Bộ Y tế nói gì về trách nhiệm vụ 600 loại sữa giả? Bộ Y tế sẽ xử lý bác sĩ vi phạm quảng cáo Người nổi tiếng quảng cáo 'nổ': Bộ Y tế đề nghị xử lý |
Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế vừa có công văn khẩn yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Sở An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. Đà Nẵng và Chi cục An toàn thực phẩm các địa phương tăng cường công tác hậu kiểm và kiểm soát chất lượng đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Động thái này được đưa ra ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 41/CĐ-TTg ngày 17/4/2025, chỉ đạo xử lý nghiêm các vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh và thực phẩm bảo vệ sức khỏe, đặc biệt trong bối cảnh vừa triệt phá đường dây sữa bột giả quy mô lớn trên cả nước.
![]() |
Bộ Y tế chỉ đạo tăng cường kiểm tra, hậu kiểm thực phẩm sau vụ hàng trăm loại sữa giả bị công an phanh phui. Ảnh minh họa: AI |
Theo chỉ đạo của Cục An toàn thực phẩm, các đơn vị chức năng cần tăng cường kiểm tra, hậu kiểm theo hướng dẫn tại các Công văn số 2792/ATTP-SP, 730/ATTP-PCCTr và 296/ATTP-PCCTr. Cùng với đó, siết chặt việc kiểm soát các sản phẩm tự công bố, đảm bảo đúng quy trình và tuân thủ quy định pháp luật.
Yêu cầu phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận biết và tránh mua phải thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, chưa được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố.
Đáng chú ý, Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Người dân cần kiểm tra kỹ thông tin sản phẩm, bao gồm: tên sản phẩm, ngày sản xuất, hạn sử dụng, thành phần, công dụng, cảnh báo và địa chỉ nhà sản xuất.
Thông tin sản phẩm có thể được tra cứu tại hai địa chỉ chính thức: https://vfa.gov.vn, https://dichvucong.moh.gov.vn.
Ngoài ra, Cục An toàn thực phẩm cũng hướng dẫn cách nhận diện quảng cáo vi phạm, bao gồm việc sử dụng hình ảnh bác sĩ, cam kết chữa khỏi bệnh, thiếu dòng cảnh báo pháp lý. Người dân có thể tham khảo video cảnh báo vi phạm tại website chính thức của Cục.
Bên cạnh đó, Cục An toàn thực phẩm đề nghị phối hợp với Sở Công Thương, các sàn thương mại điện tử, ứng dụng bán hàng và website để gỡ bỏ sản phẩm chưa công bố hợp lệ; đồng thời phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiểm tra, xử lý các hành vi quảng cáo sai phạm trên mạng xã hội.
Trước đó, Bộ Công an đã triệt phá đường dây sản xuất, tiêu thụ 573 nhãn hiệu sữa bột giả các loại dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, phụ nữ mang thai, doanh thu gần 500 tỷ đồng. Từ 2 doanh nghiệp chính là Rance Pharma và Hacofood Group, nhóm này đã lập thêm 9 công ty để sản xuất, phân phối sữa bột giả. Đường dây sản xuất sữa giả này có hệ sinh thái phủ khắp cả nước. |