Thành phố trung tâm kinh tế phía nam tăng tốc làm giao thông xanh, doanh nghiệp "mạnh" nhất về xe điện hưởng lợi

23/05/2025 - 20:33
(Bankviet.com) Thành phố là trung tâm kinh tế phía nam đang bước vào giai đoạn hành động quyết liệt để xây dựng một thành phố xanh, thân thiện với môi trường.
Chuyển động

Thành phố trung tâm kinh tế phía nam tăng tốc làm giao thông xanh, doanh nghiệp "mạnh" nhất về xe điện hưởng lợi

Cao Trung 23/05/2025 11:04

Thành phố là trung tâm kinh tế phía nam đang bước vào giai đoạn hành động quyết liệt để xây dựng một thành phố xanh, thân thiện với môi trường.

Tại cuộc họp mới đây giữa lãnh đạo UBND TP.HCM và Tập đoàn Vingroup – đơn vị sở hữu thương hiệu xe điện VinFast, Chủ tịch Nguyễn Văn Được nhấn mạnh, chuyển đổi xanh không còn là lựa chọn mà là con đường tất yếu để phát triển bền vững. Thành phố đã giao Sở Xây dựng chủ trì xây dựng Đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông với quy mô mở rộng, dự kiến hoàn chỉnh trong quý 4/2025.

giaothongxanh.jpg
Thị trường phương tiện xanh sẽ bước vào giai đoạn phát triển bùng nổ từ 2025 trở đi (Ảnh minh họa)

Theo đó, đề án sẽ tạo ra một loạt cơ chế, chính sách cụ thể để thúc đẩy người dân và doanh nghiệp chuyển đổi từ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang xe chạy bằng năng lượng sạch. Trong giai đoạn 1, TP tập trung vào việc chuyển đổi toàn bộ hệ thống xe buýt sang năng lượng xanh, hướng tới mục tiêu đến năm 2030, 100% xe buýt sẽ chạy bằng điện hoặc khí sạch.

Không chỉ có hệ thống giao thông công cộng, đề án còn vạch ra các chính sách ưu đãi mạnh tay cho người dân và doanh nghiệp nếu chuyển sang sử dụng phương tiện thân thiện môi trường. Trong đó, đáng chú ý là cơ chế cho vay vốn lên đến 85% giá trị xe buýt điện với lãi suất chỉ 3%/năm trong vòng 7 năm – mức hỗ trợ chưa từng có tiền lệ.

tphcm2.jpeg
TP sẽ thành lập Tổ công tác thực hiện nhiệm vụ tư vấn, tham mưu cho lãnh đạo UBND TP chỉ đạo các nội dung liên quan đến chuyển đổi xanh

TP.HCM cũng đang thúc đẩy các giải pháp kỹ thuật như phân vùng giao thông xanh, hạn chế xe xăng tại khu vực trung tâm và các vùng nhạy cảm như Cần Giờ, Côn Đảo. Đồng thời, thành phố phối hợp với Đại học VinUni để thí điểm các mô hình chuyển đổi xanh, kết nối hạ tầng sạc và thúc đẩy giao dịch tín chỉ carbon – mảng kinh doanh tiềm năng với nhiều dư địa cho các “ông lớn” công nghệ và năng lượng.

Động thái này được cho là sẽ “mở thêm đường” cho các doanh nghiệp xe điện, đặc biệt là VinFast – công ty đang có nhiều hợp tác chiến lược với chính quyền và các tập đoàn lớn. Mới đây, VinFast và Viettel đã công bố chương trình ưu đãi quy mô dành riêng cho hơn 70.000 nhân viên và người thân của Viettel khi mua xe điện VinFast. Bên cạnh mức giảm giá trực tiếp, khách hàng còn được tặng bảo hiểm vật chất, miễn lệ phí trước bạ và hỗ trợ trả góp chỉ từ 45 triệu đồng.

Với việc TP.HCM siết chặt kiểm soát khí thải, ưu tiên xe điện, nhiều chuyên gia đánh giá thị trường phương tiện xanh sẽ bước vào giai đoạn phát triển bùng nổ từ 2025 trở đi. Những tên tuổi đang sở hữu hệ sinh thái xe điện hoàn chỉnh – từ sản xuất, phân phối đến dịch vụ hậu mãi và hạ tầng sạc – sẽ nắm ưu thế dẫn dắt thị trường.

Hiện TP.HCM đã có khoảng 31,1% xe buýt sử dụng năng lượng sạch. Tuy nhiên, tỷ lệ này còn thấp so với mục tiêu dài hạn. Việc ban hành chính sách mới không chỉ giúp rút ngắn lộ trình chuyển đổi, mà còn mở ra “đại lộ chính sách” cho doanh nghiệp tiên phong. Cùng với dòng vốn đầu tư công và tư nhân đổ vào hạ tầng xanh, TP.HCM đang tạo thế gọng kìm kép: Vừa kiểm soát khí thải, vừa khơi thông động lực tăng trưởng mới cho ngành công nghiệp phương tiện sạch.

Cao Trung

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán