Chỉ số UpCOM-Index sớm tăng mạnh ngay trước khi HOSE mở cửa nhờ 4 mã Large Cap tăng đáng chú ý là LTG, BSR, OIL và CTR trong đó LTG bất ngờ tăng gần 5%. Ngược lại, cũng có Large Cap giảm khá mạnh như MML (-3,5%).
HNX-Index tăng nhẹ trước thời điểm ATO nhưng khi HOSE khớp mở cửa thì chỉ số chính sàn HNX cũng ngay lập tức quay đầu giảm. Đa số Large Cap sàn này tiếp tục chìm trong sắc đỏ, mất giá khoảng 1 - 2% như NVB, VND, MBS, IDC, SHS…
Tại nhóm dầu, GAS tăng trở lại hơn 1% sau ATO đồng thời đa số Large Cap và Mid Cap tên tuổi khác nhà PVN cũng tăng giá từ 1 - 2%.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn giảm nhẹ sau ATO.
Sáng nay, VCB mở cửa giảm 0,8%; không ít cổ phiếu ngân hàng khác cũng giảm từ sớm, như ACB, VPB, MBB, STB, TPB… Tuy nhiên, 2 đại giá BID và CTG lại tăng giá nhẹ.
Nhóm bất động sản nhà ở có sự phân hóa ngay từ đầu phiên. Dù VRE, VHM giảm nhẹ nhưng VIC và không ít mã tầm trung lại tăng giá như HDG, IJC, NLG…
Nhóm sắt thép sáng nay đa số tiếp tục giảm dù nhiều doanh nghiệp công bố kết quả quý II hết sức tích cực. 2 mã hàng đầu là HPG và HSG đang giảm khoảng 100 đồng; 1 số mã khác giảm nhiều hơn chút như NKG, POM, SMC, TLH… Thông tin về đề xuất tăng thuế xuất khẩu của nhóm này có lẽ đang ảnh hưởng lên giá cổ phiếu.
Lúc 9h45, các cổ phiếu như FPT, BCM, BVH, VIC... cũng đồng loạt tăng giá và góp phần nâng đỡ thị trường chung.
Tại thời điểm này, VN-Index tăng 4,46 điểm (0,35%) lên 1.275,25 điểm; HNX-Index tăng 1,4 điểm (0,47%) lên 302,2 điểm; UpCOM-Index tăng 0,72 điểm (0,85%) lên 85,02 điểm.
Trước đó, thị trường điều chỉnh nhẹ trong phiên giao dịch ngày 21/7 với thanh khoản giảm mạnh so với phiên trước đó.
Khối ngoại bán ròng đột biến 1.451 tỷ đồng trong đó dòng vốn này bán ròng 1.251 tỷ đồng cổ phiếu VIC và hầu hết được thực hiện thông qua phương thức thỏa thuận.
Theo Chứng khoán BIDV (BSC), thanh khoản thị trường suy yếu với độ rộng thị trường ở trạng thái trung lập vẫn cho thấy VN-Index sẽ tiếp tục vận động trong vùng 1.250 - 1.300 điểm.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, VN-Index sẽ tiếp tục thăm dò vùng 1.270 điểm trong 1 - 2 phiên tới nếu áp lực bán vẫn duy trì ở mức thấp thì chỉsố sẽ có cơ hội tiếp tục hồi phục.
Một số thông tin quốc tế đáng chú ý: Chốt phiên 21/7, Dow Jones tăng 286,01 điểm lên 34.798 điểm; S&P 500 tăng 35,63 điểm lên 4.358,69 điểm; Nasdaq tăng 133,08 điểm lên 14.631,95 điểm. Các thị trường chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương trái chiều trong phiên 21/7. Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương không gồm Nhật Bản giảm 0,12%. Thị trường Nhật Bản dẫn đầu khu vực với Nikkei 225 tăng 0,58% còn Topix tăng 0,82%. Thị trường chứng khoán Trung Quốc đi lên với Shanghai Composite tăng 0,73% còn Shenzhen Component tăng 1,341%. Hang Seng của Hong Kong giảm 0,26%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0,52%. ASX 200 của Australia tăng 0,78%. Chốt phiên 21/7, giá dầu Brent tương lai tăng 2,88 USD lên 72,23 USD/thùng; giá dầu WTI tương lai tăng 3,1 USD lên 70,3 USD/thùng. |
Quốc Trung
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam