Phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số S&P 500 đóng cửa ở ngưỡng cao chưa từng thấy khi mà nhiều nhà đầu tư đổ xô mua cổ phiếu sau khoảng thời gian thị trường giảm điểm trước đó.
Đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số S&P 500 tăng 1,23% và đóng cửa ở mốc 4.839,81 điểm, cao nhất từ trước đến nay. Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones tăng 359,19 điểm tương đương 1,05% lên 37.863,80 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,7% lên 15.310,97 điểm. Chỉ số Nasdaq-100 của nhóm cổ phiếu doanh nghiệp thuần công nghệ tăng 1,95%.
Sau khi giảm 19% trong năm 2022, chỉ số S&P 500 đã tăng mạnh trở lại đến 24% trong năm 2023 bởi kinh tế Mỹ tránh được kịch bản suy thoái mà nhiều chuyên gia đã dự báo trước đó. Lạm phát giảm xuống ngưỡng đủ để cho phép Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dừng chiến dịch nâng lãi suất cơ bản đồng USD.
Đầu năm 2024, thị trường chứng khoán Mỹ đã có khoảng thời gian suy giảm khi mà nhiều nhà đầu tư chốt lời, đặc biệt với nhóm cổ phiếu doanh nghiệp công nghệ lớn.
Những ngày gần đây, xu thế mua mạnh cổ phiếu công nghệ đang trở lại. Sau phiên giao dịch ngày thứ Sáu, thị trường chính thức bước vào xu thế tăng điểm. Tính từ mức đáy thiết lập vào tháng 10/2022, chỉ số S&P 500 tăng hơn 35%.
“Theo quan điểm của nhà đầu tư, những doanh nghiệp dẫn đầu trong làn sóng trí tuệ nhân tạo (AI) hoặc có thể cung cấp sản phẩm khác biệt trong lĩnh vực công nghệ được dự báo sẽ dẫn đầu thị trường. Xu thế này đã lặp đi lặp lại trong năm ngoái và nhiều khả năng trong cả năm 2024”, Giám đốc quản lý quỹ tại Northwestern Mutual Wealth Management – ông Matt Stucky phân tích.
Phiên ngày thứ Sáu, chỉ số cổ phiếu công nghệ tăng 2,35% và tính trong cả tuần giao dịch tăng 4%, đây cũng là nhóm ngành có mức tăng trưởng cao nhất trong chỉ số S&P 500.
Ông Stucky phân tích việc chỉ số chính của thị trường có duy trì được động lực tăng trưởng trong năm 2024 hay không tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó trước tiên phải kể đến việc liệu FED có điều hướng được kinh tế Mỹ “hạ cánh mềm”
Số liệu công bố vào ngày thứ Sáu cho thấy người tiêu dùng đang lạc quan hơn về triển vọng nền kinh tế và lạm phát. Số liệu của Đại học Michigan công bố cho thấy niềm tin người tiêu dùng Mỹ tháng 1/2024 tăng mạnh, mức tăng 21,4% của tháng này cao nhất tính từ tháng 7/2021.
Tốc độ điều chỉnh lãi suất cơ bản trên toàn cầu sẽ không như kỳ vọng. Trong một bài phát biểu mới đây, chủ tịch FED cho rằng lạm phát Mỹ vẫn chưa hạ như mong muốn, chính vì vậy chưa thể khẳng định về khả năng điều chỉnh lãi suất trong tháng 3/2024.
Trong tuyên bố mới nhất trước công chúng, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) – bà Christine Lagarde phát đi thông điệp lãi suất vay tiền sẽ giảm đi trong mùa hè chứ không phải mùa xuân. Trước đó, thông tin công bố cho thấy lạm phát tại Anh tăng lần đầu tiên trong 10 tháng.
Theo bà Lagarde, việc thị trường kỳ vọng ECB hạ lãi suất ngay trong mùa xuân sẽ không giúp cho việc kiềm chế lạm phát.
“Giờ đây, dường như các thị trường đã nhận ra rằng kỳ vọng vào khả năng các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu hạ lãi suất có thể coi như sự lạc quan quá mức”, Giám đốc bộ phận đầu tư tại quỹ GAM Investments – bà Charles Hepworth phân tích.
Khi được hỏi bà có đồng thuận với các thành viên hội đồng ECB, những người đã phát đi thông điệp về khả năng hạ lãi suất cơ bản đồng euro trong mùa hè năm nay, bà Lagarde nói: “Tôi cũng tin vào kịch bản đó tuy nhiên tôi phải cẩn trọng”.
Chủ tịch ECB cảnh báo lạm phát hiện vẫn ở ngưỡng quá cao trong những ngành thâm dụng lao động, đồng thời hoàn toàn có rủi ro tăng trưởng mức lương lên mạnh và áp lực giá cả vì vậy không thể sớm giảm.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hà Lan, bà Klaas Knot, đồng thời đưa ra quan điểm không sớm thay đổi lãi suất cơ bản.
Đăng Tuấn