Giá cà phê hôm nay 25/8/2022: Vượt mốc 49.000 đồng/kg | |
Giá cà phê hôm nay 26/8/2022: Tăng sốc, sát mốc 51.000 đồng/kg | |
Giá cà phê hôm nay 27/8/2022: Cà phê trong nước trượt giá "thê thảm" |
Đúng như dự báo của giới chuyên gia, giá cà phê kỳ hạn tiếp tục sụt giảm sau phiên tăng nóng do lo ngại thiếu hụt nguồn cung trong ngắn lẫn trung hạn.
Tồn kho cà phê của ICE tiếp tục sụt giảm vì giá kỳ hạn thiếu sức hấp dẫn, không đủ sức cạnh tranh với thị trường bên ngoài. Hơn nữa chi phí để giới thương nhân đưa cà phê về hai sàn để bán đấu giá hiện khá tốn kém, đắt đỏ nên các nhà nhập khẩu trực tiếp tìm đến nguồn cung để mua hàng nhằm giảm bớt các chi phí trung gian.
Nguồn ảnh: Internet |
Chốt phiên giao dịch cuối tuần qua (ngày 26/8), giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London, kỳ hạn giao tháng 11/2022 giảm 33 USD (1,43%), giao dịch tại 2.279 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 1/2023 giảm 34 USD (1,48%), giao dịch tại 2.260 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York, kỳ hạn giao tháng 12/2022 điều chỉnh giảm 1,40 Cent (0,58%), giao dịch tại 238,1 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 3/2023 giảm 1,35 Cent/lb (0,58%), giao dịch tại 231,65 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trên trung bình.
Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên giao dịch ngày 28/8, giá cà phê trong nước thu mua trong khoảng 48.300 - 48.900 đồng/kg. Cụ thể, tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê được thu mua với mức 48.300 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê ở mức 48.900 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê được thu mua cùng mức 48.800 đồng/kg. Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê thu mua ở mức 48.800 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 48.700 đồng/kg ở Đắk R'lấp.
Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê ở mức 48.800 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 48.700 đồng/kg. Còn giá cà phê tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 48.800 đồng/kg.
Giữa tháng 8/2022, lượng tồn kho giảm đã tác động tích cực lên thị trường cà phê toàn cầu. Tính đến ngày 15/8, tồn kho cà phê robusta được ICE Europe - London chứng nhận và theo dõi cấp phát đã giảm thêm 1.910 tấn (giảm 1,91%) so với một tuần trước đó, xuống ở mức 98.180 tấn (tương đương 1.636.334 bao, bao 60 kg), trong khi tồn kho ICE US – New York vẫn đứng ở mức thấp 23 năm và không ghi nhận có sự bổ sung nào ngoài động thái chờ “tái kiểm” chất lượng của một số hàng tồn kho lâu năm đã được rút ra trước đó.
Tuy nhiên, đà phục hồi của giá cà phê thế giới không bền vững. Lo ngại rủi ro tăng cao trước khả năng một cuộc suy thoái toàn cầu có thể diễn ra khiến Fed thắt chặt chính sách tiền tệ.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 7/2022, Việt Nam xuất khẩu cà phê sang Mỹ đạt 10,33 nghìn tấn, trị giá 22,33 triệu USD, giảm 6,3% về lượng và giảm 15,5% về trị giá so với tháng 6/2022, so với tháng 7/2021 giảm 19,4% về lượng và giảm 6,2% về trị giá. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Mỹ đạt xấp xỉ 72 nghìn tấn, trị giá 173 triệu USD, giảm 2,3% về lượng, nhưng tăng 21,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Tháng 7/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang Mỹ đạt mức 2.161 USD/tấn, giảm 9,8% so với tháng 6/2022, nhưng tăng 16,4% so với tháng 7/2021. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang Mỹ đạt mức 2.414 USD/ tấn, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2021.
6 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021, xuất khẩu cà phê robusta của Việt Nam sang Mỹ tăng cả về lượng và trị giá, đạt xấp xỉ 49,76 nghìn tấn, trị giá 97,54 triệu USD. Xuất khẩu cà phê arabica giảm 27,5% về lượng, nhưng tăng 18% về trị giá, đạt trên 7 nghìn tấn, trị giá 31,37 triệu USD. Trong khi đó, xuất khẩu cà phê chế biến tăng 11,2%, đạt 22,4 triệu USD.
Thu Uyên