2 tháng đầu năm cả nước xuất siêu 4,72 tỷ USD Kỳ vọng xuất khẩu năm 2024 khởi sắc Dự báo, sản xuất sẽ tăng trưởng mạnh trong nửa cuối năm 2024 |
Đón 'sóng' phục hồi, nhiều ngành xuất khẩu thu tỷ USD
Công ty CP Trần Đức vừa có đơn hàng xuất khẩu 600 căn nhà gỗ lắp ghép đi Hawaii. Đến thời điểm này, công ty đã kín đơn hàng nhà gỗ lắp ghép đến tháng 6. Ngoài nhà gỗ lắp ghép, phân khúc đồ nội thất của công ty xuất đi Mỹ và châu Âu đã kín đơn hàng đến tháng 9/2024. Ông Võ Xuân Thuyên - Giám đốc điều hành Công ty CP Trần Đức - cho biết, thị trường Mỹ và Canada hứa hẹn là mảnh đất màu mỡ. Tại Canada, nhu cầu nhà ở đang rất lớn.
Đón sóng phục hồi, xuất siêu cao nhất kể từ năm 2014 đến nay |
Theo các doanh nghiệp trong ngành gỗ, nhiều công ty trong ngành đã phục hồi 80 - 90% và có đơn đặt hàng đến tháng 4 - 5. Tình hình xuất khẩu đã có tín hiệu khả quan từ đầu năm.
Không chỉ gỗ, xuất khẩu dệt may, da giày, sắt thép, điện tử, thủy sản, rau quả, gạo, cà phê cũng đều tăng trưởng ở mức cao so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp nhận được nhiều đơn đặt hàng ngay từ đầu năm và tăng cường sản xuất.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu giày dép có chiều hướng phục hồi trong giai đoạn đầu năm 2024 với mức tăng trưởng hai con số. Nửa đầu tháng 2 (từ ngày 1 - 15/2), kim ngạch xuất khẩu giày dép đạt xấp xỉ 500 triệu USD. Tính chung từ đầu năm đến ngày 15/2, xuất khẩu giày dép thu về gần 2,5 tỷ USD, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương kim ngạch tăng thêm hơn 300 triệu USD).
Ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho biết, riêng tháng 2/2024, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 4,48 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm ngoái. 2 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 9,84 tỷ USD, tăng 50,3%, giá trị xuất siêu đạt 2,68 tỷ USD, tăng gần 2,9 lần. Đáng chú ý, chất lượng nông sản Việt Nam ngày càng được các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản đón nhận.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hai tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt gần 114 tỷ USD, tăng xấp xỉ 19% so với cùng kỳ 2023.
Nhờ tín hiệu thị trường tại các nước nhập khẩu chính khởi sắc, kim ngạch xuất khẩu hai tháng đầu năm tăng trên 19%, đạt gần 59,4 tỷ USD. 11 mặt hàng ghi nhận kim ngạch trên 1 tỷ USD, riêng 4 nhóm chủ lực (điện tử, máy tính, điện thoại - linh kiện, máy móc thiết bị và dệt may) thu trên 5 tỷ USD từ các thị trường.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập về hơn 54,6 tỷ USD hàng hóa, máy móc, nhiên liệu sản xuất, tăng 18% so với cùng kỳ 2023. Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vẫn là khu vực chiếm tỷ trọng nhập hàng hóa, nguyên liệu cho sản xuất nhiều hơn trong nước, gần 35 tỷ USD.
Về thị trường, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, gần 21 tỷ USD. Trong khi Mỹ là nơi hàng Việt xuất đi nhiều nhất, đạt 17,4 tỷ USD trong hai tháng.
Như vậy, Việt Nam xuất siêu trên 4,7 tỷ USD - mức cao nhất cùng kỳ 10 năm. Xuất siêu sang Mỹ, EU tăng lần lượt gần 37% và 14% so với cùng thời điểm năm ngoái. Riêng thị trường Nhật, từ nhập siêu 0,2 tỷ USD chuyển sang xuất siêu 0,4 tỷ USD. Cán cân thương mại thặng dư góp phần ổn định vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế và hỗ trợ cán cân thanh toán quốc tế.
