Dù giá nguyên liệu sản xuất và chi phí logistics tăng cao, xuất khẩu nông sản tiếp tục tạo dấu ấn

24/07/2024 - 02:04
(Bankviet.com) Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đạt được kết quả tích cực về xuất khẩu nông sản, dù giá nguyên liệu sản xuất và chi phí logistics tăng cao.
Đưa Việt Nam thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc: Dòng chảy tiếp tục được khơi thông Xuất khẩu tăng nhanh nhưng chưa bền vững

2024 được dự báo là một năm bùng nổ của xuất khẩu nông sản Việt Nam. Các doanh nghiệp trong ngành này đã đạt được những kết quả tích cực bất chấp những thách thức lớn từ giá nguyên liệu sản xuất và chi phí logistics tăng cao.

Nông sản tăng trưởng ấn tượng

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu năm 2024, xuất khẩu nông sản của Việt Nam đã ghi nhận những kết quả tích cực với tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023, nhóm nông sản chính 15,76 tỷ USD, tăng 24,4%. Đáng chú ý, hầu hết các nhóm lĩnh vực đều tăng trưởng dương.

Hiện nay, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thuỷ sản lớn nhất của Việt Nam. Giá trị xuất khẩu sang 3 thị trường này cũng đang tăng.

Riêng nửa đầu tháng 7/2024 (từ 1/7 - 15/7) Việt Nam thu về 898 triệu USD từ hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nông sản thuộc nhóm nông nghiệp, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.

Mặt hàng rau quả có kim ngạch lớn nhất với 238 triệu USD. Hạt điều mang về kim ngạch lớn thứ hai với 196 triệu USD, tăng tới 39% so với cùng năm trước. Gạo cũng ghi nhận mức tăng trưởng tích cực với lượng xuất khẩu đạt 290.035 tấn và kim ngạch đạt 177 triệu USD, tăng lần lượt 15% và 30% so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu gạo bình quân tăng 12%, đạt 612,3 USD/tấn. Gạo cũng ghi nhận mức tăng trưởng tích cực với lượng xuất khẩu đạt 290.035 tấn và kim ngạch đạt 177 triệu USD, tăng lần lượt 15% và 30% so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu gạo bình quân tăng 12%, đạt 612,3 USD/tấn.

Cùng với đà tăng về lượng (trừ cà phê), giá xuất khẩu bình quân của các mặt hàng thuộc nhóm nông sản cũng tăng, góp phần đẩy kim ngạch cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu các mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam như: Hạt điều, hồ tiêu, cà phê, sầu riêng, rau quả… đều tăng trưởng ấn tượng. Nông dân trồng các loại nông sản trên đều phấn khởi, vì kỳ vọng thu về lợi nhuận tốt trong vụ thu hoạch tới. Tuy nhiên, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm lại đối mặt với nhiều khó khăn do giá nguyên liệu sản xuất tăng kỷ lục. Ngoài ra, chi phí logistics tăng cao cũng tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Dù giá nguyên liệu sản xuất và chi phí logistics tăng cao, xuất khẩu nông sản tiếp tục tạo dấu ấn
Xuất khẩu nông sản tăng trưởng cao (Ảnh minh họa)

Vẫn còn không ít thách thức

Một trong những trở ngại lớn nhất mà các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đang phải đối mặt là chi phí vận chuyển tăng cao. Chi phí vận chuyển hàng hóa quốc tế đã tăng gấp đôi so với năm trước, do sự gia tăng giá nhiên liệu và sự thiếu hụt container trên toàn cầu.

Hiện nay, giá cước vận tải biển tăng trung bình 30% trong những tuần qua đã bào mòn lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu.

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho biết, thị trường EU chiếm khoảng 25% thị phần xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam và đây cũng là khu vực cước tàu biển tăng cao nhất. Theo đó, giá cước tàu biển từ Việt Nam đi EU hiện nay trên dưới 4.000 - 5.000 USD/container, tăng gấp 2 - 3 lần so với cuối năm ngoái. Trung bình một container xuất đi Mỹ khoảng 6.000 - 7.000 USD, tăng gấp đôi so với trước. Giá cước đi khu vực gần như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đông Nam Á cũng tăng, dao động từ 1.000 - 2.000 USD/container. Cước vận tải biển tăng cao khiến lợi nhuận của doanh nghiệp gần như không có, thậm chí chịu lỗ.

“Doanh nghiệp gần như không còn lợi nhuận khi giá cước vận tải biển tăng”, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group Nguyễn Đình Tùng chia sẻ. Cước tàu biển tăng cũng khiến giá thành mặt hàng rau quả tăng theo, trong vòng 2 tháng tăng trên 100%, ảnh hưởng lớn đến các hợp đồng đã ký kết.

