Bức tranh trái phiếu doanh nghiệp
Thông tin tại diễn đàn “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, bền vững”, do Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp đã tổ chức chiều 19/5, cho thấy: 5 năm gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (DN) Việt Nam có tốc độ tăng trưởng bình quân 46%/năm. Tính đến cuối năm 2021, thị trường có gần 1,2 triệu tỷ đồng được DN huy động qua thị trường trái phiếu, chiếm khoảng 12% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế vào khoảng 15% GDP sau điều chỉnh.
Diễn đàn để đưa ra những nhận diện đúng về vai trò của trái phiếu doanh nghiệp |
Mặc dù có tốc độ tăng trưởng, nhưng quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam chỉ chiếm khoảng 15% GDP, thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực như Malaysia (56% GDP), Singapore (38% GDP), Thái Lan (25% GDP).
Tuy nhiên, 3 tháng đầu năm nay, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang có dấu hiệu hạ nhiệt vì một số chính sách mới, làm giảm cơ hội tiếp cận vốn của DN; qua đó làm chậm nhịp phục hồi và phát triển, lỡ nhịp chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023 của quốc gia.
Còn thống kê từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, tổng lượng trái phiếu phát hành trong quý I năm nay đạt gần 70.000 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ năm ngoái. Đánh giá về hiện tượng này, giới chuyên gia cho rằng, một phần là do cùng kỳ năm ngoái mức nền tương đối thấp, vì DN phải chuẩn bị hồ sơ phù hợp với Luật Chứng khoán và các nghị định mới có hiệu lực từ đầu năm 2021. Nhưng nếu so theo quý, thì lượng phát hành trong quý I/2022 giảm tới 72% so với quý IV/2021, cho thấy hoạt động trên thị trường sơ cấp đã kém sôi động rõ rệt.
Từ đầu cầu California (Hoa Kỳ), TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng - nhận định: Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam đang trải qua một giai đoạn khó khăn, lòng tin của nhà đầu tư bị dao động vì những vụ việc xảy ra gần đây. Mặc dù thị trường chưa rơi vào khủng hoảng, nhưng những vụ việc xảy ra chứng tỏ thị trường cần một sự chấn chỉnh, cải cách mạnh mẽ.
Giải pháp thúc đẩy thị trường vốn hiệu quả
Giới chuyên gia nhận định, sự chững lại này chỉ mang tính chất tạm thời, vì những xáo trộn trên thị trường làm cho nhà đầu tư cũng như nhà phát hành ngừng lại để nhìn nhận, kiểm tra tình hình, điều kiện, từ đó có sự tham gia bền vững, đầy đủ hơn.
Đồng thời, phía cơ quan quản lý nhà nước cũng có những động thái chỉnh đốn thị trường, nhằm gạt bỏ những nhà phát hành không thỏa đáng và chọn lọc được nhà đầu tư, trái chủ theo đúng nghĩa chuyên nghiệp, gắn bó với thị trường.
Đối với lỗ hổng trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay, chuyên gia cho rằng, cần phải nhìn thấy rõ nét hai vấn đề về cơ chế pháp lý, cũng như cơ chế quản lý.
Về pháp lý, các quy định của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về chào bán và giao dịch trái phiếu DN riêng lẻ, kế thừa các quy định trước đây đã có những đổi mới, nhưng chưa phù hợp với điều kiện phát triển của nền kinh tế Việt Nam, với thói quen của thị trường mới hình thành.
Về công tác quản lý, theo dõi đối với thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng, nhiều nhà đầu tư mới tham gia, trình độ, nhận thức, hiểu biết của họ về thị trường còn chưa đầy đủ. Trong khi đó lại có DN, hoặc đối tượng lách luật, dẫn dắt thị trường, tìm cách cho phép nhà đầu tư không chuyên nghiệp cũng có thể tham gia mua bán trái phiếu DN như nhà đầu tư chuyên nghiệp, làm cho thị trường tăng trưởng nóng, bộc lộ nhiều rủi ro.
Trước tình trạng này, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV - đưa ra một số giải pháp cụ thể nhằm chấn chỉnh thị trường trái phiếu, đó là: Cần giải quyết dứt điểm vụ việc vừa qua để củng cố niềm tin nhà đầu tư, cũng như tránh tạo tiền lệ xấu; sớm sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, Nghị định 156/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, rà soát Luật Chứng khoán 2019 tiến tới sửa đổi, trong đó có nâng chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp; có quy định về định hạng tín nhiệm nhằm giúp nhà đầu tư dễ dàng xác định chất lượng DN, mức độ rủi ro của trái phiếu phát hành; hoàn thiện cơ chế, nâng cao chất lượng quản lý, giám sát thị trường, tăng cường kiểm tra giám sát trên cơ sở rủi ro…
TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh: “Theo tôi, sự kiểm soát thị trường một cách hiệu quả sẽ là tiền đề cho sự phát triển bền vững trong tương lai. Dĩ nhiên sẽ tạo ra những khó khăn cho thị trường, nhưng cũng sẽ tạo lại niềm tin cho thị trường, và có lẽ cũng là cái giá phải trả để có một thị trường đi vào quy củ, ổn định”.
Nhiều ý kiến có chung nhận định, việc chấn chỉnh cả về luật pháp và cơ chế thực hiện thanh kiểm tra, giám sát là điều cần thiết để thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể trở thành một kênh huy động vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế. |
Thanh Tâm