Giá cao su hôm nay 4/7: Đảo chiều giảm do lo ngại cạnh tranh trong ngành ô tô Trung Quốc

04/07/2025 - 17:12
(Bankviet.com) Giá cao su hôm nay 4/7 đồng loạt giảm trở lại sau hai phiên tăng.
Hàng hóa - Giá cả

Giá cao su hôm nay 4/7: Đảo chiều giảm do lo ngại cạnh tranh trong ngành ô tô Trung Quốc

Thu Thủy 04/07/2025 09:37

Giá cao su hôm nay 4/7 đồng loạt giảm trở lại sau hai phiên tăng.

Giá cao su thế giới

Ghi nhận sáng 4/7, giá cao su kỳ hạn tháng 7 trên Sàn Giao dịch Osaka (OSE) giảm mạnh 0,7%, tương đương 2,2 yen, về mức 310,7 yen/kg – mức giảm trong ngày lớn nhất trong hơn một tuần qua. Cùng xu hướng, tại Trung Quốc, hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 7 trên Sàn Thượng Hải (SHFE) giảm 0,4%, tương đương 55 nhân dân tệ, còn 13.945 nhân dân tệ/tấn. Ở Thái Lan, giá cao su kỳ hạn tháng 8 giảm nhẹ 0,02 baht, về mức 73,36 baht/kg.

giá cao su hôm nay 4-7
Giá cao su hôm nay đồng loạt giảm

Nguyên nhân chính khiến giá cao su đảo chiều là sự sụt giảm của giá dầu – mặt hàng có mối liên hệ mật thiết với cao su tổng hợp. Khi dầu giảm, giá cao su tổng hợp trở nên rẻ hơn, từ đó gây áp lực cạnh tranh lên giá cao su thiên nhiên. Giới phân tích cho rằng tâm lý thị trường vẫn chưa ổn định khi có nhiều bất định xoay quanh chính sách thuế mới của Mỹ và diễn biến thương mại toàn cầu.

Thêm vào đó, ngành ô tô Trung Quốc – thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới – đang đối mặt với làn sóng cạnh tranh giá chưa từng có. Nhiều đại lý xe tại Trung Quốc thừa nhận phải bán xe mới dưới giá vốn để đạt doanh số, điều này làm dấy lên lo ngại về lợi nhuận sụt giảm trong chuỗi cung ứng, kéo theo nhu cầu tiêu thụ lốp xe chững lại.

Tuy nhiên, số liệu từ Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) vẫn ghi nhận một vài điểm sáng. Trong tháng 5/2025, tiêu thụ cao su tại Trung Quốc tăng mạnh 7,12% so với tháng trước, đạt 619.700 tấn – nhờ sự phục hồi của sản xuất lốp xe và doanh số xe điện.

Ở chiều ngược lại, sản lượng cao su tại Thái Lan – một trong ba nước xuất khẩu cao su hàng đầu thế giới – lại giảm 4% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 272.200 tấn. Nguyên nhân được cho là do thời tiết bất lợi, khiến tiến độ khai thác bị ảnh hưởng. Trong khi đó, Việt Nam, Campuchia và Trung Quốc lại ghi nhận mức tăng sản lượng nhờ điều kiện khai thác thuận lợi hơn.

ANRPC dự báo sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu năm 2025 sẽ đạt khoảng 14,89 triệu tấn, chỉ tăng nhẹ 0,5% so với năm 2024, do đầu tư trồng mới chững lại và tác động khó lường từ biến đổi khí hậu. Trong khi đó, nhu cầu toàn cầu được ước tính đạt 15,56 triệu tấn, tăng 1,3% nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro từ xu hướng suy giảm tiêu dùng và chính sách thuế của các nền kinh tế lớn.

Tại Nhật Bản, đồng yen giảm giá nhẹ còn 143,84 yen/USD khiến các tài sản định giá bằng yen như hợp đồng cao su trở nên kém hấp dẫn với nhà đầu tư quốc tế. Dù chỉ số chứng khoán Nikkei tăng nhẹ, nhưng áp lực từ đàm phán thương mại Mỹ – EU và chính sách thuế mới của Mỹ vẫn phủ bóng lên toàn thị trường.

Giá cao su trong nước giữ ổn định, giao dịch cầm chừng

Trong bối cảnh giá thế giới biến động, thị trường cao su trong nước vẫn giữ ổn định. Cụ thể:

Công ty Phú Riềng: Mủ tạp thu mua ở mức 385 đồng/DRC, mủ nước 420 đồng/TSC.

Công ty MangYang: Mủ nước thu mua từ 395–400 đồng/TSC (loại 2–1), mủ đông tạp từ 351–399 đồng/DRC.

Công ty Cao su Bà Rịa: Mủ nước ổn định ở mức 405 đồng/độ TSC/kg (áp dụng cho độ TSC từ 25 đến dưới 30); mủ đông DRC (35–44%) giữ ở mức 13.500 đồng/kg; mủ nguyên liệu giữ nguyên trong khoảng 17.200 – 18.500 đồng/kg.

Giao dịch trong nước ghi nhận chậm lại do nông dân bước vào giai đoạn nghỉ khai thác giữa vụ tại một số địa phương, đồng thời cũng đang chờ tín hiệu mới từ giá thế giới.

Thu Thủy

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán