Dư địa hỗ trợ doanh nghiệp của ngân hàng gần như cạn kiệt, cần sự vào cuộc của chính sách tài khóa

03/10/2021 - 16:20
(Bankviet.com) Tại Diễn đàn trực tuyến do Tạp chí Hải quan tổ chức với chủ đề: "Hỗ trợ doanh nghiệp trong đại dịch COVID-19: Từ chính sách đến thực tiễn”, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết: "Hệ thống ngân hàng đã vào cuộc quyết liệt, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua dịch COVID-19. Tuy nhiên, đến nay dư địa hỗ trợ doanh nghiệp của TCTD gần như cạn kiệt, cần sự tham gia của chính sách tài khóa để tạo điều kiện cho sản xuất phục hồi...".

Ngân hàng nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp

Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó phải kể đến Thông tư 01 và các Thông tư 03, Thông tư 14 sửa đổi về cơ cấu nợ, miễn giảm lãi suất, phí cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Có thể nói, các chính sách được NHNN ban hành kịp thời và rất quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp.

Số liệu thống kê cho thấy, từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, hệ thống ngân hàng đã miễn giảm lãi hơn 26.000 tỷ đồng, miễn giảm phí gần 2.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp. Từ tháng 7/2021 đến nay, Hiệp hội Ngân hàng đã kêu gọi các tổ chức tín dụng (TCTD), đặc biệt là 16 TCTD tiên phong giảm lãi suất cho các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi dịch COVID-19. Các tổ chức cam kết thực hiện từ tháng 7 đến hết năm 2021 là 20.300 tỷ đồng, trong đó, 8.800 tỷ đồng là số lãi trực tiếp hỗ trợ từ tháng 7 đến nay, từ nay đến cuối năm sẽ triển khai số còn lại cùng với 4.000 tỷ đồng mà 4 ngân hàng có vốn nhà nước (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV) tiếp tục hỗ trợ. Đây là nỗ lực rất lớn của các TCTD.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, các TCTD cũng là các doanh nghiệp và họ đang phải dùng phần lợi nhuận để chia sẻ, hỗ trợ cho các doanh nghiệp khác. Các TCTD đã nỗ lực mở rộng kinh doanh, đẩy mạnh hoạt động dịch vụ để tăng lợi nhuận, cộng thêm Nghị quyết 42 của Quốc hội phát huy được hiệu lực, giúp các TCTD giảm dần tỷ lệ nợ xấu, tăng thu nhập bất thường. Nhờ đó, các TCTD có thêm nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp như vừa qua.

Tuy nhiên, các TCTD có nhiều khó khăn phải đối mặt trong thời gian sắp tới. Bản thân TCTD cũng là doanh nghiệp, cũng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng phải dùng lợi nhuận của chính mình để chia sẻ với doanh nghiệp. Những khoản nợ dù đã được cơ cấu lại nhưng bản chất nền tảng vẫn là nợ xấu, chỉ khác khoản nợ vẫn được giữ nguyên nhóm nợ và tiếp tục vay vốn nếu dự án có hiệu quả song các ngân hàng phải trích dự phòng rủi ro bắt đầu từ cuối năm 2021 đến hết năm 2023 với tỷ lệ trích tối thiểu 30%.

Đây là áp lực rất lớn đối với TCTD. Bên cạnh đó còn những khoản lãi dự thu đã hạch toán vào thu nhập, thậm chí đã quyết toán nay không thu được lãi phải xuất toán làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh. Vì vậy, lợi nhuận ngân hàng hiện nay chỉ là trước mắt và tương lai lợi nhuận ngân hàng có thể sụt giảm mạnh.

Cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của chính sách tài khóa

Ông Nguyễn Quốc Hùng cũng cho biết, những khó khăn đang khiến dư địa hỗ trợ doanh nghiệp của các TCTD đã gần như cạn kiệt. Tác động của COVID-19 đến các TCTD có độ trễ, do vậy nếu quá lạm dụng sẽ ảnh hưởng lớn đến việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

"Chính sách tiền tệ đã sử dụng hết khả năng, nên cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của chính sách tài khóa", ông Nguyễn Quốc Hùng đề nghị.

Thực tế cho thấy, từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, chính sách hỗ trợ tài khóa mới chỉ ở mức giãn, hoãn thuế, cho vay trả lương người lao động mất việc... và chưa có hỗ trợ trực tiếp. Trong khi đó, các ngân hàng đã áp dụng các biện pháp cơ cấu nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, miễn giảm lãi và phí cho khách hàng. Các ngân hàng thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm, đảm bảo sản xuất kinh doanh hiệu quả, an toàn hệ thống nhưng vẫn hỗ trợ doanh nghiệp.

Ông Hùng đề xuất: Để các TCTD có điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp thì cần có nguồn lực và chính sách dài hạn. Tuy nhiên hiện nay, các TCTD đã hỗ trợ doanh nghiệp hết khả năng, nếu có thêm thì cũng chỉ xoay quanh việc giảm phí, giảm lãi, cơ cấu nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ... trong bối cảnh áp lực nợ xấu tại các TCTD tăng cao, lợi nhuận sụt giảm đáng kể.

Vì vậy quan trọng hơn cả là cần thêm cơ chế mới, chính sách mới. Một số nội dung vượt thẩm quyền của NHNN thì nên trình Quốc hội, Chính phủ. Hiện nay, lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, Chính phủ đã ban hành Nghị định 55/2015/NĐ-CP và Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 55, trong đó có quy định trường hợp khoanh nợ khi có thiên tai dịch bệnh. Dịch COVID-19 diễn ra trong một thời gian dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, sức khỏe của người dân và doanh nghiệp, vì vậy đề nghị NHNN và các bộ, ngành, nhất là Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Chính phủ xem xét ban hành nghị định cho khoanh nợ một số đối tượng doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch trong thời gian tối thiểu 1 năm.

 "Nếu được khoanh nợ, doanh nghiệp có cơ hội phục hồi sản xuất nhanh hơn và các TCTD yên tâm khi cho vay mới nếu dự án mang tính khả thi", ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò Quỹ Bảo lãnh doanh nghiệp (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Ông Hùng cũng nêu gợi ý: "Chính phủ có thể cân nhắc đến việc phát hành trái phiếu hoặc vay Ngân hàng trung ương như các nước đang làm để có nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp".

Nhóm Phóng viên

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