Động lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng năm 2025

21/04/2025 - 17:37
(Bankviet.com) Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng cho các ngành thương mại, vận tải và viễn thông được dự báo chậm lại, thì tín dụng cho lĩnh vực công nghiệp, tín dụng tiêu dùng... được xem là những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong 2025.

Các mảng được kỳ vọng dẫn dắt tăng trưởng tín dụng năm 2025

Tháng 2/2025, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt tối thiểu 8%, cao hơn so với mục tiêu trước đó là 6,5−7%.

Để hiện thực hóa mục tiêu đầy tham vọng này trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định, Việt Nam đã xác định 6 động lực chính. Theo đó, tăng trưởng tín dụng cần được coi là một trụ cột không thể thiếu trong việc dẫn dắt dòng vốn vào nền kinh tế, hỗ trợ khu vực doanh nghiệp và người tiêu dùng, từ đó tạo đòn bẩy cho tất cả các động lực khác của nền kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16% cho năm 2025 (so với mục tiêu trước đó là 15%), là hoàn toàn phù hợp và thực tế với mục tiêu tăng trưởng GDP lên 8%.

Tại Hội nghị “Thủ tướng Chính phủ làm việc với các chủ tịch, tổng giám đốc một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước” diễn ra mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao, yêu cầu về vốn là rất quan trọng. Với đặc thù ở Việt Nam, nhu cầu vốn đầu tư của doanh nghiệp dựa khá lớn vào vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng. Do vậy, ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 16% của năm nay.

“Đây là mức cao so với những năm gần đây. Ngân hàng Nhà nước cũng đã thông báo cho các tổ chức tín dụng ngay từ đầu năm để chủ động. Đến hết quý I, tăng trưởng tín dụng là 3,93% so với cuối năm 2024 và tăng 18% so với cùng kỳ. Đây là mức cao so với cùng kỳ năm ngoái (chỉ tăng 1,34%)”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.

Thống kê của CTCK Tiên Phong (TPS) cho thấy, tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành thường tăng trưởng nhanh nhất là vào quý II và quý IV các năm do các ngân hàng tăng tốc hoàn thành trước thời điểm chốt hiệu quả hoạt động giữa năm và cuối năm.

Do tác động ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại và chính sách thuế của Mỹ, các ngành nghề có mức tăng trưởng tín dụng tốt hơn trung bình ngành như thương mại, vận tải và viễn thông - chiếm tổng 28,2% tổng dư nợ tín dụng – được dự báo có thể sẽ chậm lại trong 2025.

Tuy nhiên, tín dụng cho lĩnh vực công nghiệp (chiếm 17,1% tổng dư nợ) sẽ được đẩy mạnh theo định hướng là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng trong 2025. Bên cạnh đó, tới xu hướng tiêu dùng và du lịch hồi phục, tăng cường thu hút và phát triển các công ty công nghệ, dữ liệu, các chuyên gia của TPS cũng kỳ vọng dòng tín dụng cho các hoạt động khác (chiếm 40,4% tổng dư nợ) cũng sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Nhóm này cũng cho thấy tốc độ hấp thụ tín dụng luôn cao hơn mức trung bình ngành trong 5 năm qua.

Về thị trường bất động sản hồi phục và đầu tư công, TPS kỳ vọng dòng tín dụng vào ngành xây dựng (chiếm 7,7% tổng dư nợ) có thể tăng tốc trong 2025. Trong năm 2024, do các dự án bất động sản đa phần chững lại về pháp lý, dòng tiền nên nhóm cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản chậm lại đáng kể so với năm 2023. Trong khi đó, tín dụng tăng mạnh ở mảng cho vay bất động sản tiêu dùng khi nhu cầu vay mảng này chủ yếu đến từ người mua bất động sản.

“Theo đó, với kỳ vọng thị trường bất động sản hồi phục, chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng tín dụng ở mảng cho vay kinh doanh bất động sản sẽ hồi phục, mảng bất động sản tiêu dùng sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng hiện tại”, chuyên gia TPS nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cho vay doanh nghiệp cũng sẽ cải thiện hơn so với cho vay cá nhân trong năm 2025 khi động lực tăng trưởng GDP 2025 trên 8% sẽ cần nhờ vào các dự án đầu tư công, khu vực sản xuất, các doanh nghiệp liên quan FDI và động lực tăng trưởng mới như AI, dữ liệu lớn, điện toán đám mây,…

Tốc độ tăng trưởng tín dụng giữa các ngân hàng có sự phân hóa

Năm 2024, đa phần các ngân hàng đều có mức tăng trưởng tín dụng vượt mức chung của toàn ngành (15,1%), tuy nhiên, mức tăng trưởng cao hơn 20% chỉ tập trung vào số ít khoảng 8 ngân hàng trong số 27 ngân hàng niêm yết/giao dịch trên sàn chứng khoán, trong đó, chỉ có 3 ngân hàng có mức tăng trưởng trên 27% là MBB, HDB, NVB.

Ở chiều ngược lại, 2 ngân hàng quy mô lớn như STB, Vietcombank (VCB) có mức tăng trưởng tín dụng thấp hơn mức chung của toàn ngành, tuy nhiên, do VCB với chiến lược kinh doanh thận trọng vốn có còn STB là câu chuyện riêng biệt khác.

Theo phân tích của TPS, đa phần các ngân hàng mặc dù có mức tăng trưởng tín dụng vượt trội trong 2024 nhưng đã bị giảm tốc so với mức tăng trưởng của 2023 như HDB (tăng 28,7% trong 2024 nhưng giảm 1,48% so với 2023), MBB (tăng 27,6% trong 2024, giảm 6,06% so với 2023), VPB (tăng 22,7% trong 2024, giảm 7,18% so với 2023), TPB (tăng 22,0% trong 2024, giảm 5,24% so với 2023).

Ngược lại, các ngân hàng có kết quả tăng trưởng tín dụng vừa phải đã duy trì được mức tăng tốc trong độ tăng tín dụng trong 2024 như VIB (tăng 21,5% trong 2024, tăng 6,96% so với 2023), LPB (tăng 20,3% trong 2024, tăng 2,41% so với 2023), ACB (tăng 19,0% trong 2024, tăng 1,07% so với 2023), SHB (tăng 19,0% trong 2024, tăng 5,59% so với 2023).

Trong nhóm ngân hàng thương mại quốc doanh, VietinBank (CTG) ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng cao nhất và cũng có cải thiện tốc độ tăng trưởng trong năm 2024 (tăng 16,6% trong 2024, tăng 0,51% so với 2023), BIDV duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng (tăng 16,1% trong năm 2024, giảm 0,93% so với năm 2023), Vietcombank có cải thiện tốc độ tăng trưởng nhưng vẫn thấp hơn mức chung của ngành (tăng 14,2% trong 2024, tăng 3,36% so với 2023).

“Theo đó, chúng tôi cho rằng trong trong nửa đầu năm 2025, 4 ngân hàng thương mại quốc doanh và các ngân hàng thương mại quy mô lớn (TCB, VPB, MBB, ACB) sẽ có nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng sớm hơn và nhanh hơn nhóm còn lại nhờ các lợi thế về lãi suất cho vay, chi phí vốn và bộ đệm vốn”, TPS lưu ý.

Quỳnh Lê

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