Doanh thu bán lẻ và hàng hóa dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng chưa như kỳ vọng

05/04/2024 - 23:24
(Bankviet.com) Quý I/2024, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 8,2% so với cùng kỳ 2023, đây là mức tăng tích cực nhưng vẫn kém thời điểm trước Covid-19.
Hà Tĩnh: Doanh thu bán lẻ hàng hóa tiếp tục khởi sắc Hà Tĩnh: Doanh thu bán lẻ đầu năm 2024 đạt hơn 6.200 tỷ đồng

Theo Tổng cục Thống kê, tính chung quý I/2024 doanh thu bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 7,0% so với cùng kỳ; Doanh thu dịch vụ lưu trú ăn uống tăng 13,4%; Doanh thu du lịch lữ hành tăng 46,3%; Doanh thu dịch vụ khác tăng 9,5%.

Theo các chuyên gia, đây là mức tăng tích cực trong bối cảnh hiện tại nhưng vẫn chưa như kỳ vọng. Mức tăng này còn thấp hơn thời điểm quý I/2023 với mức tăng 13,9% so với quý I/2022. Nếu loại trừ yếu tố giá, quý I/2024 tăng 5,1% và quý I/2023 tăng 10,1%.

Doanh thu bán lẻ và hàng hóa dịch vụ tiêu dùng tăng thấp hơn thời điểm trước Covid-19
Tính chung quý I/2024 doanh thu bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2023

Bình luận về kết quả trên, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 3 tháng đầu năm 2024 là nhờ sự đóng góp lớn của các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống và dịch vụ du lịch lữ hành vào mức tăng trưởng chung.

Về nguyên nhân khiến tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trong quý I/2024, đại diện Tổng cục Thống kê liệt kê 3 nguyên nhân chính, bao gồm:

Một là: Ngành du lịch tăng trưởng tốt trong ba tháng đầu năm 2024. Tính chung quý I/2024, Việt Nam đón khoảng 4,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2023, do thực hiện các chính sách như: Ngoại giao du lịch, xúc tiến quảng bá du lịch trên thế giới, kích cầu du lịch nội địa ở cấp Trung ương, bộ ngành và từng địa phương. Sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch trong những tháng đầu năm 2024 có tác động lan tỏa tích cực đến các ngành khác trong nền kinh tế như: Lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành.

Hai là, các bộ ngành tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu, góp phần ổn định giá cả hàng hóa lưu thông trên thị trường.

Ba là, việc tăng lương cơ sở cho công chức, viên chức được áp dụng từ tháng 7/2023 và trong năm 2024, tác động tích cực đến kích cầu chi tiêu của người dân và góp phần thay đổi thói quen chi tiêu trong thời kỳ dịch Covid-19. Do vậy, đây cũng là dư địa để triển khai hiệu quả các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, nhằm tận dụng và thu hút nguồn thu nhập tăng lên của người dân.

Tuy nhiên so với thời kỳ trước dịch Covid-19, mức độ tăng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2024 tăng 8,2% vẫn chưa đạt được thời điểm trước dịch. Cụ thể: Mức độ tăng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2024 giảm 3,3 điểm phần trăm so với mức tăng bình quân giai đoạn (2015-2019). Bởi bình quân 5 năm trước dịch, giai đoạn (2015-2019), tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,5%/năm. Do đó, mức tăng 8,2% là mức tăng trưởng rất thấp so với thời điểm trước dịch.

Doanh thu bán lẻ và hàng hóa dịch vụ tiêu dùng tăng thấp hơn thời điểm trước Covid-19
Có nhiều nguyên nhân khiến doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng tăng trong quý I/2024

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2024, đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng, trước những khó khăn chung của nền kinh tế trong nước và thế giới, Việt Nam cần triển khai tích cực đồng bộ nhiều giải pháp để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2024.

Cụ thể, cần tăng cường tiêu dùng sản phẩm trong nước, thúc đẩy tiêu dùng nội địa và sản xuất trong nước, tiếp tục tuyên truyền và tổ chức vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”.

Phát triển và đa dạng hóa các kênh phân phối hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt tuyên truyền và thúc đẩy các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh cá thể tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu người dân, tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh.

Mặt khác, để thúc đẩy tiêu dùng, Việt Nam cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh và phát triển thị trường trong và ngoài nước. Hỗ trợ Hiệp hội trong việc tổ chức đào tạo các nhà phân phối nội địa, tăng cường liên kết hợp tác giữa các nhà phân phối trong nước. Tiếp tục tăng cường, thúc đẩy hoạt động du lịch thông qua việc đẩy mạnh hoạt động ngoại giao du lịch. Đồng thời triển khai thêm các hoạt động kích cầu du lịch nội địa tại các địa phương có lợi thế. Đây chính là giải pháp và dư địa tốt nhất để lĩnh vực lưu trú, ăn uống; du lịch lữ hành tiếp tục phát triển bùng nổ, tác động lan tỏa tới tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam.

Nguyễn Hòa

Theo: Báo Công Thương