Thị trường chứng khoán có tuần giảm điểm thứ 3 liên tiếp. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index đứng ở mức 1.268,83 điểm - giảm 30,5 điểm (-2,35%); HNX-Index cũng giảm 5,99 điểm (-1,95%) xuống 301,77 điểm; UpCOM-Index giảm 0,96 điểm (-1,13%) xuống 84,37 điểm.
Thanh khoản thị trường tiếp tục giảm so với tuần trước đó, khối lượng khớp lệnh bình quân phiên chỉ đạt 665 triệu cổ phiếu/phiên (giảm 7,6%), giá trị khớp lệnh ở mức 19.220 tỷ đồng (giảm 8,1%).
Giao dịch của nhà đầu tư cá nhân trong nước đã trở nên tích cực hơn khi nhóm này đã chấm dứt chuỗi 3 tuần bán ròng liên tiếp trên sàn HOSE và mua ròng trở lại 3.360 tỷ đồng. Đáng chú ý, dòng vốn này nếu tính về khớp lệnh thì mua ròng hơn 1.600 tỷ đồng. Cá nhân trong nước bán ròng ở 2 phiên đầu tuần sau đó quay trở lại mua ròng mạnh ở cả 3 phiên cuối tuần.
10 cổ phiếu có giá trị mua, bán ròng của cá nhân trong nước lớn nhất (Đơn vị: Tỷ đồng)
Cá nhân trong mước mua ròng mạnh nhất mã VIC với giá trị gần 2.151 tỷ đồng, bỏ xa mã đứng sau là KDH với 454 tỷ đồng. Tiếp sau đó, 3 cổ phiếu ngân hàng là STB, CTG và MSB đều có giá trị mua ròng trên 200 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, VNM bị bán ròng mạnh nhất với 268 tỷ đồng. OCB và DXG bị bán ròng lần lượt 240 tỷ đồng và 182 tỷ đồng.
Trái ngược hoàn toàn với cá nhân trong nước, tổ chức trong nước tuần từ 19 - 23/7/2021 mua ròng ở 2 phiên đầu tuần trong khi bán ròng ở 3 phiên còn lại. Tổng cộng, dòng vốn này bán ròng gần 761 tỷ đồng.
Nếu loại trừ đi giao dịch của khối tự doanh CTCK, tổ chức trong nước bán ròng gần 135 tỷ đồng. Như vậy, đối tượng này đã bán ròng trong 10 tuần liên tiếp với tổng giá trị 9.800 tỷ đồng.
Tổ chức trong nước bán ròng mạnh nhất mã STB với 420 tỷ đồng. VIC và VCI đứng sau và bị bán ròng lần lượt 152 tỷ đồng và 136 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, OCB được mua ròng mạnh nhất với 240 tỷ đồng. Chứng chỉ quỹ ETF FUEVFVND được mua ròng 119 tỷ đồng.
Quân Vương
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam