FPT Telecom tiếp tục có một kỳ kinh doanh hiệu quả |
Kết thúc quý II/2023, FPT Telecom ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.892 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng tới gần 17%, lên mức 2.128 tỷ đồng, khiến lợi nhuận gộp giảm nhẹ so với cùng kỳ, xuống mức 1.754 tỷ đồng.
Trong kỳ kinh doanh này, doanh thu hoạt động tài chính tăng 5%, đạt 211 tỷ đồng. Đáng chú ý, mặc dù chi phí lãi vay tăng tới 18% nhưng chi phí tài chính vẫn được tiết giảm, từ mức 126 tỷ đồng xuống còn 119 tỷ đồng.
Cùng với đó, chi phí bán hàng chỉ tăng nhẹ 5% còn chi phí quản lý doanh nghiệp được điều tiết hiệu quả, giảm tới 12% so với cùng kỳ cũng là một trong những yếu tố góp phần giúp lợi nhuận trước thuế đảo chiều, ghi nhận mức tăng trưởng 6%, đạt 790 tỷ đồng. Ngoài ra, cũng cần phải kể đến sự “đóng góp” của khoản lợi nhuận khác vào kết quả này, với việc mang về gần 2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 4 tỷ đồng.
Sau cùng, doanh nghiệp lãi sau thuế 632 tỷ đồng, tăng trưởng 5% so với cùng kỳ. Đây là mức lợi nhuận cao nhất trong một quý của doanh nghiệp viễn thông này kể từ khi lên sàn chứng khoán vào đầu năm 2017.
FPT Telecom thiết lập đỉnh lợi nhuận trong quý II/2023 |
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của FPT Telecom tăng 34% so với cùng kỳ, đạt 7.682 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.514 tỷ đồng, tăng gần 5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.212 tỷ đồng, tăng 4%.
Được biết, năm 2023, doanh nghiệp viễn thông này đặt mục tiêu doanh thu đạt 16.730 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 3.230 tỷ đồng, đồng loạt tăng trưởng so với năm 2022. Đối chiếu với kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, FPT Telecom đã thực hiện được 46% mục tiêu doanh thu và 47% mục tiêu lợi nhuận, bám sát kế hoạch kinh doanh cả năm.
Tính đến này 30/6/2023, tổng tài sản của FPT Telecom đạt 21.807 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm. Báo cáo tài chính ghi nhận lượng tiền và các khoản tương đương tiền giảm tới 88%, xuống còn 164 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong đó chủ yếu là tiền gửi ngân hàng (163 tỷ đồng).
Đáng chú ý, trong kỳ kinh doanh này, FPT Telecom đã “mạnh tay” tiến hành đầu tư tài chính khi hạng mục này chứng kiến mức tăng trưởng lên tới 79%. Kết thúc quý II/2023, khoản đầu tư tài chính đã đạt 10.469 tỷ đồng, chủ yếu là tiền gửi có kỳ hạn.
Như vậy, tính chung, tổng số tiền mà FPT Telecom mang đi gửi ngân hàng rơi vào khoảng 10.700 tỷ đồng.
FPT Telecom đang gửi ngân hàng khoảng 10.700 tỷ đồng |
Tuy nhiên, doanh nghiệp này cũng đang “gánh” một khoản nợ vay không hề nhỏ. Theo bảng cân đối kế toán, dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn của FPT Telecom đến ngày 30/6/2023 đã tăng tới 76%, lên gần 9.055 tỷ đồng. Đây cũng là chỉ tiêu tăng trưởng mạnh nhất và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nợ phải trả của doanh nghiệp.
Kết thúc hai quý đầu năm, tổng nợ phải trả của FPT Telecom tăng 30%, lên mức 13.703 tỷ đồng, gấp 1,7 lần vốn chủ sở hữu.
Mặc dù vay nợ tăng nhưng chi phí lãi vay phải trả của FPT Telecom trong 6 tháng đầu năm chỉ ở mức 177 tỷ đồng, so với 345 tỷ đồng thu về từ lãi tiền gửi, cho thấy hoạt động đầu tư tài chính hiệu quả của doanh nghiệp này.
Ngoài ra, bảng cân đối tài chính của doanh nghiệp cũng ghi nhận tổng chi phí xây dựng cơ bản dở dang tính tới cuối tháng 6/2023 ở mức 345,5 tỷ đồng. Theo thuyết minh, tổng chi phí này bao gồm chi phí tại Trung tâm dữ liệu Quận 9 - TP.HCM hơn 224 tỷ đồng; Hệ thống đường trục Bắc Nam 25,2 tỷ đồng; Công trình Trung tâm dữ liệu FPT Telecom Tân Thuận 10,6 tỷ đồng...
Trên thị trường, từ đầu năm 2023 đến nay, cổ phiếu FOX đã tăng khoảng 25%. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 26/7, giá cổ phiếu FOX đạt 60.300 đồng/cp.
Hà Lê