Fitch Ratings: Chất lượng giáo dục cải thiện giúp Việt Nam định vị tốt để đón nguồn vốn FDI

22/12/2023 - 00:06
(Bankviet.com) Một nửa dòng FDI mới Việt Nam nhận được tính từ đầu năm tới nay đến từ Trung Quốc và các đặc khu, vùng lãnh thổ Hồng Kông, Đài Loan và Macau, phản ánh rõ sự hấp dẫn ngày càng gia tăng của Việt Nam như một điểm đến của đầu tư, chuyên gia phân tích.
vietnam3.jpg

Đánh giá về quan hệ kinh tế Việt Nam – Trung Quốc, trong phỏng vấn mới đây, bà Yun Liu - chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường ASEAN thuộc khối nghiên cứu kinh tế toàn cầu ngân hàng HSBC nhấn mạnh, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc có tầm vóc quan trọng về nhiều phương diện.

Chuyên gia HSBC nhấn mạnh, trong lĩnh vực thương mại, Trung Quốc không chỉ là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, bản thân Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc ở ASEAN. Mặc dù Việt Nam đã và đang gặp nhiều khó khăn về thương mại, nhu cầu từ phía Trung Quốc phần nào mang lại sự hỗ trợ nhất định. Đặc biệt, nông sản của Việt Nam xuất sang Trung Quốc tăng mạnh trong năm nay. Trong khi đó, 30% hàng nhập khẩu của Việt Nam đến từ Trung Quốc, phần lớn trong số đó là nguyên liệu thô và hàng hóa trung gian.

Thêm nữa, trong những năm gần đây, Trung Quốc cũng đã nhanh chóng mở rộng phạm vi đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Một nửa dòng vốn FDI mới Việt Nam nhận được tính từ đầu năm tới nay đến từ Trung Quốc và các đặc khu, vùng lãnh thổ Hồng Kông, Đài Loan và Macau, phản ánh rõ sự hấp dẫn ngày càng gia tăng của Việt Nam như một điểm đến của đầu tư, bà Liu phân tích.

1312fitcha.jpg
Diễn biến dòng vốn FDI vào một số nước và vùng lãnh thổ bao gồm Ấn Độ, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Indonesia, Thái Lan. Nguồn: Fitch Ratings, Haver Analytics, cơ quan thống kê địa phương

Bộ phận xếp hạng tín nhiệm quốc gia và doanh nghiệp thuộc tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings trong trả lời báo chí về tầm quan trọng của Việt Nam trong chiến lược tái định vị của nhiều doanh nghiệp sản xuất toàn cầu cũng đã đưa ra một số nhận định về dòng vốn FDI Trung Quốc vào Việt Nam cũng như phân tích về ảnh hưởng của dòng vốn FDI Trung Quốc đến sản xuất Việt Nam.

Fitch Ratings khẳng định, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ vẫn là trung tâm sản xuất và xuất khẩu toàn cầu, tuy nhiên vị thế này sẽ giảm trong tương lai. Các doanh nghiệp toàn cầu sẽ quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề địa chính trị trong các quyết định đầu tư cũng như đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ. Các xu thế này sẽ diễn ra dần dần bởi Fitch Ratings không tin sẽ có sự dịch chuyển quá lớn trong thời gian ngắn, trừ khi có yếu tố bất thường.

1312fitchc.jpg
Vị thế của Trung Quốc trong chiến lược đầu tư toàn cầu giảm dần trong những năm gần đây.

Nguồn: Fitch Ratings, Phòng Thương mại Công nghiệp Trung Quốc

Trong suốt thập kỷ qua, xu thế đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Trung Quốc ngày một dâng cao. Bản thân doanh nghiệp Trung Quốc đang tái định vị lại chiến lược sản xuất của mình, nổi bật nhất phải kể đến các khoản đầu tư của họ vào Mexico và Việt Nam nhằm tăng cường củng cố mục tiêu đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, điều này cũng minh chứng rõ ràng cho quy mô ngày một lớn của doanh nghiệp Trung Quốc cũng như tầm ảnh hưởng của họ.

