Đồng yên liên tục sụt xuống các mức đáy mới

15/04/2024 - 16:57
(Bankviet.com) Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy chính phủ Nhật sẽ sớm can thiệp để hạ giá đồng yên.

Việc chính phủ Nhật thiếu các biện pháp can thiệp vào thị trường tiền tệ ngay cả sau khi đồng yên hạ giá xuống dưới mức 152 yên/USD lần đầu tiên tính từ năm 1990 đang khiến giới chuyên gia và đầu tư khó hiểu.

Nhà đầu tư vì vậy đang băn khoăn liệu chính phủ Nhật có can thiệp đẩy tăng tỷ giá đồng yên hay không, theo nội dung bài báo mới được Nikkei đăng tải.

Vào ngày thứ Năm (ngày 11/4), nhà ngoại giao hàng đầu của Nhật – ông Masato Kanda nhận xét đồng yên đang hạ giá quá nhanh và kêu gọi can thiệp, ông Kanda khẳng định Tokyo sẽ phản ứng phù hợp và không loại bỏ bất kỳ lựa chọn chính sách nào. Tuy nhiên, tuyên bố của ông không tạo ra bất kỳ biến động nào lên đồng yên.

Trưởng bộ phận chiến lược tại công ty chứng khoán Nomura Securites, ông Yujiro Goto, phân tích: “Dù rằng từ cuối tháng 3/2024 đến nay, các quan chức chính sách tiền tệ Nhật liên tục đưa ra quan điểm cứng rắn, đồng yên vẫn không có gì thay đổi và chưa có dấu hiệu nào cho thấy giới chức sẽ sớm can thiệp”.

Sau khi đồng yên rơi xuống dưới ngưỡng phòng thủ và rồi xuống mốc 153 yên/USD, thị trường tài chính quan tâm nhiều đến việc tại sao chính phủ Nhật không can thiệp đỡ tỷ giá và sẽ cần đến những điều kiện nào để can thiệp.

Ông Kanda cũng như nhiều quan chức khác của Nhật đã nhiều lần nói về việc đưa ra các động thái cứng rắn ngăn đầu cơ đồng yên Nhật. Nhiều thành viên thị trường cho rằng giới chức Nhật không can thiệp ngay cả khi đồng yên xuống giá là bởi không có dấu hiệu cho thấy sự suy giảm của đồng yên có nguyên nhân từ hoạt động đầu cơ.

“Sự xuống giá của đồng yên có nguyên nhân chính từ các diễn biến của thị trường, cụ thể là sự chênh lệch lãi suất với đồng USD trong bối cảnh kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt và lạm phát dai dẳng”, chiến lược gia cao cấp tại công ty chứng khoán Okasan – ông Rikiya Takebe phân tích.

Theo số liệu công bố vào ngày thứ Tư, chỉ số giá tiêu dùng lõi tại nước này tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước và cao vượt kỳ vọng của các chuyên gia, chính vì vậy khả năng Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất sẽ không sớm xảy ra. Đồng USD tăng giá mạnh so với nhiều loại tiền tệ khác, tuy nhiên đồng yên có mức hạ sâu hơn.

Giới phân tích đồng thời nói đến nhiều sự kiện khác như cuộc họp bàn về chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào ngày thứ Năm, thông điệp chính sách từ ECB nhiều khả năng sẽ gây ra nhiều áp lực suy giảm lên đồng yên.

Bài phát biểu của Thủ tướng Nhật Fumio Kishida trước Quốc hội Mỹ được cho là cũng phát đi những thông điệp về định hướng chính sách tiền tệ. Theo đó, Nhật sẽ hạn chế can thiệp vào thị trường tiền tệ. Nhiều nhà đầu cơ có thể đã bán đồng yên bởi tin rằng Nhật sẽ tạm thời không can thiệp vào tỷ giá đồng yên trong ngắn hạn.

Các thành viên thị trường hiện đang chờ đợi xem ngưỡng tiếp theo của đồng yên sẽ là ngưỡng nào.

Đăng Tuấn

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