờ và gần bờ, chúng tôi đang cùng đối tác nghiên cứu cơ hội tại các dự án điện gió ngoài khơi và tham gia khi điều kiện chín muồi” - ông Mạc Quang Huy cho biết.

AZEC - Asia Zero Emission Community (Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á) - là một cộng đồng được tổ chức theo sáng kiến do Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đề xuất tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tháng 1/2022 và sau đó được thành lập bởi 11 nước vào năm 2023. Mục tiêu của AZEC là hỗ trợ và thúc đẩy các hoạt động giảm phát thải carbon khắp châu Á, tiến tới việc đưa chỉ số phát thải ròng về 0, nhưng vẫn đảm bảo song hành với phát triển kinh tế và an ninh năng lượng để phù hợp với tình hình và đặc thù riêng tại các quốc gia khác nhau.

Năm 2024, Hội nghị Bộ trưởng AZEC 2024 được tổ chức tại Jakarta, Indonesia từ ngày 20 đến 21/8. Tham dự Hội nghị có các đại biểu và bộ trưởng từ nhiều quốc gia thuộc AZEC như Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Phillipines, Cambodia, Lào, Brunei và Úc. Ngoài ra, Hội nghị còn tổ chức Diễn đàn Kinh doanh AZEC (AZEC Business Forum) vào ngày 21/8 nhằm thúc đẩy việc giảm phát thải carbon tại các doanh nghiệp, thông qua hoạt động kết nối, hợp tác kinh doanh.

Ngân Thương

Theo: Báo Công Thương