Sôi động du lịch hè Quảng Bình với lễ hội ẩm thực và pháo hoa Thừa Thiên Huế phản hồi việc đăng sai hình ảnh Đại Nội trong quảng bá tour du lịch |
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, du lịch nông thôn ở Việt Nam có thể xếp vào 3 loại hình cơ bản là: Du lịch cộng đồng, du lịch canh nông và du lịch sinh thái. Trong đó: Du lịch sinh thái là loại hình dựa vào thiên nhiên và văn hóa bản địa gắn với giáo dục môi trường, có đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững với sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương.
Tại Quảng Bình, du lịch nông thôn thời gian qua đã có nhiều bước chuyển biến tích cực, thu hút đông du khách đến với loại hình này. Hình thức du lịch này ở Quảng Bình được khai thác và phát huy thế mạnh với nhiều loại hình, dịch vụ du lịch, như: Trải nghiệm thiên nhiên, văn hóa; trải nghiệm sống trong nhà dân và tham gia sinh hoạt với người dân (homestay); tham quan, trải nghiệm tại các làng nghề, làng nghề truyền thống…
Du khách trải nghiệm du lịch tìm hiểu văn hoá bà con dân tộc Bru-Vân Kiều tại huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình |
Trong số hơn 40 khu, điểm, sản phẩm du lịch được nhiều du khách trong nước và quốc tế lựa chọn, nhiều sản phẩm gắn với khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tạo ra nhiều nền tảng cơ bản, vững chắc, mang lại lợi ích phát triển kinh tế bền vững cho người dân.
Ông Trần Xuân Cương- Giám đốc Công ty TNHH du lịch Nettin, chuyên khai thác các tour du lịch khám phá, du lịch cộng đồng chia sẻ: "Du khách ngày càng thích thú hơn với các loại hình du lịch nông thôn khi đến với Quảng Bình, đặc biệt là khách du lịch đến từ Mỹ, Úc và các nước châu Âu..."
"Chúng tôi cố gắng mang đến những trải nghiệm gần nhất với người dân khu vực miền núi phía Tây tỉnh Quảng Bình cho du khách, họ thích thú khi thấy được sự đa dạng về lối sống, điều kiện tự nhiên và cách sinh hoạt của bà con nơi đây"- ông Cương cho hay.
Tại tỉnh Quảng Trị, du lịch ở Hướng Hoá có tiềm năng lớn nhờ vào vị trí địa lý đặc biệt, gần biên giới, có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, lịch sử phong phú liên quan đến chiến tranh Việt Nam, cũng như nền văn hóa đa dạng của các dân tộc thiểu số như Pa Kô, Vân Kiều. Có nhiều loại hình du lịch để du khách trải nghiệm khi đến với Hướng Hoá từ du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng đến du lịch lịch sử, đây là một trong những địa phương có loại hình du lịch nông thôn khá phát triển và nhiều tiềm năng.
Vì vậy, tiềm năng du lịch nông thôn ở huyện miền núi Hướng Hoá thời gian qua rất được đón nhận. Nói về vai trò của nhóm du lịch Khe Sanh để quảng bá, kết nối và xây dựng sản phẩm du lịch tại Hướng Hoá, đặc biệt là du lịch nông thôn, anh Trần Thái Thiên - Trưởng nhóm du lịch Khe Sanh chia sẻ: "Nhóm du lịch Khe Sanh đóng một vai trò quan trọng trong việc quảng bá và phát triển du lịch tại Hướng Hóa. Họ làm việc với cộng đồng địa phương, chính quyền và các tổ chức khác để xây dựng và tiếp thị các sản phẩm du lịch độc đáo, như các tour du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và lịch sử. Họ cũng tập trung vào việc nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và văn hóa địa phương, tạo ra một mô hình du lịch bền vững".
Dù nở rộ nhưng theo đánh giá, việc phát triển du lịch nông thôn còn mang tính tự phát, chưa theo quy định, quy chuẩn hay tiêu chí cụ thể. Việc hỗ trợ người dân, cộng đồng trong quá trình hình thành và phát triển mô hình du lịch còn hạn chế. Chất lượng các sản phẩm, chất lượng dịch vụ chưa cao.
Vừa qua, Sở Du lịch Quảng Bình đã tổ chức hội thảo “Phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng Quảng Bình”, tại đây ông Đoàn Ngọc Lâm- Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh: "Du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng là yếu tố quan trọng để phát triển ngành Du lịch nói chung. Để du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng Quảng Bình thực sự phát triển, tạo ra sản phẩm chất lượng, thu hút khách du lịch, một yếu tố không thể thiếu là các doanh nghiệp và cộng đồng địa phương.Sự hợp tác, tham gia tích cực của cộng đồng là chìa khóa để xây dựng một ngành Du lịch bền vững và mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan”.
“Cộng đồng du lịch cần đóng góp tích cực vào việc phát triển du lịch nông thôn bằng các cách làm cụ thể, như: bảo tồn, quảng bá di sản văn hóa và tự nhiên tại nơi mình sống, phát triển sản phẩm, trải nghiệm du lịch độc đáo, hợp tác với các doanh nghiệp du lịch để khai thác thị trường khách, không ngừng tìm tòi, học hỏi những mô hình, cách làm hay về du lịch, thúc đẩy sự hợp tác và liên kết dịch vụ tại địa phương để tạo ra các chương trình du lịch phong phú và đa dạng hơn” - ông Đoàn Ngọc Lâm cho hay
Du lịch nông thôn có đặc điểm chung là hoạt động du lịch được tổ chức trên địa bàn nông thôn; khai thác các giá trị tài nguyên du lịch đặc thù về văn hóa, lối sống, truyền thống làng quê - gắn với hoạt động sản xuất nông nghiệp của cộng đồng ở vùng nông thôn; tạo ra nhiều cơ hội việc làm, tác động tích cực đến cuộc sống của cộng đồng nông thôn; trực tiếp tạo ra cầu nối hoạt động sản xuất và cung cấp nông sản, sản phẩm thủ công của làng nghề truyền thống |