TTC Land và AeonMall Việt Nam ký kết biên bản ghi nhớ Kiên Giang: CIC Group huy động thêm 500 tỷ để làm gì? Chứng khoán Rồng Việt huy động thành công 800 tỷ đồng từ trái phiếu “ba không” |
Mới đây, Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land) đã công bố thông tin bất thường đính chính Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2024. Theo đó, doanh nghiệp này đã điều chỉnh khoản mục phải trả khác và nghiệp vụ với các bên liên quan, chủ yếu là các doanh nghiệp trong hệ sinh thái TTC Group.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 và quý I/2024, nợ phải trả của TTC Land vào thời điểm 31/3/2024 ghi nhận hơn 5.534 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn hơn 3.705 tỷ đồng và nợ dài hạn hơn 1.829 tỷ đồng.
Cũng trong báo cáo thể hiện các khoản vay dài hạn của TTC Land gia tăng đáng kể với giá trị hơn 1.428 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 837 tỷ đồng vào đầu năm 2023. Tại thời điểm 31/3/2024, TTC Land đang vay dài hạn Ngân hàng TMCP Phương Đông 1.316,8 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Nam Á 396,2 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP An Bình 110 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam 97,6 tỷ đồng và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng 28,1 tỷ đồng.
TTC Land ghi nhận doanh thu ảm đạm (Ảnh minh họa). |
Ngoài ra, vào cuối năm 2023 TTC Land có 525 tỷ đồng trong khoản nợ vay dài hạn được phân loại là nợ vay dài hạn đến hạn trả và con số này tiếp tục duy trì là 520 tỷ đồng vào cuối quý I/2024.
Điều đáng quan tâm, TTC Land đang có khoản nợ hơn 302,7 tỷ đồng vay nợ ngân hàng đến hạn thanh toán trong năm nay, gồm: Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam hơn 220 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam hơn 43,8 tỷ, Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh hơn 29,6 tỷ đồng và Ngân hàng TMCP Nam Á hơn 9,1 tỷ đồng.
Cùng với đó, TTC Land còn vay tổ chức và cá nhân với số tiền 863 tỷ đồng. Các khoản vay này chủ yếu được thực hiện với các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái của TTC Group. Ước tính lãi suất bình quân các khoản vay ngắn hạn và dài hạn của TTC Land khoảng 11%/năm theo báo cáo tài chính thì TTC Land phải chi trả lãi vay trên 330 tỷ đồng/năm.
Có thể thấy TTC Land phải thanh toán cho các cá nhân, tổ chức và ngân hàng trong năm 2024 lên tới trên 2.000 tỷ đồng. Trong đó 302,7 tỷ đồng vay nợ ngân hàng, 863 tỷ đồng vay tổ chức và cá nhân, 520 tỷ đồng nợ vay dài hạn đến hạn thanh toán và hơn 330 tỷ đồng tiền lãi (ước tính).
Với áp lực trả nợ vay rất lớn nhưng tình hình kinh doanh của doanh nghiêp này thời gian qua lại rất ảm đạm. Đỉnh điểm sự suy thoái của TTC Land từ khoảng năm 2019, lợi nhuận trong những năm qua liên tục sụt giảm nghiêm trọng và dòng tiền âm kỷ lục.
Năm 2023, TTC Land ghi nhận lãi vỏn vẹn 15 tỷ đồng, giảm 72,9% so với cùng kỳ, đồng thời, ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm 1.585 tỷ đồng (mức cao nhất được ghi nhận trong giai đoạn từ năm 2008 đến 2023).
Quý I/2023, TTC Land chỉ lãi 1,9 tỷ đồng, quý II lãi 3,9 tỷ; quý III lãi 3,6 tỷ và quý IV lãi hơn 5 tỷ.
Sang quý I/2024, doanh thu của TTC Land cũng chỉ đạt gần 70 tỷ đồng, giảm khoảng 14% so với cùng kỳ, đạt chưa đến 10% kế hoạch doanh thu năm 2024; Lãi ròng gần 4,8 tỷ đồng. Dòng tiền kinh doanh âm hơn 177 tỷ đồng (cùng kỳ âm gần 293 tỷ đồng). Tiền mặt chỉ có khoảng 81 tỷ đồng.
Trước tình hình trên, ngày 22/5/2024, Hội đồng quản trị TTC Land đã phải thông qua phương án phát hành cổ phần để hoán đổi khoản nợ gần 350 tỷ đồng, chủ yếu của Công ty Cổ phần Đầu tư TTC và Công ty Cổ phần KCN TTC nhằm giảm bớt áp lực trả nợ cho các cá nhân và tổ chức.
Bên cạnh đó cũng phải kể đến nhiều dự án của TTC Land đang rơi vào tình trạng đình trệ do vướng mắc pháp lý và bối cảnh thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn. Đối với việc bán các dự án để tạo dòng tiền trả nợ cũng không hề dễ dàng trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn đang còn gặp nhiều khó khăn.
Tình hình kinh doanh ảm đạm nhưng khoản nợ đến hạn phải trả rất lớn, điều này dấy lên lo ngại, liệu rằng TTC Land sẽ tìm nguồn tài chính từ đâu để trả nợ khi doanh thu đầu năm nhỏ giọt.