Xây dựng vùng Tây Nguyên hài hòa về kinh tế, xã hội, bảo vệ tài nguyên 5 tỉnh Tây Nguyên mời gọi đầu tư vào 558 dự án trọng điểm Xúc tiến thương mại: Đồng hành tiêu thụ, phát triển thị trường cho sản phẩm kinh tế tập thể, hợp tác xã |
Ngày mai, 26/4/2024, Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đồng chủ trì, Cục Xúc tiến thương mại và Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk phối hợp tổ chức thực hiện Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Tây Nguyên.
Hội nghị sẽ tập trung trao đổi những vấn đề gồm: Hợp tác, liên kết chuỗi trong sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu của vùng Tây Nguyên; Liên kết vùng Tây Nguyên trong các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu theo quy mô chuyên nghiệp; Kết quả một số hoạt động xúc tiến thương mại trên các nền tảng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử; Thực trạng, cơ hội, thách thức và giải pháp phát triển xuất, nhập khẩu, xúc tiến thương mại trong năm 2024 và những năm tới cho vùng Tây Nguyên.
Vùng Tây Nguyên được đánh giá có rất nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế |
Tây Nguyên gồm: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, là "phên dậu phía Tây của Tổ quốc", là "nóc nhà của Đông Dương" thuộc khu vực tam giác phát triển Lào - Việt Nam - Cam-pu-chia; có khí hậu, thổ nhưỡng và nhiều tài nguyên, khoáng sản quý hiếm. Tây Nguyên cũng là vùng có tiềm năng lớn về phát triển kinh tế rừng, chế biến nông lâm sản, khai thác và chế biến khoáng sản.
Do đó, Tây Nguyên được đánh giá là vùng có rất nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế, nhờ tính đặc thù trong bản sắc văn hoá, dân tộc, hệ sinh thái, tài nguyên, con người, vị trí địa chính trị kinh tế.
Những đặc trưng này khiến Tây Nguyên khác biệt so với các vùng đất khác trên cả nước, là điều kiện thuận lợi để khai thác các thế mạnh kinh tế cạnh tranh nhưng cũng đồng thời là thách thức trong quá trình kết nối, liên kết vùng Tây Nguyên với các vùng kinh tế khác trên cả nước.
Nhiều năm qua, Chính phủ, Bộ Công Thương và nhiều bộ, ngành khác đã tập trung ưu tiên nguồn lực để giúp Tây Nguyên khai thác các lợi thế đặc thù, nhưng cho đến nay phát triển kinh tế của Tây Nguyên vẫn bị tụt hậu so với nhiều vùng khác trên cả nước.
Các địa phương trong vùng chưa có sự liên kết chặt chẽ, hợp lực để cùng phát triển kinh tế bền vững, lâu dài. Sự liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất cũng còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập, chưa đạt được sự hài hòa về lợi ích.
Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển xuất nhập khẩu của vùng còn trong tình trạng phân tán, nhỏ lẻ. Việc tìm hiểu, nắm bắt thông tin thị trường, yêu cầu, điều kiện trong quá trình sản xuất, xuất khẩu sản phẩm còn hạn chế. Việc thực hiện chuyển đổi số một số nội dung trong hoạt động xúc tiến thương mại, thương mại điện tử còn nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp của vùng chưa thực sự quan tâm đến chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại.
Thực trạng này đòi hỏi cần có sự thay đổi về tư duy, nhận thức, phương thức tiếp cận trong khai thác các lợi thế đặc thù của vùng Tây Nguyên, tìm biện pháp liên kết vùng thực sự hiệu quả để giúp vùng Tây Nguyên có thể phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của vùng, biến tiềm năng thành động năng, tiềm lực, nguồn lực lớn.
Hoạt động Xúc tiến thương mại giúp vùng Tây Nguyên có thể phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của vùng |
Bên lề hội nghị sẽ diễn ra hoạt động trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm của các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ trong và ngoài vùng Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó, Cục Xúc tiến thương mại cũng phối hợp với một số thương vụ, chi nhánh thương vụ, văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam ở nước ngoài tổ chức kết nối giao thương trực tuyến giữa các doanh nghiệp sản xuất, thương mại rau, củ, quả, cà phê, thực phẩm chế biến… trong và ngoài vùng Tây Nguyên với gần 30 nhà nhập khẩu từ các thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam như: Philippines, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hồng Kông…