Theo Bộ Công Thương, mặc dù kinh tế thế giới khó đoán định, nhu cầu hàng hoá tại nhiều thị trường lớn sụt giảm, nhưng kết quả xuất khẩu đạt được trong 2 tháng đầu năm nay vẫn tăng trưởng cao. Điều này cho thấy sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp và cơ quan chức năng trong việc nâng cao hiệu quả khai thác các thị trường truyền thống và cả những thị trường mới và tiềm năng.
Bà Đỗ Thị Ngọc - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá, xuất nhập khẩu hàng hoá tăng cao cũng thúc đẩy cho sản xuất trong nước, tạo động lực tăng trưởng cho cả 3 khu vực là nông lâm thuỷ sản, công nghiệp xây dựng và dịch vụ. Đây chính là những động lực thúc đẩy tăng trưởng.
Vẫn còn nhiều thách thức cho cả năm
Theo Bộ Công Thương, trong khi xuất khẩu sang các thị trường truyền thống chững lại thì các thị trường mới như châu Phi, Tây Á, Đông Âu, Bắc Mỹ tăng trưởng về giá trị xuất khẩu… Nhờ vậy, mức độ suy giảm thương mại ngày càng thu hẹp từ nửa cuối năm 2023 và tăng trở lại đầu năm 2024.
Chuỗi cung ứng mà trước đây chúng ta mong muốn hình thành ở Việt Nam để sản xuất những mặt hàng Việt Nam đã bắt đầu được hình thành. Chính vì vậy, những doanh nghiệp đó đủ tiêu chuẩn để đáp ứng quy tắc xuất xứ, tận dụng xuất khẩu.
Với ngành dệt may, ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) - nhận định, Việt Nam bước vào năm 2024 với tiềm lực sản xuất kinh doanh, tinh thần doanh nghiệp rất mạnh mẽ. Năm 2024, cơ bản các dự báo đều cho thấy một hy vọng có sự cải thiện của nền kinh tế thế giới, nhất là ở Mỹ với tín hiệu có thể có 3 đợt cắt giảm lãi suất lên tới 0,75% là động lực thúc đẩy tiêu dùng trở lại.
Cũng theo ông Lê Tiến Trường, trong bối cảnh các quốc gia cạnh tranh gặp nhiều vấn đề về lao động, xung đột vũ trang ở trong nước, trong khi Việt Nam là một điểm đến an toàn cũng là một động lực mới cho đơn hàng có khả năng quay lại tốt hơn.
Dù mới 2 tháng đầu năm nhưng nhiều ngành xuất khẩu của Việt Nam đã thu về hàng tỷ USD. Mặc dù vậy, nhiều ý kiến vẫn lo ngại rằng sự phục hồi liệu có bền vững, bởi 2 tháng còn quá sớm để đánh giá về triển vọng cả năm.
Số lượng đơn đặt hàng mới tăng nhẹ tháng thứ hai liên tiếp, lý do bởi số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài đã cải thiện. Tuy nhiên, tốc độ tăng số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã chậm lại, và mức tăng chỉ là nhẹ.
Đánh giá về ngành sản xuất của Việt Nam trong tháng đầu năm 2024, ông Andrew Harker - Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence - cho hay, mức tăng trưởng tổng thể vẫn tương đối yếu, và điều này khiến các công ty tiếp tục thận trọng trong hoạt động mua hàng và duy trì hàng tồn kho.
Theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù nhiều cơ hội đang đến với các ngành sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam, nhưng để tận dụng được cơ hội từ thị trường thì nỗ lực sản xuất vẫn chưa đủ, mà còn phải hiểu và chủ động hơn trên thương trường quốc tế.
Nguyễn Hạnh