Ông Trần Huy Vũ – Giám đốc Công ty Green Eco chuyên xuất khẩu nông sản sang thị trường Nhật, Hàn, Trung Quốc cho biết: Xuất khẩu tăng cao nhưng sức mua của thị trường thế giới giảm,một số lớn doanh nghiệp Việt Nam không có đơn hàng và lợi nhuận không cao do chi phí sản xuất tăng cao, nguyên liệu tăng đặc, biệt là chi phí xăng dầu, điện, logistics ngày càng cao. Dù có chính sách hỗ trợ về tài chính từ nhà nước và các tổ chức ngân hang, nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận do còn vướng các khoản dư nợ trước đây, khó cơ cấu tài sản, dòng tiền để có thể sử dụng các gói vay mới”.

Giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông sản cũng đã tăng đáng kể. Giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các loại nguyên liệu khác đều tăng do sự biến động của thị trường toàn cầu và các yếu tố thời tiết khắc nghiệt.

"Chi phí vận chuyển tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản phẩm, làm giảm sức cạnh tranh của chúng tôi trên thị trường quốc tế. Giá nguyên liệu đầu vào tăng đã tạo áp lực lớn lên chi phí sản xuất, khiến cho doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn trong việc duy trì lợi nhuận ", ông Trần Văn Hùng, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Hùng Phát chia sẻ.

Giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp

Trước những khó khăn về giá nguyên liệu và chi phí sản xuất, vận chuyển tăng, nhiều doanh nghiệp đã phải thay đổi chiến lược kinh doanh và tìm kiếm các giải pháp mới. Bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản Lan Hương cho biết, công ty của bà đã chuyển sang sử dụng các phương thức vận chuyển khác nhau để giảm chi phí, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất để tăng năng suất và giảm thiểu chi phí. "Chúng tôi đã đầu tư vào công nghệ tự động hóa và các giải pháp kỹ thuật số để cải thiện hiệu quả sản xuất và giảm thiểu lãng phí", bà Lan chia sẻ.

“Chúng tôi phải mở rộng thị trường để tìm kiếm thêm khách hàng; chọn lọc lại các đơn hàng xuất khẩu mang tính hiệu quả hơn. Cơ cấu tài sản, dòng tiền để tiếp cận các gói vay lãi suất thấp. Tối ưu hóa chi phí sản xuất, quản trị để giảm chi phí doanh nghiệp. Ngoài ra công ty cũng có kế hoạch phát triển thêm các mảng kinh doanh khác liên quan đến mảng kinh doanh cốt lõi hiện tại, ví dụ như chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế để đảm bảo nguồn cung ổn định và giảm thiểu rủi ro về giá cả", ông Trần Huy Vũ – Giám đốc Công ty Green Eco cho biết thêm.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) Lê Duy Hiệp cho rằng, đã đến lúc siết lại công tác quản lý phí, phụ phí đối với hãng tàu nước ngoài. Hiện nay, các hãng tàu nước ngoài chỉ cần thông báo thay đổi giá trước 15 ngày mà không cần kiểm tra hay giải trình về các yếu tố cấu thành phí. Điều này dẫn đến việc tăng phụ phí, gây bức xúc cho doanh nghiệp nhưng chưa được giải quyết triệt để. Cần nghiên cứu về mặt pháp lý cũng như thông lệ quốc tế, có thể yêu cầu họ muốn tăng phí phải được sự đồng thuận từ cơ quan quản lý, từ phía hiệp hội, sau đó mới được ban hành.

Trước bối cảnh giá cước vận tải tăng cao, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã ký văn bản số 5178/BCT-XNK gửi các hiệp hội ngành hàng xuất nhập khẩu; các hiệp hội lĩnh vực logistics; Hiệp hội chủ hàng Việt Nam; Hiệp hội Đại lý, Môi giới và dịch vụ hàng hải Việt Nam về việc khuyến nghị 6 giải pháp thúc đẩy xuất nhập khẩu khi phí vận tải biển tiếp tục leo thang.

Bộ Công Thương nêu rõ việc thời gian qua, tình trạng tăng giá cước vận tải biển, ùn tắc cục bộ tại một số cảng khu vực châu Á, thiếu container rỗng đã có tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu. Do đó, Bộ Công Thương lưu ý các Hiệp hội và doanh nghiệp phải phối hợp giữa các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và doanh nghiệp dịch vụ logistics; phân luồng hàng hoá và tuyến đường thay thế; tăng cường tận dụng ưu đãi của các FTA; giải quyết hàng hoá xuất nhập khẩu tồn đọng; hỗ trợ đào tạo và nâng cao năng lực đàm phán hợp đồng mua bán và hợp đồng bảo hiểm cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; xây dựng kế hoạch phòng ngừa và phản ứng nhanh.

Các chuyên gia dự báo, tình hình sẽ còn nhiều thách thức trong nửa cuối năm 2024. Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm việc giảm thuế, hỗ trợ vay vốn và đẩy mạnh các chương trình khuyến nông để giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng chi phí.

Mặc dù xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024 đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng những thách thức về chi phí vận chuyển và giá nguyên liệu tăng cao đã đặt ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, doanh nghiệp cần phải linh hoạt, sáng tạo và tìm kiếm các giải pháp hiệu quả. Đồng thời, sự hỗ trợ từ phía Chính phủ và các tổ chức liên quan cũng là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Yến Thư

Theo: Báo Công Thương