Gần một nửa số doanh nghiệp chuyển đổi số bỏ cuộc giữa chừng

21/02/2023 - 20:36
(Bankviet.com) Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và đầu tư, có tới 48,8% doanh nghiệp đã từng sử dụng một số giải pháp chuyển đổi số nhưng hiện tại không còn sử dụng do giải pháp chưa phù hợp, hoặc doanh áp dụng để đáp ứng những nhu cầu tức thời đặt ra trong bối cảnh dịch Covid-19 nhưng hiện không còn nhu cầu.
Có tới 48,8% doanh nghiệp đã từng sử dụng một số giải pháp chuyển đổi số nhưng hiện tại không còn sử dụng.
Có tới 48,8% doanh nghiệp đã từng sử dụng một số giải pháp chuyển đổi số nhưng hiện tại không còn sử dụng.

Bộ Kế hoạch và đầu tư vừa công bố Báo cáo thường niên chuyển đổi số doanh nghiệp 2022 về mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam. Kết quả khảo sát cho thấy những bước tiến đáng kể của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong hành trình chuyển đổi số so với năm 2021. Tuy nhiên, việc đầu tư chuyển đổi số vẫn chưa mang lại thành công như mong đợi.

Theo kết quả khảo sát, đa phần các doanh nghiệp đã có nhận thức và ý thức được về sự cần thiết phải chuyển đổi số, nhưng chuyển đổi số chưa đạt mục tiêu kỳ vọng. Các doanh nghiệp chủ yếu đang ở bước số hóa, hoặc đã từng bước sử dụng các công nghệ, phần mềm mới nhưng chưa đạt được mục tiêu đề ra nên đã ngừng sử dụng, hoặc vẫn đang sử dụng nhưng còn gặp khó khăn, chưa thực sự thuận lợi.

Cụ thể, có tới 48,8% doanh nghiệp đã từng sử dụng một số giải pháp chuyển đổi số nhưng hiện tại không còn sử dụng do giải pháp chưa phù hợp, hoặc doanh nghiệp áp dụng để đáp ứng những nhu cầu tức thời đặt ra trong bối cảnh dịch Covid-19 nhưng hiện không còn nhu cầu.

Lý do khác cho thực trạng này là việc các doanh nghiệp chưa xác định được mục tiêu và chiến lược chuyển đổi số đúng đắn, cũng như thiếu nhân sự phục vụ chuyển đổi số cả về lượng và chất. Điều này thể hiện rõ khi chỉ có 6,2% đã hoàn thành xác định mục tiêu chuyển đổi số và chỉ 7,6% đã từng bước xây dựng kế hoạch trong ngắn và dài hạn để chuyển đổi số.

35,3% doanh nghiệp đã số hoá dữ liệu, quy trình (chủ yếu đưa các dữ liệu, văn bản, giấy tờ từ “bản cứng” thành “bản mềm” lưu trữ trên hệ thống). Đây là hoạt động quan trọng để tiến tới chuyển đổi số ở phạm vi rộng và đồng bộ hơn.

Chỉ một tỉ lệ nhỏ (2,2%) doanh nghiệp đã làm chủ công nghệ, phần mềm quản lý để phân tích dữ liệu, tự động hoá để đưa ra các quyết định trong sản xuất kinh doanh, cho dù một số vẫn còn gặp khó khăn trong quá trình sử dụng công nghệ.

Hầu hết doanh nghiệp được khảo sát cho thấy họ thực hiện chuyển đổi số một cách khá rời rạc, nhằm quản lý từng chức năng hoạt động riêng rẽ như vận chuyển hàng hoá, kho trong một số nghiệp vụ một cách thường xuyên như bán hàng, nhân sự và kế toán mà thiếu đi sự kết nối mang tính đồng bộ.

Trên thực tế, khoảng 20 -30% doanh nghiệp được khảo sát là có ứng dụng công nghệ số trong một số nghiệp vụ một cách thường xuyên như hoạt động quản lý xe, vận chuyển hàng hoá, có trên 60% doanh nghiệp mới chỉ sử dụng phần mềm số ở mức rất ít hoặc thậm chí hiếm sử dụng. Khoảng 23% doanh nghiệp ứng dụng thường xuyên ở mức độ cao.

Nghiệp vụ kế toán là nơi diễn ra mức độ chuyển đổi số cao hơn cả với trên 40% doanh nghiệp sử dụng công nghệ số ở mức độ cao và thường xuyên. Như đã giải thích ở trên, hầu hết các doanh nghiệp được khảo sát đều tập trung chuyển đổi số ở các khía cạnh mà mang lại hiệu quả trực tiếp tới doanh thu, lợi nhuận của tổ chức. Vì thế, kế toán là một trong những nghiệp vụ được ưu tiên hàng đầu.

Tuy nhiên, vẫn còn đến 33% doanh nghiệp vẫn còn chưa biết khai thác các phần mềm công nghệ số cho dù hiện nay trên thị trường có rất nhiều nhà cung cấp giải pháp hỗ trợ. Hơn 40% doanh nghiệp hầu như không/ít sử dụng phần mềm số trong quản lý kho hàng, quản lý đơn hàng, khách hàng hay thậm chí là trong quản lý nhân sự.

Quang Đăng

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán