Tiếp tục các hoạt động tại Hội nghị thường niên lần thứ 52 Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ, ngày 23 và 24/5, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã tham dự và phát biểu tại các phiên họp về "Một ASEAN số cho tất cả người dân" và Phiên đối thoại giữa các nhà lãnh đạo về "Xây dựng nền kinh tế tự cường cho tăng trưởng bền vững"; hội kiến Tổng thống Lithuania và tiếp Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Bộ trưởng Kinh tế Thụy Sĩ, Bộ trưởng Ngoại giao Peru, Bộ trưởng, Thủ hiến vùng Flanders, Vương quốc Bỉ.
Tại các phiên họp, các đại biểu cho rằng ASEAN đang phát huy tốt vai trò trung tâm, là khu vực đi tiên phong trong phát triển kinh tế số với những chiến lược, tuyên bố mạnh mẽ về tiến trình chuyển đổi số khu vực, phát triển đồng bộ cả kinh tế số và xã hội số.
Để xây dựng một ASEAN số bao trùm, phục vụ lợi ích toàn dân, các đại biểu kêu gọi đẩy mạnh hợp tác để tận dụng hiệu quả chuyển đổi số nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).
Trong thảo luận về "Kinh tế tự cường cho tăng trưởng bền vững" với sự chủ trì của Chủ tịch WEF Borge Brende, các nhà lãnh đạo đã chia sẻ sự cần thiết xây dựng nền kinh tế tự cường trong giai đoạn hiện nay, gắn kết giữa tự cường quốc gia với hợp tác quốc tế và phối hợp đa phương, đề xuất nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực tự cường ở cấp độ quốc gia và toàn cầu.
Phát biểu tại các phiên họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chia sẻ các quan điểm và định hướng phát triển của Việt Nam, trong đó phát triển nhanh và bền vững trên nền tảng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cùng Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy phát triển kinh tế số; thông qua đào tạo nguồn nhân lực số, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu - phát triển, thúc đẩy đổi mới sáng tạo...
Phó Thủ tướng nhấn mạnh quá trình gắn kết chuyển đổi số với phát triển bền vững cần được triển khai đồng bộ ở ba cấp độ.
Ở cấp độ toàn cầu, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, hỗ trợ các nước đang phát triển thu hẹp khoảng cách số, bảo đảm không ai bỏ lại phía sau, phối hợp xây dựng các cơ chế, khuôn khổ toàn cầu và đa phương nhằm quản trị những vấn đề mới liên quan đến kinh tế số.
Ở cấp quốc gia là xây dựng hệ sinh thái số, bao gồm thể chế số, hạ tầng số, quản trị số, nhân lực số, thúc đẩy quan hệ đối tác công – tư, huy động tối đa sự tham gia của các bên liên quan.
Ở cấp độ doanh nghiệp là tận dụng công nghệ số và dữ liệu số để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, sử dụng hiệu quả năng lượng, phát triển các sản phẩm xanh, tạo động lực cho phát triển bền vững của doanh nghiệp và xã hội.
Trong cuộc hội kiến với Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda, hai bên khẳng định luôn coi trọng mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp Việt Nam – Lithuania, đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2022.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cảm ơn Lithuania đã viện trợ vaccine hỗ trợ Việt Nam phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Phó Thủ tướng đề nghị hai bên đẩy mạnh các cơ chế hợp tác song phương, phối hợp tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại để thúc đẩy hợp tác kinh tế hiện còn khiêm tốn.
Phó Thủ tướng cảm ơn Lithuania đã tích cực ủng hộ việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), là một trong những nước phê chuẩn sớm Hiệp định Bảo hộ đầu tư EVIPA; đánh giá cao việc hai nước thường xuyên ủng hộ lẫn nhau bầu cử, ứng cử vào các cơ quan, tổ chức quan trọng của Liên Hợp Quốc.
Phó Thủ tướng đề nghị Lithuania tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam được hòa nhập, ổn định cuộc sống.
Tổng thống Gitanas Nauseda mong muốn Việt Nam tạo điều kiện để các doanh nghiệp Lithuania tiếp cận thị trường Việt Nam và Việt Nam sẽ là cửa ngõ để Lithuania tiếp cận thị trường Đông Nam Á.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chuyển lời thăm hỏi và lời mời thăm Việt Nam của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến Tổng thống Gitanas Nauseda.
Tại cuộc tiếp Bộ trưởng Kinh tế Thụy Sĩ Guy Parmelin, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định Việt Nam luôn coi trọng tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống với Thụy Sĩ.
