Giá bạch kim dẫn dắt đà giảm của nhóm kim loại quý

07/09/2023 - 14:05
(Bankviet.com) Thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, kết thúc phiên giao dịch ngày 5/9, sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá thị trường kim loại.
Kim loại quý liệu có còn là kênh trú ẩn an toàn trong thời buổi lạm phát? Thị trường kim loại quý sẽ đi về đâu nếu suy thoái kinh tế xảy ra?

Đối với nhóm kim loại quý, giá bạch kim dẫn dắt đà giảm của nhóm khi giảm 2,76% xuống 933,50 USD/ounce, mức thấp nhất trong vòng 2 tuần. Giá bạc kết phiên tại mức 23,87 USD/ounce sau khi giảm 1,80%, trong khi giá vàng giảm 4 phiên liên tiếp với mức giảm 0,64% xuống 1.925,81 USD/ounce.

Yếu tố chính gây sức ép tới nhóm kim loại quý là do đồng USD mạnh lên, khiến cho chi phí đầu tư trở nên đắt đỏ hơn.

Trong sáng ngày 5/9, Ngân hàng Trung ương Australia (RBA) đã giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 4,10% tháng thứ ba liên tiếp. Điều này làm gia tăng kỳ vọng RBA sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất và khiến cho đồng dollar Australia suy yếu.

Nhóm kim loại quý, giá bạch kim dẫn dắt đà giảm
Đồng Đô la Mỹ tăng mạnh gây sức ép tới nhóm kim loại quý

Tới chiều ngày 5/9, S&P Global công bố chỉ số quản lý mua hàng (PMI) dịch vụ của các nền kinh tế lớn như Đức, Anh và khu vực đồng Euro đều đang ở mức thấp nhất trong năm nay. Trong khi đó, lĩnh vực dịch vụ được coi là một trong những động lực tăng trưởng chính của các nền kinh tế này. Do vậy, số liệu kinh tế yếu kém đã khiến cho đồng bảng Anh và đồng Euro giảm mạnh.

Theo đó, sự suy yếu của đồng dollar Australia, đồng bảng Anh và đồng Euro càng củng cố cho sức mạnh của đồng USD với chỉ số Dollar Index tăng 0,55% lên 104,81 điểm, mức cao nhất kể từ giữa tháng 3/2023. Đồng USD tăng mạnh đã gây sức ép tới giá bạc và bạch kim do chi phí nắm giữ đắt đỏ hơn.

Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX phục hồi 0,42% lên 3,84 USD/pound, trong khi giá quặng sắt nối dài đà tăng sang phiên thứ năm liên tiếp với mức tăng 0,39% lên 117,54 USD/tấn,

Thị trường đồng trải qua phiên biến động khá mạnh khi lực bán áp đảo trong phiên sáng, do dữ liệu kinh tế yếu của Trung Quốc. Cụ thể, chỉ số PMI dịch vụ Caixin Trung Quốc đạt 51,8 điểm trong tháng 8, thấp hơn 1,8 điểm so với dự báo và là mức thấp nhất kể từ tháng 12/2022.

Dữ liệu này trái ngược với số liệu được công bố trước đó cho thấy lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc đang cải thiện. Điều này làm dấy lên lo ngại sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc không đồng đều và khiến cho lực mua đồng sụt giảm.

Tuy vậy, giá dần phục hồi vào phiên chiều sau khi dữ liệu chỉ ra hoạt động luyện đồng của Trung Quốc tăng mạnh trong tháng 8 với 48,1 điểm, tăng từ mức 44,8 điểm trong tháng 7, theo Earth-I.

Bên cạnh đó, tâm lý trên thị trường được củng cố sau khi truyền thông nhà nước Trung Quốc tuyên bố Hàng Châu là thành phố lớn thứ 4 nới lỏng các quy định thế chấp cho người mua nhà.

Trên thị trường quặng sắt, sắt thép vốn là mặt hàng nhạy cảm hơn với các kích thích kinh tế của Trung Quốc, do đó, việc các nhà hoạch định chính sách liên tục triển khai các biện pháp nhằm vực dậy nền kinh tế đã giúp giá quặng sắt duy trì được đà tăng.

Bảo Ngân

Theo: Báo Công Thương