Sáng 28/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức Toà án nhân dân (TAND) sửa đổi.
Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi (Ảnh: quochoi.vn) |
Một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến tranh luận là việc TAND tối cao - cơ quan chủ trì soạn thảo - đề xuất đổi tên TAND cấp tỉnh, thành TAND phúc thẩm; TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm, thành lập TAND sơ thẩm chuyên biệt.
Đồng thuận đổi tên thành tòa phúc thẩm và tòa sơ thẩm
Chia sẻ với phóng viên bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Tạo - đoàn Lâm Đồng chia sẻ: Lần này hoạt động của Tòa án gắn với Nghị quyết 27, với trọng tâm đổi mới trong hoạt động xét xử. Về tổ chức, Ban soạn thảo cũng đưa ra nội dung việc đổi tên Tòa án không gắn tên theo địa giới hành chính, Tòa án cấp huyện, cấp thành phố, mà thành Tòa án sơ thẩm và phúc thẩm.
Đại biểu Nguyễn Tạo chia sẻ với phóng viên bên hành lang Quốc hội. (Ảnh: Thu Hường) |
Tuy nhiên, có địa phương tòa án mỗi năm chỉ xét xử số vụ có thể đếm trên đầu ngón tay, những địa bàn vùng sâu, vùng xa cũng phải có từng đấy biên chế… gây tốn kém. Do vậy, đại biểu ủng hộ quan điểm hình thành Tòa án sơ thẩm và Tòa án phúc thẩm. Như vậy, sẽ chuyển khung hình phạt và tăng cấp độ thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện. Cụ thể, vẫn nguồn nhân lực đó, số vụ việc đó, nhưng số lượng Thẩm phán sẽ được gom lại, biên chế tòa án sơ thẩm sẽ được tăng cường.
Hiện nay, hoạt động tòa án đang đan xen, lúc thì tòa án cấp huyện xét xử sơ thẩm, lúc thì cấp phúc thẩm vẫn xét xử sơ thẩm. Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo phân định rõ ràng và tăng thẩm quyền cho tòa án cấp huyện để đảm bảo xét xử sơ thẩm tất cả các vụ án thuộc thẩm quyền.
Theo đại biểu Nguyễn Tạo, cần tập trung nguồn nhân lực, vật lực, đầu tư điều kiện cơ sở vật chất, ứng dụng khoa học - công nghệ để nâng cao chất lượng xét xử của tòa sơ thẩm, đồng thời phát huy được hiệu quả của tòa án phúc thẩm trong tương lai. Bên cạnh đó, đại biểu cũng ủng hộ việc phân định rạch ròi tòa sơ thẩm và phúc thẩm, đồng thời mở rộng thẩm quyền cho tòa sơ thẩm. Dự kiến chỉ 1-2 nhiệm kỳ là tòa sơ thẩm sẽ đi vào hoạt động hiệu quả.
Ở góc nhìn khác, trong phiên thảo luận tại hội trường, đại biểu Phạm Văn Hòa - đoàn Đồng Tháp đồng tình với phương án 1, giữ nguyên tên Tòa án cấp tỉnh, huyện theo luật hiện hành.
Đại biểu Phạm Văn Hòa góp ý tại hội trường. (Ảnh: Quốc hội) |
Tuy nhiên, ông Hoà cho rằng, một số đại biểu và chánh án TAND tối cao vẫn đề nghị đổi tên tòa án cấp tỉnh, huyện. Do còn ý kiến khác nhau của các đại biểu liên quan đến cả hai phương án, nên đại biểu Phạm Văn Hoà đề nghị Quốc hội cho lấy phiếu ý kiến của các đại biểu về nội dung này.
“Nên lấy phiếu để đảm bảo khách quan, chính xác”, ông Hòa nói.
Nêu quan điểm, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh -đoàn Khánh Hòa cho hay, ông đồng ý với phương án 2, đổi mới TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm, TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm.
Nêu lý do, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng việc đổi mới này đã thể chế hoá, đáp ứng yêu cầu tại các nghị quyết của Đảng.
“Một trong những vấn đề quan trọng nhất là chúng ta phải xây dựng tòa án độc lập; tòa án trở thành trung tâm, xét xử là trọng tâm”, ông Thịnh nói và cho rằng có như vậy, xét xử mới công bằng, bảo đảm công lý; nhân dân mới tin vào pháp luật, tin vào tòa án, và xa hơn nữa là nhân dân tin vào chế độ.
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh - Đoàn Khánh Hòa. (Ảnh: quochoi.vn) |
Mặt khác, đại biểu đoàn Khánh Hoà nhấn mạnh tòa án là cơ quan xét xử của Nhà nước, tòa án thực hiện thẩm quyền tài phán quốc gia chứ không phải tòa án cấp huyện hay cấp tỉnh.
“Chúng ta phải thay đổi, sự thay đổi này phù hợp với xu hướng của thế giới. Gần như các nước trên thế giới họ đều làm vậy cả rồi. Bây giờ chúng ta mới làm hơi muộn rồi, nhưng là cần thiết”, ông Thịnh nói.
Một lý do khác, ông Đỗ Ngọc Thịnh nhắc lại, thời điểm lịch sử, Bác Hồ quyết định rất nhiều vấn đề lớn của nước ta, trong đó có việc xây dựng Hiến pháp 1946, có việc chỉ đạo xây dựng Tòa án sơ thẩm, Tòa án phúc thẩm.
