Hướng tới dự án đường sắt cao tốc Bắc–Nam, tập đoàn này vừa lập thành tích ấn tượng tại công trình trọng điểm
Đẩy nhanh tiến độ cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, tập đoàn này hướng đến tham gia vào các khâu quan trọng tại dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam.
Tiết kiệm tỷ đô cho cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh
Tại Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Tập đoàn Đèo Cả, Chủ tịch HĐQT Hồ Minh Hoàng khẳng định quyết tâm hoàn thành và thông tuyến dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh vào cuối năm 2025, sớm hơn một năm so với hợp đồng. Mục tiêu là đưa công trình vào khai thác ngay trong dịp Tết Nguyên đán 2026, góp phần kết nối giao thương khu vực trung du miền núi phía Bắc với các cửa khẩu quốc tế.

Dự án có tổng chiều dài 121km, tổng mức đầu tư gần 23.000 tỷ đồng, chia làm hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 dài 93,35km với tổng vốn hơn 14.000 tỷ đồng; giai đoạn 2 xây mới 27,71km nối đến cửa khẩu Trà Lĩnh, có tổng vốn đầu tư hơn 10.295 tỷ đồng. Đơn vị thực hiện là liên danh gồm Tập đoàn Đèo Cả, ICV Việt Nam, Hạ tầng giao thông Đèo Cả và Công ty CP Xây dựng Công trình 568.
Theo ông Lê Hải Hoà – Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, việc Đèo Cả tiên phong tái cấu trúc dự án giúp rút ngắn chiều dài tuyến, tối ưu thiết kế và đặc biệt là giảm hơn một nửa tổng mức đầu tư so với phương án ban đầu (gần 47.000 tỷ đồng). Mô hình PPP++ do Đèo Cả đề xuất – lần đầu được áp dụng tại Việt Nam – đã tạo cơ chế liên kết ba bên: Nhà nước, doanh nghiệp và chính quyền địa phương, đồng thời mở rộng nguồn lực huy động từ lợi nhuận thi công, phát hành trái phiếu, cổ phiếu, hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC)...
Dự án được khởi công vào ngày 1/1/2024 dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ. Theo tiến độ điều chỉnh, tuyến cao tốc sẽ cơ bản hoàn thành và thông xe kỹ thuật vào ngày 19/12/2025. Giai đoạn 2, nối đến cửa khẩu Trà Lĩnh (nay là cửa khẩu Tà Lùng), dự kiến sẽ được khởi công vào ngày 19/8 tới đây.
Tự tin tham gia dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam
Không dừng lại ở các dự án đường bộ, Tập đoàn Đèo Cả đang từng bước chuẩn bị nguồn lực để tham gia vào các siêu dự án giao thông quốc gia như đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, các tuyến metro đô thị và đặc biệt là đại lộ ven sông Hồng – một trục phát triển mới đầy tiềm năng.
Ông Nguyễn Quang Huy – Tổng Giám đốc Tập đoàn cho biết, từ tháng 11/2024, Đèo Cả đã khai giảng hai khóa đào tạo chuyên ngành đường sắt dành cho hơn 200 kỹ sư, đồng thời thành lập trung tâm huấn luyện thực địa ngay tại công trường. Chương trình đào tạo chú trọng các nội dung về công nghệ thi công hiện đại, an toàn lao động và kiểm soát môi trường, nhằm đáp ứng yêu cầu đặc thù của các dự án đường sắt cao tốc.
Đèo Cả cũng cử nhiều đoàn công tác tới Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu để học hỏi mô hình, thiết kế tổ chức và tiếp cận các công nghệ đầu ngành. Song song đó, doanh nghiệp tích cực mời gọi hợp tác quốc tế để tiến tới nội địa hóa sản xuất đầu máy, toa xe và chuyển đổi số toàn diện chuỗi thi công – vận hành hạ tầng đường sắt.
Đề xuất tại sự kiện, ông Huy kiến nghị chia nhỏ các gói thầu đường sắt cao tốc Bắc – Nam thành hai hợp phần riêng biệt. Phần hạ tầng như cầu, hầm, nền đường có thể giao cho doanh nghiệp trong nước theo hình thức chỉ định thầu, trong khi phần công nghệ, tín hiệu và đầu máy nên hợp tác với đối tác nước ngoài, từ đó từng bước nắm bắt công nghệ lõi và tiến tới làm chủ vận hành.
Bên cạnh việc chuẩn bị nguồn lực, lãnh đạo Tập đoàn nhấn mạnh vai trò thiết yếu của hành lang pháp lý đồng bộ và hệ thống tiêu chuẩn quốc gia cho các dự án hạ tầng chiến lược. Đây là yếu tố then chốt giúp đẩy nhanh tiến độ, kiểm soát chi phí và thúc đẩy tỷ lệ nội địa hóa – góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển ngành công nghiệp hạ tầng Việt Nam một cách bền vững.