Thông tin mới nhất từ Tổng Công ty CP Sông Hồng (UpCOM: SHG), bà Đinh Thị Hạnh - cổ đông lớn của công ty đã bán toàn bộ 6,6 triệu cổ phần đang nắm giữ (tương đương 24,5% vốn). Giao dịch được thực hiện vào ngày 16/2/2024. Như vậy, bà Đinh Thị Hạnh chính thức rời ghế cổ đông lớn SHG chỉ sau 2 tuần kể từ khi trở thành cổ đông lớn của Sông Hồng.
Trước đó, bà Đinh Thị Hạnh mua vào lượng cổ phiếu trên và đã trở thành cổ đông lớn của SHG từ ngày 2/2/2024. Cũng tại ngày này, thị trường nhận giao dịch sang tay hơn 6,6 triệu cổ phiếu SHG, bằng đúng lượng cổ phần bà Hạnh đã mua.
Nhiều khả năng đây chính là giao dịch của bà Hạnh, với giá trị giao dịch gần 28 tỷ đồng (tương ứng mức giá 4.200 đồng/cp). Ở chiều bán ra hôm 16/2, thị trường cũng ghi nhận hơn 6,6 triệu cổ phiếu giao dịch sang tay với giá trị gần 22,5 tỷ đồng (tương ứng giá 3.400 đồng/cp). Nếu đây đúng là giao dịch của bà Hạnh, ước tính bà Hạnh chịu lỗ khoảng gần 20% chỉ trong 2 tuần làm cổ đông lớn.
Trong cùng ngày 16/02, một cá nhân khác là bà Nguyễn Thị Hương đã trở thành cổ đông lớn SHG, mua vào lượng cổ phiếu bằng số bán ra của bà Hạnh.
Thông tin thêm về giao dịch của bà Hạnh, tại ngày 02/02, cổ đông lớn Nguyễn Thái Toàn cũng bán toàn bộ cổ phiếu SHG đang nắm giữ với khối lượng bằng số mua vào của bà Hạnh, khả năng đây chính là giao dịch sang tay giữa hai người.
Đáng chú ý, ông Toàn cũng chỉ mới ngồi vào ghế cổ đông lớn của SHG từ ngày 19/01, sau khi cùng một cá nhân khác mua lại cổ phần từ Song Hong Land. Cá nhân còn lại là bà Trần Bích Thủy.
Ông Toàn và bà Thủy đã mua tổng cộng 13,23 triệu cổ phiếu SHG với tổng giá trị thương vụ là 61 tỷ đồng (mỗi người 30,5 tỷ đồng) để trở thành cổ đông lớn. Với việc bán cổ phần cho bà Hạnh, ông Toàn chịu lỗ khoảng 9%.
Trước đó, Song Hong Land đã trúng đấu giá lượng cổ phần trên trong phiên đấu giá ngày 28/12/2023, nơi Bộ Xây dựng thoái toàn bộ vốn khỏi SHG. Tổng giá trị thương vụ rơi vào khoảng 139 tỷ đồng. Việc bán lại cổ phần cho ông Toàn và bà Thủy khiến Song Hong Land chịu lỗ khoảng 56%.
Thị giá cổ phiếu SHG đang ở mức khá thấp cùng thanh khoản khá "èo uột" |
Việc ghế cổ đông lớn của Sông Hồng liên tục đổi chủ trong thời gian qua và khiến những nhà đầu tư chịu lỗ đáng kể diễn ra trong bối cảnh nội tình của doanh nghiệp đang không "êm ấm". Cụ thể, ông Lã Tuấn Hưng - Ủy viên HĐQT, nguyên Tổng Giám đốc Công ty bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt tạm giam vì có các vi phạm về đấu thầu liên quan đến Công ty AIC và Ban Quản lý dự án Công trình xây dựng Y tế thuộc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh. Sự việc diễn ra vào ngày 08/01.
Ngay sau đó, đến ngày 10/1, SHG đã phát đi thông cáo báo chí khẳng định hành vi vi phạm pháp luật của ông Lã Tuấn Hưng là vi phạm cá nhân, không liên quan đến vai trò là Tổng giám đốc SHG.
Về SHG, cuối năm 2023 Bộ Xây dựng vừa đấu giá thành công hơn 13,2 triệu cổ phiếu với giá khớp lệnh là 10.500 đồng/cp, bằng với mức khởi điểm. Có 2 nhà đầu tư mua vào toàn bộ lượng cổ phiếu trên, gồm một tổ chức và một cá nhân. Theo đó, Bộ Xây dựng thu về hơn 139 tỷ đồng và không còn nắm giữ cổ phần sau giao dịch.
Tổng công ty CP Sông Hồng (địa chỉ tại 70 An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội) tiền thân là Công ty Kiến trúc Việt Trì, được thành lập năm 1958. Năm 2010, công ty chuyển đổi và hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần với tên gọi là Tổng CTCP Sông Hồng. Ngày 10/4/2015, cổ phiếu của Công ty chính thức được giao dịch trên UPCoM.
Hiện, SHG có vốn điều lệ 270 tỷ đồng, lĩnh vực kinh doanh chính là thi công xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông, thủy lợi...; tư vấn, tổng thầu tư vấn, đầu tư xây lắp công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông...; cho thuê mặt bằng.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu SHG của Tổng công ty Sông Hồng đang ở trong tình thế không mấy khá khẩm. Mã này đang bị hạn chế giao dịch do 2 năm tài chính liên tiếp gần đây không tổ chức đại hội cổ đông thường niên, bị âm vốn chủ sở hữu, hoạt động kinh doanh không có gì nổi bật… Cũng chính vì vậy, trong một thời gian dài, SHG chứng kiến thanh khoản èo uột, nhiều ngày liên tiếp không phát sinh giao dịch. |
Khối ngoại tiếp tục mạnh tay mua ròng trên cả 3 sàn, tập trung chủ yếu vào VHM, VIC và VRE Đóng cửa giao dịch ngày 20/02, khối ngoại tiếp tục mạnh tay mua ròng trên thị trường chứng khoán. Đặc biệt, "tam sư" VIC, VHM ... |
Nhận định chứng khoán phiên 21/2: Chững lại đà tăng để tích lũy thêm? Theo BSC, thanh khoản vẫn đang ủng hộ VN-Index tiến về ngưỡng kháng cự 1.250, tuy nhiên đà tăng của chỉ số đang khá dốc ... |
Thị trường chứng khoán ngày 21/2/2024: Thông tin trước giờ mở cửa VRE góp công lớn giúp VN-Index chinh phục mốc 1.230; Cổ phiếu Nam A Bank dừng giao dịch trên UPCoM; Cổ phiếu SIP được cấp ... |
Nguyên Nam