Dược Danapha hậu thâu tóm (Bài 1): Doanh thu giậm chân, kỳ vọng tái cấu trúc

22/04/2025 - 23:44
(Bankviet.com) Sau khi về tay Danhson VN, Dược Danapha chứng kiến lợi nhuận giảm nhẹ, tái cơ cấu mạnh mẽ và đẩy mạnh đầu tư dài hạn.
Chân dung

Dược Danapha hậu thâu tóm (Bài 1): Doanh thu giậm chân, kỳ vọng tái cấu trúc

Cao Thái 22/04/2025 11:15

Sau khi về tay Danhson VN, Dược Danapha chứng kiến lợi nhuận giảm nhẹ, tái cơ cấu mạnh mẽ và đẩy mạnh đầu tư dài hạn.

Sau thương vụ thâu tóm được xem là một trong những sự kiện nổi bật nhất của ngành dược năm 2024, Công ty CP Dược Danapha (UpCoM: DAN) đã chính thức về tay Công ty TNHH Danhson VN. Tỷ lệ sở hữu sau thâu tóm lên tới 66,07%, và tiếp tục được nâng lên gần 71% trong quý 2 cùng năm. Không chỉ là một sự chuyển giao về mặt cổ phần, thương vụ này còn mở ra một chu kỳ tái cấu trúc toàn diện cả về chiến lược kinh doanh lẫn bộ máy điều hành của Danapha.

dan31.jpg
Danh sách cổ đông lớn của Danapha thời điểm hiện tại

Đổi chủ & Đổi hướng

Năm 2023 khép lại với thành tích kỷ lục của Danapha khi doanh thu thuần đạt 576 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% so với năm trước. Điểm nhấn là lợi nhuận sau thuế đạt tới 77 tỷ đồng, tăng tới 57%, phản ánh hiệu quả của hoạt động kinh doanh cốt lõi, đặc biệt là các mảng thuốc điều trị và sản phẩm xuất khẩu.

Tuy nhiên, bước sang quý 4/2023, dấu hiệu chững lại bắt đầu xuất hiện. Lợi nhuận sau thuế trong quý này giảm mạnh 84% so với cùng kỳ, chỉ đạt 1,5 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu đến từ chiết khấu thương mại cao và lỗ chênh lệch tỷ giá – một biến động dự báo sẽ còn dai dẳng trong năm tiếp theo.

dan0.jpg
Biến động về kết quả kinh doanh của DAN trước và sau thời điểm Danhson VN thâu tóm

Đáng chú ý, tháng 3/2024, hai lãnh đạo chủ chốt của Danapha đồng loạt thoái hơn 62% vốn cho Danhson VN. Giao dịch không chỉ đánh dấu sự thay đổi quyền lực mà còn mở đường cho một loạt điều chỉnh về chiến lược quản trị. Thành phần Hội đồng quản trị được tái cấu trúc, ưu tiên nhân sự từ phía cổ đông mới, và tập trung định hình lại mô hình tăng trưởng của Công ty.

Kết quả kinh doanh năm 2024 cho thấy một bước chuyển chưa mượt mà. Danapha ghi nhận doanh thu thuần giảm nhẹ 2% còn 564,7 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế giảm 3,69% còn 73,7 tỷ đồng. Con số này không quá tệ, đặc biệt nếu đặt trong bối cảnh chi phí tài chính gia tăng và biến động tỷ giá EUR ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động xuất khẩu.

Dược Danapha (DAN) là một trong những doanh nghiệp dược phẩm lâu đời tại Việt Nam, với gần 60 năm hoạt động. So với các đối thủ như Dược Hậu Giang (DHG), Traphaco (TRA), Imexpharm (IMP), Dược Bình Định (DBD) Dược Hà Tây (DHT), Danapha hiện đang ở vị thế trung bình về quy mô doanh thu và thị phần. Tuy vậy đây vẫn là tên tuổi khá nội bật tại miền Trung nói riêng, toàn ngành dược phẩm nói chung.