Doanh nghiệp Trung Quốc tái định vị chiến lược sản xuất, Việt Nam hưởng lợi


Fitch Ratings phân tích, Việt Nam đang hưởng lợi từ làn sóng đa dạng hóa địa điểm sản xuất ra ngoài Trung Quốc, xuất khẩu của Việt Nam không ngừng tăng do lợi thế cạnh tranh về chi phí cũng như hội nhập kinh tế ngày một sâu rộng. Dòng vốn FDI cũng như xuất khẩu mạnh là động lực tăng trưởng và có hỗ trợ quan trọng cho xuất khẩu của Việt Nam.

Với vị thế ban đầu là một nước sản xuất hàng may mặc trình độ thấp, thứ hạng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu đã cải thiện dần khi mà Việt Nam sản xuất ngày một nhiều hàng điện tử, đặc biệt là điện thoại di động. Đồng thời, Việt Nam cũng đang nỗ lực để thu hút dòng vốn đầu tư vào các sản phẩm bán dẫn.

Sự hiện diện về mặt địa chính trị của Việt Nam cũng đang gia tăng, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ ngoại giao với Mỹ lên ngưỡng cao nhất, tương đương với Nga và Trung Quốc trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 9/2023. Xét đến việc mối quan hệ ngoại giao với Mỹ đang được cải thiện, Việt Nam sẽ có vị thế ngày một quan trọng hơn trong vai trò địa điểm sản xuất trong chiến lược chuyển sản xuất sang nước bạn (friendshoring) của nước Mỹ, đặc biệt với nhóm hàng cao cấp đòi hỏi trình độ công nghệ cao, chẳng hạn như các sản phẩm bán dẫn.

1312fitchd.jpg
Nhóm tám nước xuất khẩu nhiều nhất hàng hóa vào Mỹ. Nguồn: Fitch Ratings, Comtrade


Kết quả của sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư một phần khỏi Trung Quốc chính là việc thị phần xuất khẩu Việt Nam vào Mỹ tăng lên. Thị phần của Việt Nam trong xuất khẩu hàng hóa của các nước vào Mỹ đã tăng lên mức 4%, gấp đôi so với chỉ vài năm trước. Việt Nam đang giành được thị phần từ Trung Quốc với sản phẩm điện thoại thông minh sau khi trước đó đã giành được khá nhiều thị phần trong ngành may mặc xuất khẩu.

Samsung đã mở những nhà máy sản xuất điện thoại thông minh lớn ở Việt Nam, Google công bố sẽ chuyển hoạt động gia công một phần sản phẩm điện thoại thông minh từ Trung Quốc sang Việt Nam. Những cuộc đối thoại chính sách gần đây với phía Mỹ đã cho thấy vai trò ngày một lớn hơn của Việt Nam trong chuỗi cung ứng các sản phẩm bán dẫn, dù rằng tham vọng này sẽ nhiều khả năng thành hiện thực trong dài hạn.

Việt Nam và sự chuẩn bị kỹ càng đón nguồn vốn FDI


Fitch Ratings khẳng định, Việt Nam hiện ưu tiên thu hút vốn FDI và đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích thu hút FDI. Luật Đầu tư sửa đổi năm 2020 tập trung vào việc cải thiện khung pháp lý cho doanh nghiệp nước ngoài. Trong thời gian trước, Việt Nam đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, nhờ vậy Việt Nam định vị tốt để có thể đón nhận lượng FDI vào sản xuất trình độ cao. Việt Nam đã đưa ra khung chính sách thu hút đầu tư gần tương tự Trung Quốc, theo đó dựa vào FDI để chuẩn bị nền tảng cho ngành sản xuất. Kết quả, FDI đã tăng ấn tượng trong thập kỷ qua.

Việt Nam có lực lượng lao động chi phí thấp và tay nghề cao. Trong thập kỷ vừa qua,Việt Nam đã ghi nhận nhiều thành tựu trong phát triển nguồn nhân lực, thành công này thể hiện ở việc học sinh Việt Nam nâng hạng trong các kỳ thi đánh giá trình độ giáo dục quốc tế. Những thành tựu giáo dục cao như vậy đã giúp cho Việt Nam dễ dàng dịch chuyển lên các nấc thang cao hơn trong chuỗi sản xuất toàn cầu. Chi phí lao động tại Việt Nam so với các nước khác trong khu vực vẫn ở mức thấp dù đã tăng trong thời gian qua, Fitch Ratings nhấn mạnh.

1312fitchb.jpg
Diễn biến dòng vốn FDI vào Việt Nam từ năm 2012 cho đến nay. Nguồn: Fitch Ratings, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Tự do hóa thương mại đóng góp quan trọng mang đến thành công cho mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của Việt Nam. Việc Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã giúp tăng cường đầu tư từ các doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc từ năm 2016. Khi gia nhập CPTPP, thuế áp dụng với nhiều loại hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ được điều chỉnh giảm, các doanh nghiệp xuất khẩu nhờ vậy tiếp cận được với nhiều thị trường hơn.

Một số vấn đề tồn tại cần phải sớm được giải quyết


Fitch Ratings nhận xét, những hạn chế liên quan đến đất đai và lao động không khỏi ảnh hưởng đến Việt Nam trong việc trở thành địa điểm sản xuất thay thế cho Trung Quốc. FDI vào mạnh đã đẩy giá bất động sản thương mại tăng cũng như gây áp lực lên hạ tầng của Việt Nam dù rằng hạ tầng đã được cải thiện mạnh mẽ trong thập kỷ vừa qua.

Mùa hè năm 2023, nhu cầu điện tăng cao đã có lúc dẫn đến việc bị cắt điện gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất. Không ít nhà đầu tư lo lắng về vấn đề nguồn cung điện. Hạ tầng giao thông đã được cải thiện, tuy nhiên sẽ cần đến đầu tư ổn định để có thể đáp ứng được nhu cầu trong tương lai.

Ngoài ra, theo quan điểm của Fitch Ratings, khung chính sách vĩ mô và quản trị kinh doanh cũng như tài chính của Việt Nam còn chưa được như các nước khác cũng trong nhóm nước tiềm năng đón nhận dòng vốn FDI từ Trung Quốc, điều này có thể ảnh hưởng đến việc thu hút FDI của Việt Nam.

Sự thay đổi về quan hệ thương mại giữa Mỹ và nhóm nước mới nổi tại Mỹ - Latinh và khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang dẫn đến chiến lược đầu tư nhiều doanh nghiệp toàn cầu thay đổi theo hướng chuyển địa điểm sản xuất về nước láng giềng (nearshoring) hoặc chuyển sản xuất sang nước bạn (friendshoring). Sản xuất nội địa của một số nước hưởng lợi từ chiến dịch này đã tăng trưởng còn các dự án đầu tư sẽ cần thời gian để có thể cho thấy các diễn biến thực sự rõ nét. Fitch Ratings dự báo nhóm nước hưởng lợi từ các xu thế nói trên sẽ chứng kiến dòng vốn FDI tăng dần trong những năm sắp tới.

Trung Quốc cho đến nay vẫn là nước có vị thế rất quan trọng trong chuỗi cung ứng và xuất khẩu toàn cầu. Thống kê năm 2022 cho thấy, quốc gia này chiếm đến 18% trong tổng hàng hóa xuất khẩu toàn cầu, tỷ lệ này với Mỹ ở mức 12%. Dù rằng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang, thị phần của Trung Quốc trong xuất khẩu toàn cầu vẫn tăng liên tục từ năm 2018. Xuất khẩu của Trung Quốc đặc biệt gia tăng trong thời kỳ đại dịch COVID-19 bởi nhu cầu hàng hóa toàn cầu tăng, đặc biệt với dòng sản phẩm máy móc, hàng điện tử, chất hóa học, kim loại và ô tô. Thị phần của xuất khẩu Trung Quốc trong quy mô toàn cầu mới chỉ giảm rất nhẹ trong năm 2023.

Ngọc Diệp

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