Chốt phiên giao dịch 4/4, chỉ số Dow Jones giảm 530,16 điểm, tương đương 1,35%, xuống 38.596,98 điểm. Đây là phiên giảm mạnh nhất của chỉ số này kể từ tháng 3/2023, nối dài chuỗi phiên giảm liên tiếp lên con số bốn. Chỉ số S&P 500 giảm 1,23% xuống 5.147,21 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite “đi lùi” 1,4% xuống 16.049,08 điểm.
Cả ba chỉ số đều đảo chiều mạnh vào cuối phiên khi xuống thấp hơn 2% so với số điểm cao nhất ghi nhận trong ngày. Biên độ giao động của chỉ số Dow Jones được ghi nhận lên tới hơn 860 điểm.
Diễn biến chỉ số DowJones trong ngày giao dịch hôm qua. |
Tổng quan, thị trường Chứng khoán Mỹ không thể giữ vững thành quả tăng điểm ghi nhận trong phần lớn phiên giao dịch khi nỗi lo về khả năng Cục Dự trữ liên bang (Fed) không giảm lãi suất sớm như dự kiến xâm chiếm.
Chủ tịch Fed Minneapolis Neel Kashkari dội “gáo nước lạnh” vào thị trường khi bày tỏ sự băn khoăn về việc Ngân hàng trung ương Mỹ có nên cắt giảm lãi suất sớm hay không, đặc biệt trong bối cảnh diễn biến lạm phát vẫn còn khó lường như ở thời điểm hiện tại. Quan điểm của ông hòa chung cùng các quan chức Fed khác, vốn cho rằng cơ quan này không nóng vội trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ ngay lập tức bật tăng sau phát biểu trên lên 4,305% dù trước đó giảm mạnh từ ngưỡng cao nhất tính từ đầu năm 4,429% thiết lập trong phiên giao dịch trước đó. Đà tăng của lợi suất trái phiếu chính phủ gây áp lực lên thị trường cổ phiếu.
“Nhà đầu tư đang hồi hộp chờ đợi”, Sam Stovall, Giám đốc chiến lược tại CFRA Research, nhận định. “Đà tăng lợi suất trái phiếu chính phủ là một trong những nguyên nhân chính khiến thị trường giảm điểm trong bối cảnh nhà đầu tư gia tăng quan ngại Fed sẽ trì hoãn quyết định giảm lãi suất, đi liền với tốc độ nới lỏng chậm hơn so với kỳ vọng”, ông chia sẻ.
Bên cạnh đó, đà tăng của giá dầu cùng khiến tâm lý nhà đầu tư bị lung lay. Tại Mỹ, giá dầu WTI đã vượt mốc 86 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 10 năm ngoái, kéo theo quan ngại áp lực lạm phát gia tăng. Cùng chiều, giá dầu Brent giao tháng 6 tăng 1,3 USD, tương đương 1,5%, lên mức 90,65 USD/thùng.
Giá dầu kéo dài đà tăng sau khi có thông tin cho rằng các đại sứ quán Israel trên khắp thế giới đã được đặt trong tình trạng báo động cao do mối đe dọa ngày càng tăng về một cuộc tấn công của Iran nhằm vào các nhà ngoại giao Israel.
Iran đã thề sẽ trả thù Israel vì vụ tấn công hồi đầu tuần khiến các quan chức quân sự cấp cao của Iran thiệt mạng. Iran là nhà sản xuất lớn thứ ba trong OPEC.
Ngày 4/4, Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt chống khủng bố mới liên quan đến Iran lên Oceanlink Maritime DMCC và các tàu của họ, với lý do cơ quan này vận chuyển hàng hóa thay mặt cho Quân đội Iran.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết Washington đang sử dụng các biện pháp trừng phạt tài chính để cô lập Iran.
Giá dầu cũng được hỗ trợ tăng sau khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng Ukraine cuối cùng sẽ gia nhập NATO vì sự ủng hộ của các quốc gia thành viên dành cho nước này vẫn “vững chắc”.
Theo Reuters, sự tăng giá gần đây của dầu cũng xuất phát từ việc cắt giảm nguồn cung nhiên liệu từ Nga sau khi các nhà máy lọc dầu của nước này liên tục là mục tiêu tấn công của máy bay không người lái. Giá dầu leo dốc một phần bởi tin tức Công ty năng lượng nhà nước Pemex của Mexico đã yêu cầu đơn vị kinh doanh của họ hủy xuất khẩu tới 436.000 thùng dầu/ngày trong tháng này.
Đánh giá về đà tăng của giá dầu, ông Frank Monkham, nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại Altimo LLC, nhận xét: “Tất cả các yếu tố địa chính trị này xảy ra cùng một lúc đã thúc đẩy tâm lý lạc quan và cuối cùng là hoạt động chốt lời”.
Các nhà đầu tư sẽ xem xét dữ liệu kinh tế và chính sách tiền tệ để tìm manh mối tiềm năng về triển vọng nhu cầu dầu. Hôm nay sẽ có báo cáo việc làm trong tháng 3 của Mỹ. Theo một cuộc khảo sát của Reuters, bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ có thể đã tăng thêm 200.000 việc làm sau khi tăng 275.000 trong tháng 2.
Hiện tại, sự quan tâm của thị trường đổ dồn vào báo cáo việc làm tháng 3, dự kiến công bố sáng 5/4 theo giờ địa phương. Đây là dữ liệu quan trọng cho Fed trong quá trình hoạch định chính sách tiền tệ. Giới chuyên gia vẫn nhìn thấy sức mạnh trên thị trường lao động nước này dù trước đó, số liệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc vào ngày 30/3 tăng lên ngưỡng 221.000 đơn vị, cao nhất hai tháng trở lại đây.
VN-Index rơi khỏi vùng kháng cự, thanh khoản dòng tiền cá mập "kém sắc" Diễn biến phiên giao dịch 04/04, thanh khoản dòng tiền bất ngờ "kém sắc", VN-Index giằng co dữ dội, chuyển sắc đỏ cuối ngày. |
Dòng tiền tìm tới nhóm BĐS, VN30 chưa thể cân bằng Trong phiên giao dịch thứ Năm, nhóm cổ phiếu BĐS bất ngờ tỏa sáng khi thu hút được sự quan tâm của dòng tiền. |
Nhận định chứng khoán phiên 5/4: Không còn tâm lý lạc quan, VN-Index tiếp tục điều chỉnh? Mặc dù thanh khoản phiên hôm nay sụt giảm so với phiên trước nhưng vẫn ở mức cao cho thấy tâm lý của nhà đầu ... |
Thành An