Gang thép Thái Nguyên bứt phá quý IV, bức tranh cả năm 2024 vẫn chưa hết u ám

23/01/2025 - 23:35
(Bankviet.com) Gang thép Thái Nguyên ghi nhận lợi nhuận quý IV/2024 tăng gấp 4 lần, đạt 74 tỷ đồng, nhờ tối ưu chi phí và hoàn nhập khoản dự phòng. Tuy nhiên, Công ty vẫn báo lỗ hơn 5 tỷ đồng trong cả năm 2024, gánh nặng lãi vay và khoản phải thu khó đòi là những bài toán chưa thể giải quyết.

Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (Tisco, UPCoM: TIS) vừa công bố Báo cáo tài chính quý IV/2024 với doanh thu thuần đạt 2.957 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước.

Gang thép Thái Nguyên bứt phá quý IV, bức tranh cả năm 2024 vẫn chưa hết u ám
Tính đến cuối năm 2024, Tisco vẫn ghi nhận khoản chi phí xây dựng dở dang chiếm đến gần 6.370 tỷ đồng, chủ yếu liên quan đến dự án cải tạo và mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2

Trong khi đó, chi phí tài chính và chi phí bán hàng giảm mạnh đã góp phần cải thiện hiệu quả hoạt động, mặc dù chi phí quản lý doanh nghiệp có xu hướng tăng. Sau khi trừ các khoản chi phí và thuế, lợi nhuận sau thuế quý này đạt trên 74 tỷ đồng, gấp 4 lần so với quý IV/2023.

Tisco cho biết, kết quả tích cực này đến từ việc công ty triển khai nhiều giải pháp linh hoạt trong tổ chức sản xuất kinh doanh, tối ưu hóa chi phí và giá thành sản phẩm. Ngoài ra, công ty cũng ghi nhận khoản hoàn nhập chi phí tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đã trích từ các năm trước, cùng với thu nhập từ việc bán vật tư thu hồi trong quá trình sản xuất.

Dù quý IV khởi sắc, nhưng kết quả cả năm 2024 vẫn chưa thoát khỏi tình trạng thua lỗ. Theo báo cáo, Tisco lỗ hơn 5 tỷ đồng trong cả năm 2024, đã được cải thiện đáng kể so với mức lỗ 176 tỷ đồng của năm 2023. Đây là năm thứ ba liên tiếp công ty ghi nhận lỗ, bất chấp doanh thu cả năm tăng mạnh 11,2%, vượt mốc 10.600 tỷ đồng.

Nguyên nhân chính dẫn đến kết quả này là gánh nặng chi phí tài chính, đặc biệt là chi phí lãi vay. Tính đến cuối năm 2024, Tisco đang gánh khoản vay nợ ngắn và dài hạn hơn 4.500 tỷ đồng, gây áp lực lớn lên dòng tiền của công ty. Ngoài chi phí lãi vay, Tisco cũng đang đối mặt với nhiều thách thức từ các khoản phải thu khó đòi.

Tại thời điểm cuối năm 2024, tổng giá trị phải thu ngắn hạn từ khách hàng đạt gần 912 tỷ đồng, trong đó công ty đã phải trích lập dự phòng hơn 294 tỷ đồng.

Một số khoản phải thu được trích lập dự phòng 100%, điển hình là khoản nợ của Công ty TNHH Thương mại và du lịch Trung Dũng (147 tỷ đồng). Các khoản dự phòng lớn khác bao gồm nợ của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hà Nam (87 tỷ đồng) và Công ty TNHH Lưỡng Thổ (27 tỷ đồng).

Tính đến cuối năm 2024, quy mô tổng tài sản của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (Tisco) đạt hơn 10.388 tỷ đồng. Trong số đó, chi phí xây dựng dở dang chiếm đến gần 6.370 tỷ đồng, chủ yếu liên quan đến dự án cải tạo và mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 (TISCO 2).

Dự án TISCO 2 được khởi công tháng 9/2007 với tổng mức đầu tư 3.843 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án là đến hết năm 2014.

Tháng 5/2013, Chủ tịch HĐQT TISCO quyết định phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên hơn 8.104 tỷ đồng (tăng 4.261 tỷ đồng) và dừng triển khai từ đó cho đến nay.

Dự án này từng được phê duyệt với tổng chi phí dự toán ban đầu là 3.843 tỷ đồng, sau đó được điều chỉnh lên mức 8.104 tỷ đồng. Tuy nhiên, quá trình triển khai đã kéo dài vượt xa thời gian dự kiến. Để giải quyết vấn đề, ban lãnh đạo Tisco và Tổng công ty Thép Việt Nam hiện đang phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước, đồng thời đàm phán với các nhà thầu nhằm tìm kiếm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho dự án.

Trước đó, Tisco từng cam kết đẩy nhanh tiến độ xử lý các dự án xây dựng dở dang và khai thác khoáng sản để giảm thiểu áp lực tài chính. Đáng chú ý, Tổng công ty Thép Việt Nam mới đây đã trình Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Chính phủ phương án giải quyết cuối cùng cho dự án mở rộng giai đoạn 2.

Theo phương án đề xuất, Việt Nam sẽ chấm dứt hợp đồng EPC với nhà thầu chính là Tập đoàn Khoa học Công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC). Phần công việc còn lại của dự án sẽ được hoàn tất bởi phía Việt Nam. Đồng thời, Tổng công ty Thép Việt Nam sẽ làm việc với nhà thầu để thống nhất các điều khoản kết thúc hợp đồng, làm rõ các vấn đề tồn đọng và xử lý các hạng mục chưa hoàn thiện.

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả chiến tới 8.806 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ ở mức hơn 1.582 tỷ đồng. Hiện, Công ty có gần 90 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Chi phí sửa chữa lớn và sản lượng điện giảm, Nhiệt điện Hải Phòng báo lỗ quý IV/2024

Nhiệt điện Hải Phòng (HND) ghi nhận lỗ sau thuế 246 triệu đồng trong quý IV/2024, nguyên nhân chính do chi phí sửa chữa lớn ...

Cổ phiếu Cao su Tây Ninh (TRC) bứt phá mạnh nhờ kết quả kinh doanh ấn tượng năm 2024

Cổ phiếu TRC của Công ty CP Cao su Tây Ninh vừa ghi nhận hai phiên tăng trần liên tiếp, đưa thị giá lên mức ...

Thu Hà

Thu Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán