Gã khổng lồ quản lý tài sản Zhongzhi cảnh báo vỡ nợ 64 tỷ USD

23/11/2023 - 23:44
(Bankviet.com) Tập đoàn Zhongzhi Enterprise Group của Trung Quốc, nhà quản lý tài sản hàng đầu của đất nước tỷ dân, nói với các nhà đầu tư rằng họ đang mất khả năng thanh toán nặng với khoản nợ lên tới 64 tỷ USD, đe dọa làm dấy lên lo ngại rằng cuộc khủng hoảng nợ bất động sản của nước này đang lan sang lĩnh vực tài chính rộng lớn hơn.

Tập đoàn Zhongzhi Enterprise Group có mối quan hệ khá lớn với lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc, đã xin lỗi các nhà đầu tư trong một lá thư cho biết họ có tổng nợ từ khoảng 420 tỷ nhân dân tệ (58 tỷ USD) đến 460 tỷ nhân dân tệ (64 tỷ USD).

Theo bức thư được phát hành hôm thứ Tư, khoản nợ phải trả so với tổng tài sản ước tính của Zhongzhi là khoảng 200 tỷ nhân dân tệ.

Những tai ương ngày càng tồi tệ tại Zhongzhi, một công ty lớn trong lĩnh vực ngân hàng ngầm trị giá 3.000 tỷ USD của Trung Quốc - gần bằng quy mô của nền kinh tế Pháp - sẽ làm dấy lên lo ngại về sự lây lan, mặc dù một số nhà phân tích kỳ vọng các cơ quan quản lý sẽ vào cuộc để ngăn chặn hậu quả rộng hơn.

Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đã quay cuồng vì khủng hoảng thanh khoản kể từ năm 2020 và khó khăn trong nợ nần. Việc các chủ đầu tư vỡ nợ kể từ cuối năm 2021 đã cản trở tăng trưởng kinh tế và làm náo loạn thị trường toàn cầu.

Gã khổng lồ quản lý tài sản Zhongzhi cảnh báo vỡ nợ 64 tỷ USD
Tòa nhà văn phòng Zhongzhi Enterprise Group ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 22/8/2023.

Khoản lỗ “Khổng lồ”

Dấu hiệu rắc rối tại tập đoàn Zhongzhi lần đầu tiên lộ ra vào tháng 7 khi Zhongrong International Trust Co, một công ty ủy thác hàng đầu do Zhongzhi kiểm soát, không thanh toán được hàng chục sản phẩm đầu tư.

Xu, một nhà đầu tư vào sản phẩm ủy thác của Zhongrong cho biết: “Lỗ hổng trong sổ sách của họ là rất lớn. Công ty đang gặp rắc rối”.

Zhongzhi, Tập đoàn kinh doanh với các lĩnh vực trải dài từ khai thác mỏ đến quản lý tài sản, cho biết trong lá thư rằng, tài sản của tập đoàn tập trung vào nợ dài hạn và đầu tư vốn cổ phần nên rất khó thanh lý để ghi nhận lợi nhuận.

Các cuộc kiểm tra ban đầu cho thấy, tập đoàn này đang mất khả năng thanh toán nghiêm trọng và tiếp tục gặp rủi ro hoạt động đáng kể. Nguồn lực sẵn có để trả nợ trong ngắn hạn thấp hơn nhiều so với quy mô nợ chung của tập đoàn.

“Tập đoàn Zhongzhi gửi lời xin lỗi sâu sắc về những tổn thất đã gây ra cho các nhà đầu tư. Chúng tôi hoàn toàn hiểu được tính cấp bách, tầm quan trọng và mức độ nghiêm trọng của việc giải quyết rủi ro tổng thể này”, tập đoàn viết trong thư.

Kinh doanh đa lĩnh vực

Zhongzhi đã thuê một trong những công ty kế toán Big Four để tiến hành kiểm toán công ty và đang tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược, ban quản lý của công ty đã nói với các nhà đầu tư trong một cuộc họp vào tháng 8.

Xing Zhaopeng, chiến lược gia cấp cao về Trung Quốc tại ANZ, cho biết tài sản cơ bản của quỹ tín thác Zhongrong phần lớn liên quan đến tài sản, có rủi ro vỡ nợ cao.

“Công ty không thể lấy lại được tiền trong bối cảnh khủng hoảng tài sản. Vì vậy, tài sản của công ty sẽ bị giảm giá lớn”.

Theo trang web của mình, bắt đầu với việc kinh doanh gỗ và bất động sản vào những năm 1990, Zhongzhi nhanh chóng mở rộng sang các lĩnh vực kinh doanh khác nhau, từ sản xuất chip, chăm sóc sức khỏe, phương tiện sử dụng năng lượng mới và tài chính. Các hoạt động kinh doanh tài chính của nó bao gồm ủy thác, quản lý tài sản, bảo hiểm, thị trường tương lai.

Zhongzhi đã bán cổ phần tại một số công ty niêm yết mà họ kiểm soát trong vài năm qua và giảm quy mô kinh doanh sau khi chính phủ Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ đối với hoạt động ngân hàng ngầm và suy thoái thị trường bất động sản.

Christopher Beddor, Phó Giám đốc Nghiên cứu Trung Quốc tại Gavekal Dragonomics, cho biết: “Các cơ quan quản lý tài chính gần như chắc chắn sẽ can thiệp mạnh mẽ nếu có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy những rắc rối của Zhongzhi đang lan rộng”.

Ông nói thêm rằng ngành tín thác chỉ chiếm khoảng 5% trong tổng hệ thống tài chính nên những vấn đề ở đó không chắc chắn mang đến rủi ro không lối thoát.

Sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ của Trung Quốc khởi sắc, PBoC tăng cường bơm thanh khoản

Hoạt động kinh tế tháng 10 của Trung Quốc khởi sắc khi sản lượng công nghiệp tăng với tốc độ nhanh hơn và tăng trưởng ...

Ngành công nghiệp lọc dầu của Trung Quốc đang chậm lại do lợi nhuận thu hẹp

Sản lượng lọc dầu của Trung Quốc trong tháng 10 giảm so với mức cao của tháng trước trong bối cảnh nhu cầu nhiên liệu ...

Sàn Đại Liên (Trung Quốc) hạn chế giao dịch quặng sắt sau khi giá tăng "chóng mặt"

Hôm qua, Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) của Trung Quốc đã đặt giới hạn về khối lượng giao dịch đối với hợp ...

Mộc Trà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán