Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024 vừa được công bố, Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (HOSE: DLG) ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 220 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp mang về đạt gần 85 tỷ đồng, giảm nhẹ 5% so với quý III/2023. Sự sụt giảm doanh thu chủ yếu đến từ việc thoái vốn khỏi công ty con MassNoble vào ngày 31/7, dẫn đến doanh thu bán sản phẩm linh kiện điện tử giảm mạnh.
Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (HOSE: DLG). |
Trong kỳ, điểm sáng đến từ doanh thu từ hoạt động tài chính khi đạt gần 181 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ. Đáng chú ý, phần lớn khoản thu này đến từ lãi thoái vốn khỏi công ty con, đóng góp gần 130 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, chi phí tài chính của Đức Long Gia Lai trong kỳ được tiết giảm 16% xuống còn hơn 74 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí bán hàng giảm mạnh 63,5%, xuống chỉ còn 876 triệu đồng. Tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng đột biến từ 38 tỷ đồng lên gần 126 tỷ đồng, chủ yếu do khoản trích lập dự phòng nợ phải thu quá hạn và khó đòi, ước tính khoảng 75 tỷ đồng.
Kết quả cuối cùng, sau khi trừ đi các khoản chi phí và thuế, Đức Long Gia Lai ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt gần 65 tỷ đồng, gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt hơn 52 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần của Đức Long Gia Lai đạt 815 tỷ đồng, tăng nhẹ gần 2% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 126 tỷ đồng, tăng 150% so với cùng kỳ năm trước. Lãi ròng của công ty đạt gần 100 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với cùng kỳ. Với kết quả này, DLG đã hoàn thành 58% mục tiêu doanh thu và vượt 5% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế đề ra cho cả năm.
Tính đến ngày 30/9/2024, Đức Long Gia Lai vẫn đang ghi nhận khoản lỗ lũy kế gần 2.565 tỷ đồng. Quy mô tổng tài sản của công ty hiện ở mức 4.860 tỷ đồng, giảm 192 tỷ đồng so với đầu năm.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của DLG lên tới hơn 4.216 tỷ đồng, trong đó nợ vay tài chính ngắn hạn và dài hạn lần lượt là 1.084 tỷ đồng và 1.521 tỷ đồng.
Trong một diễn biến khác, vào đầu tháng 10/2024, Đức Long Gia Lai đã báo cáo với Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) về việc xin hoãn thanh toán gốc lô trái phiếu 30122017-01, kỳ hạn 5 năm. Tính đến ngày 30/9, công ty chỉ thanh toán được 1,5 tỷ đồng trong tổng số gần 72 tỷ đồng nợ gốc phải trả, để lại số nợ còn lại gần 70,4 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, cổ phiếu DLG của Đức Long Gia Lai cũng đang đối diện với nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE). Nguyên nhân xuất phát từ việc báo cáo tài chính kiểm toán của công ty trong hai năm liên tiếp (2022 và 2023) đều ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm, cùng với ý kiến kiểm toán ngoại trừ. Nếu báo cáo tài chính kiểm toán năm nay tiếp tục có ý kiến ngoại trừ, cổ phiếu DLG có thể bị hủy niêm yết theo quy định tại Điều 120, Nghị định số 155/2020/NĐ-CP.
Trên thị trường chứng khoán, mở cửa phiên giao dịch ngày 29/10, cổ phiếu DLG của Đức Long Gia Lai tăng trần lên 2.030 đồng/cp, với thanh khoản tăng đột biến gần 3,7 triệu cổ phiếu, trong đó dư mua hơn 1,1 triệu đơn vị.
Cổ phiếu SJF của Sao Thái Dương nguy cơ bị hủy niêm yết: Nguyên nhân do đâu? Cổ phiếu SJF của Công ty CP Đầu tư Sao Thái Dương đối diện nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc trên Sở Giao dịch ... |
Chuyển động thị trường ngày 22/10: MWG đón tin vui, SJF đối mặt nguy cơ hủy niêm yết Chuyển động thị trường chứng khoán ngày 22/10 bao gồm thông tin về giao dịch cổ phiếu các doanh nghiệp như MWG, SJF hay VRC... |
Phạm Hường