Cần thiết thành lập TAND sơ thẩm chuyên biệt
Cũng theo đại biểu Nguyễn Tạo, với Tòa án chuyên biệt, thứ nhất sẽ xử lý các vụ việc liên quan đến sở hữu trí tuệ. Thứ hai, là trong tố tụng hành chính, bởi thực tế hiện nay, các bản án hành chính hiệu lực pháp luật không cao, thậm chí tắc nghẽn. Chỉ khoảng 40% bản án hành chính thi hành được. Câu chuyện là do mối tương quan giữa tòa án hành chính với Uỷ ban hành chính các cấp, là sự phụ thuộc vào lãnh đạo của cấp ủy địa phương vào phụ thuộc về cơ sở vật chất.
“Như vậy, khi phụ thuộc về sự lãnh đạo và phụ thuộc về vật chất phát sinh, thì khi xét xử một bản án hành chính cùng cấp sẽ rất khó. Có thể lấy ví dụ như Tòa án nhân dân cấp tỉnh xét xử một quyết định hành chính của UBND cấp tỉnh là rất khó. Do vậy, chúng tôi mong muốn hình thành một tòa án chuyên biệt”.- vị đại biểu đoàn Lâm Đồng nhấn mạnh.
Hiện hình thành tòa án chuyên biệt tại 63 tỉnh, thành là rất khó, do vậy có thể tiến hành thí điểm. Với sở hữu trí tuệ, có thể thực hiện ở những địa bàn tập trung như Hà Nội, TP. HCM và các thành phố trực thuộc trung ương, nơi tranh chấp, khiếu nại về sở hữu trí tuệ rất lớn. Chúng ta cần lộ trình 3-5 năm để đánh giá thí điểm, rút kinh nghiệm.
Về vị thế của người thẩm phán – đây là một nghề đặc biệt. Trước đây, có một quỹ giữ liêm để đảm bảo thu nhập cho thẩm phán và đảm bảo trong sạch nhất khi tham gia xét xử. Phán quyết của thẩm phán độc lập phải tuân theo pháp luật.
Liên quan đến vấn đề này, theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – đoàn Hải Dương cho hay, Điều 62 dự thảo Luật quy định về 3 loại tòa án sơ thẩm chuyên biệt gồm: Tòa án sơ thẩm chuyên biệt Hành chính, TAND sơ thẩm chuyên biệt Sở hữu trí tuệ, TAND sơ thẩm chuyên biệt Phá sản.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn Hải Dương. (Ảnh: quochoi.vn) |
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng việc thành lập 3 loại tòa án này là cần thiết và xuất phát từ yêu cầu thực tiễn trong công tác xét xử. Thời gian qua, tỷ lệ giải quyết các vụ án hành chính, phá sản, sở hữu trí tuệ không cao, thậm chí thấp, số lượng các vụ việc bị huỷ, sửa cao. Vì vậy, đòi hỏi sự chuyên nghiệp, chuyên sâu trong công tác xét xử để đảm bảo hiệu quả xét xử các loại vụ án này.
'Đặc biệt, Tòa án sơ thẩm chuyên biệt Hành chính nếu được thành lập tách biệt hẳn với đơn vị hành chính địa phương thì sẽ đảm bảo tính khách quan hơn trong công tác xét xử, hạn chế được tâm lý nể nang, e ngại của thẩm phán khi giải quyết các vụ án hành chính' - đại biểu Nga nhấn mạnh.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị nghiên cứu quy định rõ điều kiện, tiêu chí thành lập các tòa án chuyên biệt trong dự thảo Luật, chỉ thành lập các toà án chuyên biệt theo vùng, theo khu vực, tránh việc thành lập tòa án chuyên biệt quá nhiều. Bởi hiện nay, số lượng các vụ án về hành chính, phá sản, sở hữu trí tuệ cũng không quá lớn, chủ yếu tập trung ở đô thị. Nếu thành lập quá dàn trải, vừa không hiệu quả, vừa không đảm bảo tinh thần tinh gọn hệ thống chính trị nói chung.
Trong khi đó, đại biểu Tạ Minh Tâm - Đồng Nai cho rằng, việc thành lập TAND sơ thẩm chuyện biệt có ý nghĩa quan trọng trong việc phát huy hết khả năng của đội ngũ cán bộ chuyên sâu về pháp luật, được đào tạo về các lĩnh vực chuyên môn, đặc biệt là trong các vụ án về phá sản, sở hữu trí tuệ.
Đồng thời còn hạn chế được những tiêu cực, tăng cường tính độc lập của tòa án xét xử đối với các vụ hành chính, từ đó sẽ góp phần năng cao chất lượng giải quyết đối với các loại án này. Tuy nhiên, việc thay đổi này cũng có nhiều vấn đề quan tâm đó là sự thuận lợi trong tiếp cận TAND sơ thẩm chuyên biệt của công dân
Tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho hay, liên quan đến thành lập tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt, đa số các đại biểu đồng thuận, tòa thành lập như thế nào sẽ do Quốc hội quyết định, chắc chắn sẽ không thành lập tràn lan.
Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình. (Ảnh: Media Quốc hội) |
"Dự kiến của TAND tối cao chỉ có 1 tòa sở hữu trí tuệ, 2 tòa phá sản và các toàn hành chính chuyên biệt đặt ở các thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh và đang cân nhắc thêm TP. Cần Thơ' - Chánh án TAND cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định.