Riêng quý 4/2024, Danapha mang đến một tín hiệu tích cực khi lợi nhuận sau thuế đạt 12,2 tỷ đồng, gấp 8,8 lần cùng kỳ. Một phần lý do đến từ việc chi phí lãi vay giảm mạnh, cho thấy hiệu quả của việc cơ cấu lại tài chính.

Kỳ vọng vào chiến lược đầu tư dài hạn

Tuy lợi nhuận ngắn hạn có phần đi xuống, Danapha dưới thời Danhson lại đặc biệt chú trọng các khoản đầu tư cơ bản. Theo báo cáo tài chính, tính đến cuối năm 2024, nguyên giá tài sản cố định của công ty lên tới hơn 421 tỷ đồng – tăng mạnh so với năm trước. Danapha đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy dược phẩm công nghệ cao và trung tâm nghiên cứu tại Đà Nẵng, đặt nền móng cho chiến lược phát triển sản phẩm mới có hàm lượng công nghệ cao.

dan4.jpg
Tài sản dài hạn của DAN tăng trưởng đều đặn qua từng năm.

Dự án Nhà máy sản xuất dược phẩm và Trung tâm nghiên cứu phát triển công nghệ cao tại Đà Nẵng có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng. Tại ĐHCĐ thường niên 2025 mới đây, HĐQT Danapha đã thông qua tờ trình điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn đầu tư được thực hiện với nội dung chính là tách phần đầu tư mở rộng (trước đây là Phần kỳ 3) của dự án, thay vì gộp chung trong Phần kỳ 2 như kế hoạch ban đầu.

Cụ thể, tổng mức đầu tư dự án giữ nguyên là 1.495,74 tỷ đồng, nhưng phần vốn cho đầu tư mở rộng (giai đoạn 3) được tách ra rõ ràng với giá trị 297,74 tỷ đồng. Trong phần đầu tư mở rộng này, toàn bộ vốn sẽ huy động từ cổ đông hiện hữu hoặc các tổ chức tín dụng trong nước, tùy thuộc vào điều kiện thị trường tại thời điểm huy động. Danapha dự kiến sử dụng 205,84 tỷ đồng vốn vay từ cổ đông cho phần mở rộng. Phần vốn trước đó từ Quỹ đầu tư phát triển TP Đà Nẵng (DDIF) dự kiến dùng cho kỳ 3 sẽ không còn, thay vào đó DDIF chỉ tham gia trong kỳ 2 với 200 tỷ đồng.

Việc điều chỉnh cơ cấu tài chính lần này được kỳ vọng sẽ giúp Danapha linh hoạt hơn trong triển khai dự án trọng điểm, hướng đến nâng cao năng lực sản xuất và đổi mới công nghệ trong lĩnh vực dược phẩm.

Ngoài ra, Công ty cũng tham vọng phát triển bất động sản trên khu đất vàng Nguyễn Văn Linh – một hướng đi mở rộng ngoài ngành dược nhưng có thể mang lại nguồn lực tài chính hỗ trợ cho tái đầu tư.

Báo cáo tiến độ dự án này trình bày tại ĐHCĐ thường niên vừa qua cho thấy, Dự án văn phòng kết hợp căn hộ du lịch tại lô A24 đường Nguyễn Văn Linh, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng có tổng vốn đầu tư 222 tỷ đồng. Dự án đã hoàn tất phần móng, tường vây và đang thi công phần thân, dự kiến hoàn thành phần thô vào quý II/2025 và đưa vào sử dụng từ quý II/2026. Tính đến cuối năm 2024, Danapha mới sử dụng 73 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận giữ lại, chưa sử dụng đến vốn vay.

Hội đồng quản trị Danapha hiện có 08 người, Chủ tịch là ông Bojinov Stefan Georgiev.

Cao Thái

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán