Được trao 'visa đặc biệt' từ thị trường khắt khe bậc nhất, doanh nghiệp miền Tây tạo cú hích lớn
Sau khi nhận chứng nhận kỹ thuật từ thị trường khó tính bậc nhất, một doanh nghiệp Việt âm thầm mở rộng hiện diện ra quốc tế.
Chinh phục thị trường khó tính bậc nhất
Theo thông tin vừa được công bố bởi Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC), trong tháng 7/2025, doanh nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế trong ngành nông nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu thành công 30.000 tấn phân bón sang Úc, một trong những thị trường có yêu cầu kỹ thuật ngặt nghèo nhất thế giới.

Lô hàng trọng điểm này được triển khai sau khi PVCFC chính thức đạt chứng chỉ Level One – cấp độ cao nhất trong hệ thống kiểm soát nhập khẩu phân bón vô cơ của Bộ Nông nghiệp, Thủy sản và Lâm nghiệp Úc (DAFF) hồi tháng 3/2025. Chứng chỉ được cấp dựa trên quá trình đánh giá thực địa toàn diện, bao gồm quy trình sản xuất, đóng gói và hệ thống kiểm dịch sinh học. Với dấu mốc này, PVCFC trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên trong ngành phân bón được công nhận ở cấp độ cao nhất tại thị trường Úc.
Điều này cho phép sản phẩm phân bón của Đạm Cà Mau khi đến Úc được miễn kiểm tra tại cảng nhập, qua đó giảm đáng kể thời gian thông quan và chi phí logistics. Urê Cà Mau hiện được xếp vào nhóm sản phẩm đạt chuẩn cao nhất, đủ điều kiện tiếp cận thị trường với mức giá cạnh tranh hơn. Việc vượt qua hàng rào kỹ thuật khắt khe tại Úc đồng thời củng cố vị thế của PVCFC như một trong những doanh nghiệp hàng đầu tại khu vực châu Á về chất lượng sản phẩm, năng lực vận hành và kiểm dịch.
Doanh thu tăng vọt, lợi nhuận vượt kế hoạch cả năm
Không chỉ mở rộng thị trường quốc tế, hoạt động kinh doanh của PVCFC trong nước cũng ghi nhận kết quả tích cực. Trong 7 tháng đầu năm 2025, tổng doanh thu hợp nhất của công ty ước đạt 10.541 tỷ đồng, tăng 24% so với kế hoạch năm và tăng 37% so với cùng kỳ 2024. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.417,58 tỷ đồng – vượt 164% kế hoạch cả năm và tăng gần 40% so với cùng kỳ.
Đây là một kết quả đáng chú ý trong bối cảnh kế hoạch kinh doanh được Đại hội cổ đông thông qua đầu năm chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế ở mức 864 tỷ đồng – thấp hơn đáng kể so với thực hiện năm trước.
Với kết quả tích cực sau 7 tháng, Đạm Cà Mau đã hoàn thành khoảng 75% kế hoạch doanh thu và vượt xa chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Điều này mở ra dư địa điều chỉnh kế hoạch kinh doanh trong giai đoạn còn lại của năm, đồng thời cho thấy tính thích ứng linh hoạt của công ty trước những biến động của thị trường.
Mở rộng sang lĩnh vực chế biến nông sản
Song song với hoạt động cốt lõi, PVCFC cũng bắt đầu triển khai những bước đi chiến lược nhằm đa dạng hóa ngành nghề. Mới đây, công ty công bố kế hoạch mở rộng sang lĩnh vực chế biến sữa hạt và các sản phẩm từ thực vật. Đây là hướng đi được lãnh đạo PVCFC nhận định là phù hợp với xu thế tiêu dùng toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng ưu tiên các sản phẩm có nguồn gốc thực vật, thân thiện với sức khỏe và môi trường.
Tổng Giám đốc Văn Tiến Thanh cho biết, công ty sẽ không tham gia thị trường sữa truyền thống mà tập trung phát triển chuỗi giá trị chế biến sâu từ các loại hạt. Mô hình kinh doanh này sẽ gồm 5 trụ cột: xây dựng vùng nguyên liệu, thu hoạch, chế biến sâu, phát triển hệ thống marketing và hoàn thiện hạ tầng logistics. PVCFC dự kiến hợp tác với các doanh nghiệp đang có nền tảng trong lĩnh vực này, đồng thời đầu tư vào vùng trồng riêng nhằm đảm bảo nguồn cung bền vững.
Trong bối cảnh ngành phân bón trong nước đang chịu áp lực cạnh tranh ngày càng lớn, cùng với xu hướng dịch chuyển tiêu dùng sang các sản phẩm xanh – sạch – minh bạch, việc PVCFC không những duy trì tăng trưởng ổn định mà còn mở rộng được ra thị trường quốc tế được xem là bước đi chiến lược.
Với nhà máy hiện đại tại Cà Mau làm nền tảng, sản phẩm phân bón của công ty đã có mặt tại gần 20 quốc gia, với sản lượng xuất khẩu năm 2024 đạt trên 300.000 tấn. Việc chinh phục được thị trường Úc – nơi nổi tiếng với các tiêu chuẩn kiểm dịch và kiểm soát nhập khẩu nghiêm ngặt – là minh chứng rõ ràng cho chất lượng và năng lực cạnh tranh quốc tế của phân bón Việt Nam.
Trong thời gian tới, sự kết hợp giữa chiến lược xuất khẩu chủ lực, mở rộng ngành nghề theo xu hướng thị trường và tối ưu hiệu quả vận hành sẽ là những yếu tố then chốt giúp PVCFC duy trì đà tăng trưởng bền vững và củng cố vị thế trong ngành nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam.