Bài dự thi Cuộc thi viết "Ngân hàng tôi yêu" của tác giả Nguyễn Xuân Hòa, công tác tại Thanh tra, giám sát NHNN chi nhánh Quảng Trị.
Nếu quay về khoảng 25 năm trước, tôi không có thể đoán được mình hôm nay sẽ là một cán bộ ngân hàng. Khi còn là học sinh THPT, tôi đã tự chọn cho mình một số trường đại học để phấn đấu, cái thời học sinh sôi nổi mà bồng bột, trong danh sách các trường tôi chọn có đủ các nghành nghề: kinh tế có, kỹ thuật có, luật sư có nhưng tuyệt nhiên không hề có ngành ngân hàng.
Thời gian thấm thoắt trôi đi, kỳ thi đại học cũng đã diễn ra đúng như mơ ước của tôi, và tôi đã đỗ vào cả trường Kinh tế và trường Bách khoa. Do điều kiện gia đình không thể cho tôi đi xa tận Thủ đô để học Bách khoa nên số phận đã đưa tôi đến với trường đại học Kinh tế tại miền Trung quê hương một cách tự nhiên như thế.
Thời tôi học có chuyển giai đoạn mới chọn ngành, muốn học ngành nào thì cũng phải thi như đầu vào đại học. Tôi nhớ lúc đó ngành kế toán là hot nhất mà tôi lại nghĩ rằng ngành đó chỉ dành cho những bạn nữ nên quyết tâm thi vào ngành hot thứ hai để thể hiện bản thân, chính là ngành ngân hàng, và tôi đã đỗ.
Học xong, tôi thi đỗ và trở thành một nhân viên Quỹ hỗ trợ Phát triển (tiền thân của Ngân hàng Phát triển Việt Nam sau này). Vậy đấy, tôi đã từng bước trở thành một người cán bộ ngân hàng bằng cái duyên tự nhiên và mộc mạc như thế.
Bước chân vào nghề, tôi gắn bó ngay với công việc cán bộ tín dụng từ những ngày đầu. Bắt tay vào công việc mới thấy rằng nghề ngân hàng không hề nhẹ nhàng, màu sắc như thời đi học mình hay tưởng tượng.
Khách hàng của tôi gồm nhiều thành phần và đủ các ngành nghề, từ ông nông dân nuôi trồng thủy sản, trồng cây nông nghiệp, bác ngư dân đánh bắt cá xa bờ cho đến những giám đốc doanh nghiệp, chủ tịch tập đoàn đầu tư các dự án công nghiệp, thủy điện, thương mại,… Chính từ thực tế đó, tôi được tiếp xúc và tìm hiểu được rất nhiều ngành nghề, được biết thêm nhiều địa điểm mà nếu không làm tín dụng ngân hàng chắc cả đời tôi cũng không hề có cơ hội đặt chân đến.
Dấu chân của những người làm tín dụng chúng tôi đặt đến địa bàn toàn tỉnh, thậm chí còn lan ra một số tỉnh bạn trong cả nước. Công việc thì thật là đa dạng, có hôm thì sáng sớm phài đi về hồ nuôi tôm thẩm định, chiều đến lại kiểm tra trồng rừng. Đến ngày rằm hàng tháng thì cùng nhau về đón tàu xa bờ cập cảng để đôn đốc thu nợ vì một tháng (gọi là trăng) tàu mới cập bến một lần.
Rồi nỗi lo khách hàng không trả được nợ cứ thường trực hàng tháng, nếu khách hàng nào chủ động trả thì mừng vui còn không thì toàn phải đến từng nhà, từng khách hàng thông báo, đôn đốc. Chuyện khách hàng né tránh không gặp, không trả nợ đúng hạn xảy ra thường xuyên, chi phí đi lại nhiều khi còn cao hơn cả số tiền lãi phải thu.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất là tôi đi theo tàu dịch vụ đi thu hồi nợ tàu cá xa bờ tại huyện đảo Bạch Long Vỹ. Suốt một ngày lênh đênh trên biển với cơn say sóng cồn cào, tôi cũng đã cập bến đảo. Thời kỳ đó, đảo chỉ có điện trong một thời gian ngắn, nước thì quá khan hiếm. Suốt 3 ngày trên đảo, tôi phải đi thuyền thúng đến từng tàu các khách hàng để thu nợ, các chủ tàu chứng kiến cũng không nỡ trốn tránh, ai cũng cố gắng trả nợ cho cậu cán bộ ngân hàng trẻ vì thấy tôi quá vất vả, xa xôi.
Rồi đến chuyện khách hàng không trả được nợ, phải phát mãi tài sản là việc khó khăn về tâm lý với tất cả chúng tôi. Thực tế thì từ phía ngân hàng cũng như khách hàng chẳng ai muốn phải phát mãi tài sản để thu hồi nợ. Những lúc như thế chúng tôi thường bảo nhau động viên khách hàng phối hợp là chính, những biện pháp cứng rắn, cưỡng chế có sự phối hợp của cơ quan pháp luật, cơ quan có thẩm quyền chỉ được thực hiện khi khách hàng liên tục không phối hợp, có biểu hiện chống đối.
Đời tín dụng dù rất nhiều khó khăn, vất vả nhưng cũng cho tôi được gặp rất nhiều người, được đi rất nhiều nơi và đặc biệt là được hiểu thêm nhiều ngành nghề. Điều đó đã tạo nên nhân cách và nghiệp vụ chuyên môn vững vàng cho tôi trong bước đường nghề nghiệp tiếp theo.
Giờ đây, dù đã qua nhiều vị trí và đã chuyển sang làm việc tại Ngân hàng Nhà nước nhưng khoảng thời gian làm tín dụng đã trở thành một ký ức đẹp mãi mãi không bao giờ quên.
Từ đó tôi nhận ra rằng: Tín dụng ngân hàng là một môi trường giúp bạn tận dụng được sức mạnh của tập thể. Không thể vì bạn giỏi mà không cần đến mọi người vì bạn đang ở trong một hệ thống. Ngân hàng vận hành theo một quy định, quy trình chặt chẽ, là nơi không dành cho những cá nhân riêng lẻ, những cá nhân đề cao cái tôi của mình; Tín dụng ngân hàng là nơi hoàn hảo để rèn luyện và trưởng thành. Bản thân tôi cảm nhận rõ mình trưởng thành và hoàn thiện từng ngày khi làm việc ở môi trường ngân hàng, vốn sống cũng như các mối quan hệ được tích lũy và mở rộng dần theo thời gian.
Tóm lại, từ khi bước chân vào ngành ngân hàng tôi đã xác định rõ điều mình muốn, nhìn rõ thực tế và sẵn sàng đối mặt với những khó khăn thách thức để sống trọn vẹn, hết mình với con đường mình đã lựa chọn.
NGUYỄN XUÂN HÒA
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