Phó Thủ tướng đề nghị hai bên tăng cường các biện pháp khôi phục lại quan hệ kinh tế, đặc biệt trong các lĩnh vực Thụy Sĩ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như tài chính – ngân hàng, bảo hiểm, công nghiệp chế tạo, dược phẩm, chế biến nông sản, du lịch…
Phó Thủ tướng cảm ơn Thụy Sĩ cung cấp ODA cho Việt Nam trong thời gian qua và đề nghị Chính phủ Thụy Sĩ tiếp tục tạo điều kiện để cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ ổn định cuộc sống, hòa nhập vào xã hội sở tại, phát huy vai trò cầu nối thúc đẩy quan hệ hai nước.
Bày tỏ vui mừng trước sự phát triển quan hệ mọi mặt giữa hai nước, Bộ trưởng Guy Parmelin mong muốn hai bên tiếp tục thúc đẩy đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA), khẳng định Thụy Sĩ sẽ sớm trao đổi cùng Việt Nam để kết thúc đàm phán FTA, thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước phát triển bền vững, lên tầm cao mới.
Tại cuộc tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Peru César Rogrigo Landa, hai bên bày tỏ vui mừng thấy quan hệ song phương tiếp tục phát triển tích cực, nhất là lĩnh vực kinh tế - thương mại - đầu tư.
Dự án Bitel về viễn thông của Việt Nam tại Peru, cũng như các dự án của Peru trong lĩnh vực nước giải khát và dịch vụ du lịch đều đang hoạt động hiệu quả.
Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác với Peru thực chất, hiệu quả hơn.
Hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp, các bộ, ngành và doanh nghiệp hai nước; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý song phương để đưa quan hệ song phương vào chiều sâu, ổn định và bền vững.
Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất của OECD tại Đông Nam Á
Tại cuộc tiếp Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann, hai bên vui mừng nhận thấy quan hệ Việt Nam – OECD phát triển nhanh chóng, đặc biệt là đã ký kết Biên bản ghi nhớ tăng cường hợp tác (MOU) Việt Nam – OECD giai đoạn 2022-2026, Việt Nam lần đầu tiên đảm nhiệm cương vị Đồng Chủ tịch Chương trình Đông Nam Á (SEARP) của OECD giai đoạn 2022-2025.
Phó Thủ tướng đề nghị OECD tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong triển khai hiệu quả chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong những lĩnh vực OECD có thế mạnh như tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, quản lý thị trường chứng khoán, quản trị doanh nghiệp nhà nước và chống tham nhũng.
Tổng Thư ký OECD bày tỏ ấn tượng Việt Nam là một trong số ít các nước có kết quả phục hồi tốt sau đại dịch, khẳng định Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất của OECD tại Đông Nam Á và sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển của Việt Nam.
Phó Thủ tướng mời Tổng Thư ký thăm Việt Nam và tham dự Diễn đàn kinh tế khu vực do Việt Nam đăng cai tổ chức trong khuôn khổ Chương trình Đông Nam Á vào tháng 9/2022.
Tại cuộc tiếp ông Jan Jambon, Bộ trưởng - Thủ hiến vùng Flanders, Vương quốc Bỉ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Vương quốc Bỉ tiếp tục đà phát triển tích cực; vùng Flanders là đối tác phát triển quan trọng của Ủy hội sông Mekong quốc tế.
Cảm ơn sự hỗ trợ về vaccine của Chính phủ Bỉ dành cho Việt Nam trong giai đoạn kiểm soát dịch bệnh COVID-19, Phó Thủ tướng chia sẻ nhiều biện pháp phát triển quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước, cũng như giữa vùng Flanders và Việt Nam.
Phó Thủ tướng mong muốn hai bên tiếp tục hợp tác để Hiệp định EVIPA sớm được các cơ quan của Bỉ phê duyệt, tạo điều kiện cho thúc đẩy thương mại và đầu tư; Bỉ và EU tăng cường đầu tư vào khu vực Mekong và Đồng bằng sông Cửu Long, thúc đẩy hợp tác về nông nghiệp thông minh, thủy lợi thích ứng biến đổi khí hậu, phát triển cơ sở hạ tầng xanh, chất lượng cao; tăng cường hợp tác đào tạo nguồn nhân lực.
Bộ trưởng – Thủ hiến vùng Flanders cho biết vùng Flanders luôn đi đầu trong thúc đẩy quan hệ với Việt Nam, đặc biệt thông qua Phòng Thương mại Công nghiệp Vùng Flanders – Việt Nam.
Thủ hiến Jan Jambon cam kết sẽ vận động 5 vùng khác của Bỉ phê chuẩn để EVIPA sớm có hiệu lực và thúc đẩy đầu tư, hợp tác của vùng với Việt Nam trong các lĩnh vực có thế mạnh như nông nghiệp, thương mại hàng hải, giáo dục, khoa học kỹ thuật cũng như hỗ trợ kỹ thuật, quản lý nguồn nước, tăng cường khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực sông Mekong và Đồng bằng sông Cửu Long.