Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị VPBank đã thông tin với cổ đông về kế hoạch bán 49% vốn tại FE Credit. Tương tự, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch SHB thông tin về việc sẽ thoái vốn tại SHB Finance cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và tin tưởng thương vụ sẽ thành công trong năm 2020. Tuy nhiên, đến cuối năm 2020, kế hoạch của VPBank và SHB đều chưa được thực hiện, nguyên nhân được cho là do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Trước ngày tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, VPBank bất ngờ công bố thông tin chuyển nhượng 49% vốn FE Credit cho đối tác Nhật Bản SMBC, với mức định giá cả Công ty là 2,8 tỷ USD.
Điểm được thị trường quan tâm là giao dịch này có định giá quá cao so với mặt bằng định giá lĩnh vực tài chính - ngân hàng, dù rằng FE Credit là đơn vị đầu ngành trong nhóm 16 công ty tài chính tiêu dùng và dư địa thị trường còn lớn hơn so với các ngân hàng truyền thống.
Theo ông Lê Xuân Đồng, Giám đốc và Trưởng khối Nghiên cứu và Tư vấn của FiinGroup, FE Credit xứng đáng có được mức định giá cao hơn so với các giao dịch bán các công ty tài chính trước đây do FE Credit là công ty có thị phần lớn nhất trong khối các công ty tài chính tiêu dùng (chiếm gần 46% thị phần cho vay trong nhóm các công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động). Hơn nữa, mặc dù bị ảnh hưởng bởi Covid-19 dẫn đến tốc độ tăng trưởng giảm tốc và nợ xấu tăng lên đáng kể, nhưng tình hình tài chính của FE Credit về cơ bản vẫn ở mức cao hơn bình quân ngành, cả về biên lợi nhuận (NIM), nợ xấu, thanh khoản…
“FE Credit là công ty dẫn đầu trong ngành về phát triển các sản phẩm mới và đầu tư cho chuyển đổi số từ rất sớm. Vì vậy, khả năng cao là Công ty sẽ tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu ngay cả trong và sau đại dịch”, ông Đồng nhận định.
Mặc dù định giá P/B (thị giá trên giá trị sổ sách) của FE Credit cao hơn 39,7% so với bình quân các giao dịch tương đồng đã diễn ra trước đây, nhưng ông Ngô Chí Dũng cho biết, khi lựa chọn phương án bán vốn, có 2 phương án được đưa ra, một là phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) sau đó niêm yết, hai là bán vốn cho cổ đông chiến lược.
“Nếu theo phương án IPO thì định giá của FE Credit có thể còn cao hơn khoảng 1 tỷ USD. Nhưng chúng tôi quyết định hợp tác với SMBC để tận dụng nguồn vốn rẻ và kinh nghiệm từ họ nhằm tiếp tục phát triển FE Credit lên những tầm cao mới”, ông Dũng nói.
Với tỷ lệ sở hữu 51% còn lại, FE Credit vẫn là công ty con của VPBank, kết quả kinh doanh được hạch toán trong bảng cân đối hợp nhất.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank chia sẻ: “Việc bán 49% vốn FE Credit không phải là VPBank bỏ một con gà đẻ trứng vàng, mà chúng tôi tìm đối tác chiến lược để đem lại giá trị lớn hơn. Khả năng năm 2021 hoặc 2 năm đầu, lợi nhuận thu được từ FE Credit có thể giảm một chút hoặc không tăng, nhưng về dài hạn, FE Credit sẽ tiếp tục là mảng kinh doanh quan trọng của Ngân hàng”.
Lưu Lâm
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam