Giá dầu thế giới trong các giai đoạn khủng hoảng và tác động đến kinh tế Việt Nam

12/09/2024 - 22:37
(Bankviet.com) Bài viết này phân tích tác động của giá dầu thế giới đến nền kinh tế và thị trường tài chính Việt Nam bao gồm: lạm phát, chỉ số sản xuất công nghiệp, thị trường cổ phiếu và lãi suất chính sách trong giai đoạn 2007 – tháng 4/2023. Bài viết cũng xem xét những thách thức mà các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt trong việc quản lý giá xăng dầu trong nước, từ đó đưa ra các kiến nghị nhằm ổn định giá xăng dầu để thúc đẩy phát triển kinh tế.

Tóm tắt: Bài viết này phân tích tác động của giá dầu thế giới đến nền kinh tếthị trường tài chính Việt Nam bao gồm: lạm phát, chỉ số sản xuất công nghiệp, thị trường cổ phiếulãi suất chính sách trong giai đoạn 2007 – tháng 4/2023. Bài viết cũng xem xét những thách thức mà các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt trong việc quản lý giá xăng dầu trong nước, từ đó đưa ra các kiến nghị nhằm ổn định giá xăng dầu để thúc đẩy phát triển kinh tế. Bằng cách phân tích dữ liệu thứ cấp, kết quả cho thấy biến động của giá dầu thế giới trong giai đoạn các cuộc khủng hoảng có thể dẫn đến áp lực lạm phát và giảm sức mua của người tiêu dùng, tác động tiêu cực đến sản xuất công nghiệp. Ngoài ra, nó còn tác động đến thị trường cổ phiếu và việc điều hành chính sách vĩ mô thông qua lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Các khuyến nghị cho các nhà hoạch định chính sách nhằm ổn định giá dầu trong nước được đưa ra như đầu tư vào các nguồn năng lượng thay thế, cải thiện cơ sở hạ tầng, khuyến khích sử dụng chiến lược phòng ngừa rủi ro cho các doanh nghiệp và hỗ trợ đầu tư.

Từ khóa: giá dầu, lạm phát, lãi suất

WORLD OIL PRICES IN TIMES OF CRISIS AND IMPACT ON VIETNAM ECONOMY

Abstract: This article analyzes the impact of world oil prices on the economy and financial market of Vietnam, including inflation, industrial production index, stock market, and policy interest rates in the period from 2007 to April 2023. The article also examines challenges confronting by the policymakers in managing domestic gasoline price, then making recommendations with the aim to stabilizing oil prices for the sake of economic development promotion. By analyzing secondary data, the results show that fluctuations in world oil prices during times of crisis can lead to inflationary pressures and reduce purchasing power of consumers, negatively affecting industrial production. In addition, it also affects stock market and macroeconomic policy management through the policy interest rate of the State Bank of Vietnam. The recommendations for policymakers therefore are made to stabilize domestic oil prices including investing in alternative energy sources, improving infrastructure, promoting the application of risk prevention strategies for businesses, and supporting investment.

Keywords: oil price, inflation, interest rate

1. GIỚI THIỆU

Quản lý giá xăng dầu là một vấn đề quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam, khi đất nước phụ thuộc rất nhiều vào dầu nhập khẩu cho giao thông vận tải và sản xuất công nghiệp. Chính vì vậy, sự biến động của giá xăng dầu thế giới có thể tác động đáng kể đến nền kinh tế Việt Nam, dẫn đến áp lực lạm phát và gián đoạn chuỗi cung ứng. Trong lịch sử, giá dầu biến động thường liên quan nhiều đến các cuộc khủng hoảng. Ví dụ như cuộc khủng hoảng dầu mỏ những năm 1970. Năm 1973, một nhóm các quốc gia sản xuất dầu mỏ Ả Rập đã áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Mỹ và các quốc gia khác ủng hộ Israel trong Chiến tranh Yom Kippur. Điều này dẫn đến giá dầu tăng mạnh, góp phần gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu và lạm phát cao. Hay vào năm 1990, Iraq xâm lược Kuwait, dẫn đến sự can thiệp quân sự của liên minh do Mỹ lãnh đạo. Xung đột sau đó đã làm gián đoạn nguồn cung cấp dầu từ Vịnh Ba Tư, khiến giá dầu tăng đột biến. Cuộc khủng hoảng này đã góp phần gây ra suy thoái kinh tế ở Mỹ và các quốc gia khác. Bên cạnh yếu tố chính trị xuất phát từ các quốc gia liên quan đến dầu mỏ, từ năm 2000 đến nay nền kinh tế toàn cầu cũng phải chịu ảnh hưởng của một số cuộc khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng do đại dịch COVID-19. Việt Nam là một trong những nước đang phát triển nên chịu tác động nhất định của các yếu tố quốc tế, trong đó có giá dầu. Việc giá dầu thế giới biến động bất thường sẽ làm ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế. Theo số liệu từ Tổng cục thống kê năm 2022, lạm phát tăng 0,36% và tăng trưởng kinh tế giảm 0,5% khi giá xăng dầu tăng 10%. Và do nhiều yếu tố khác nhau, giá dầu thế giới vẫn có sự biến động khó lường trong tương lai. Mặt khác, do giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới vì nguồn cung trong nước không đủ nên giá xăng dầu Việt Nam cũng sẽ có nhiều biến động trong thời gian tới. Như vậy, cần có những nghiên cứu về tác động của giá dầu đến nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong giai đoạn xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008 và khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra vào đầu năm 2020.

Bài viết sử dụng phương pháp thống kê mô tả, phân tích các dữ liệu lịch sử để đánh giá mối liên hệ chung cũng như tác động của giá dầu thế giới đối với nền kinh tế Việt Nam, bao gồm tác động của giá dầu đối với lạm phát và sản xuất công nghiệp cũng như một số yếu tố trên thị trường tài chính. Từ đó, các kiến nghị nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và giá dầu trong nước, thúc đẩy phát triển kinh tế và hỗ trợ các doanh nghiệp được đưa ra.

2. TÁC ĐỘNG CỦA GIÁ DẦU THẾ GIỚI VÀ NỀN KINH TẾ VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2007 ĐẾN THÁNG 4/2023

Trong thực tế, sự thay đổi đột ngột của giá dầu có tác động đáng kể đến hiệu quả kinh tế của Việt Nam do nước ta phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu dầu cho nhu cầu năng lượng. Cụ thể hơn, Hình 1 cho thấy mối liên hệ giữa giá dầu thô thế giới và chỉ số sản xuất công nghiệp của Việt Nam. Hầu hết các giai đoạn đều cho thấy quan hệ ngược chiều giữa chỉ số này và giá dầu thô thế giới, đặc biệt là trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và đại dịch COVID-19 năm 2020. Cụ thể, trong những năm dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính, giá dầu tăng mạnh do nhu cầu ngày càng tăng từ các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, khi cuộc khủng hoảng xảy ra vào năm 2008, giá dầu lao dốc do nhu cầu giảm và suy thoái kinh tế toàn cầu. Sự sụp đổ của giá dầu đã góp phần làm cho cuộc khủng hoảng trở nên nghiêm trọng hơn, đặc biệt là ở các quốc gia và ngành công nghiệp phụ thuộc vào dầu mỏ. Mặc dù trong giai đoạn này, chỉ số sản xuất công nghiệp của Việt Nam cũng giảm theo do ảnh hưởng từ khủng hoảng tài chính song đã có sự phục hồi trở lại. Đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 khiến giá dầu giảm mạnh do hoạt động đi lại và kinh tế giảm sút. Chỉ số sản xuất công nghiệp của Việt Nam có xu hướng tăng trong giai đoạn giá xăng dầu giảm. Kết quả này có thể giải thích rằng khi giá dầu tăng, có thể làm tăng chi phí sản xuất của các ngành dựa vào dầu và khí đốt làm đầu vào, chẳng hạn như các ngành sản xuất, vận tải và xây dựng. Điều này có thể dẫn đến giảm chỉ số sản xuất công nghiệp vì chi phí sản xuất cao hơn có thể làm giảm lợi nhuận và khả năng cạnh tranh của các ngành này. Tóm lại, giá dầu tăng có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế chung và sản lượng công nghiệp của Việt Nam.

Hình 1: Giá dầu thô thế giới và chỉ số sản xuất công nghiệp của Việt Nam giai đoạn 2007 - Tháng 4/2023

gia-dau-1.jpg
Nguồn: Cơ sở dữ liệu IMF

Ngoài ra, giá dầu thay đổi bất ngờ cũng tác động đáng kể đến lạm phát ở Việt Nam. Hình 2 cho thấy mối tương đồng đáng kể của giá dầu và tỷ lệ lạm phát tại Việt Nam. Cụ thể, trong giai đoạn từ tháng 9/2007 đến tháng 9/2008, giá dầu thô bình quân lên tới 106 USD/thùng thì tỷ lệ lạm phát của Việt Nam trong giai đoạn này cũng lên đến khoảng 19%. Sau đó, khi giá dầu giảm đột ngột thì tỷ lệ lạm phát của Việt Nam cũng giảm mạnh theo xu hướng đó vào tháng 8/2009. Tình trạng tương tự cũng diễn ra trong thời gian đại dịch COVID-19, mặc dù mức tăng không đột ngột như trong giai đoạn 2007-2008. Ngoài ra, xung đột Nga – Ukraine cũng góp phần làm giá dầu tăng trong giai đoạn gần đây và tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam trong tương lai gần. Điều này có thể được giải thích rằng, do Việt Nam nhập khẩu phần lớn dầu và khí đốt nên giá dầu toàn cầu tăng có thể dẫn đến chi phí nhập khẩu cao hơn, khiến người tiêu dùng phải trả giá cao hơn. Việc này có thể đẩy lạm phát tăng lên, đặc biệt nếu các ngành dựa vào dầu khí làm đầu vào, chẳng hạn như vận tải và sản xuất. Ngược lại, giá dầu thấp hơn có thể giúp kiềm chế lạm phát bằng cách giảm chi phí nhập khẩu và chi phí sản xuất cho các ngành phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt. Điều này có thể dẫn đến giá thấp hơn cho người tiêu dùng và góp phần vào sự ổn định kinh tế chung.

Hình 2: Giá dầu thô và lạm phát tại Việt Nam giai đoạn 2007 - Tháng 4/2023

gia-dau-2.jpg
Nguồn: Cơ sở dữ liệu IMF

Giá dầu thay đổi mạnh còn ảnh hưởng đến thị trường tài chính Việt Nam, đặc biệt khi xem xét trên thị trường chứng khoán – là yếu tố biến động rất nhiều trong thời gian vừa qua. Hình 3 cho thấy tác động của giá dầu thế giới và thị trường cổ phiếu của Việt Nam.

Hình 3: Giá dầu thô và giá cổ phiếu tại Việt Nam giai đoạn 1995 - Tháng 4/2023

gia-dau-3.jpg
Nguồn: Cơ sở dữ liệu IMF

Thị trường cổ phiếu Việt Nam mới chỉ bắt đầu đi vào hoạt động vào tháng 7/2000 nhưng nhanh chóng chịu tác động bởi nhiều yếu tố trong và ngoài nước, trong đó có sự thay đổi bất ngờ trong giá dầu thô. Trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu, giá dầu bắt đầu giảm vào tháng 1/2007 làm cho chỉ số VN-Index tăng từ 511 điểm đến 1.137 điểm vào tháng 2/2007. Sau đó, giá dầu tăng lên đỉnh điểm là 140 USD/thùng vào tháng 6/2008 thì chỉ số VN-Index lúc này cũng chỉ còn 399 điểm. Trong giai đoạn COVID-19, chỉ số VN-Index giảm từ 970 điểm vào tháng 12/2019 xuống còn 662 điểm vào tháng 3/2020, sau đó tăng mạnh lên 1.478 điểm vào tháng 1/2022 ngược lại với mức thay đổi của giá dầu thô thế giới. Hoặc trong giai đoạn xảy ra xung đột Nga- Ukraine, chỉ số VN-Index giảm từ 1.492 điểm xuống chỉ còn 1.206 điểm và tiếp tục giảm sâu thêm khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine gia tăng. Nhìn chung, có thể thấy mối liên hệ ngược chiều tương đối trong dữ liệu lịch sử giữa giá dầu và thị trường chứng khoán Việt Nam. Mặc dù tác động của giá dầu đối với giá cổ phiếu ở Việt Nam rất phức tạp và phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm các ngành cụ thể và các công ty liên quan, xu hướng thị trường dầu mỏ toàn cầu và tâm lý nhà đầu tư, nhưng điều này có thể giải thích chủ yếu liên quan đến chi phí sản xuất. Khi giá dầu tăng đột biến, các công ty phụ thuộc nhiều vào dầu khí cho các hoạt động của họ, chẳng hạn như vận tải và sản xuất, có thể phải chịu chi phí sản xuất cao hơn. Những chi phí gia tăng này có thể dẫn đến lợi nhuận thấp hơn và giảm sức hấp dẫn của các công ty này đối với các nhà đầu tư, dẫn đến giá cổ phiếu giảm. Mặt khác, áp lực lạm phát cũng là nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng tiêu cực do điều hành chính sách lãi suất của Ngân hàng Nhà nước để giảm lạm phát (Hình 4), gây áp lực cho giá cổ phiếu. Cụ thể, lãi suất chính sách của Việt Nam tăng từ 6,5% lên 15% trong giai đoạn 2007-2008 và từ 8% lên 14% vào tháng 8/2011 trong giai đoạn cú sốc dầu lửa năm 2011.

Hình 4: Giá dầu thô và lãi suất chính sách tại Việt Nam giai đoạn 1995 - Tháng 4/2023

gia-dau-4.jpg
Nguồn: Cơ sở dữ liệu IMF

3. THÁCH THỨC TRONG ĐIỀU HÀNH GIÁ XĂNG DẦU TẠI VIỆT NAM

Với tình hình biến động giá xăng dầu liên tục và thay đổi bất ngờ trong thời gian vừa qua, việc quản lý giá xăng dầu ở Việt Nam gặp nhiều thách thức. Một số thách thức chính bao gồm:

Thứ nhất, do biến động giá dầu toàn cầu. Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu dầu và giá dầu toàn cầu biến động mạnh là nguyên nhân khiến giá xăng dầu trong nước bị ảnh hưởng lớn, gây tác động đến nền kinh tế và đời sống người dân. Điều này gây khó khăn cho việc quản lý giá xăng dầu trong nước, do biến động của giá dầu thế giới là không biết trước và kiểm soát được vì liên quan đến biến động chính trị và nguồn cung từ các nước xuất khẩu dầu mỏ.

Thứ hai, việc điều chỉnh giá xăng dầu của Chính phủ không phải lúc nào cũng kịp thời. Chính phủ điều chỉnh giá xăng dầu dựa trên điều kiện thị trường toàn cầu và tỷ giá hối đoái. Tuy nhiên, quá trình điều chỉnh có thể diễn ra chậm, dẫn đến chênh lệch giá đáng kể giữa thị trường trong nước và thế giới. Điều này có thể tạo ra sự thiếu hiệu quả của thị trường và gián đoạn chuỗi cung ứng. Mặt khác, quỹ bình ổn giá có hiệu quả hạn chế. Mặc dù Chính phủ sử dụng quỹ bình ổn giá để trợ giá xăng dầu và giảm thiểu tác động của biến động giá toàn cầu, tuy nhiên, quỹ này có thể bị hạn chế về quy mô cũng như hiệu quả, và có thể gây căng thẳng cho ngân sách Chính phủ.

Thứ ba, trữ lượng khai thác dầu thô tại Việt Nam ngày càng giảm. Do dầu là một dạng nhiên liệu hóa thạch nên trữ lượng sẽ giảm dần theo thời gian khai thác. Mặt khác, hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác tại các mỏ mới cần nhiều thời gian và nghiên cứu. Hiện nay, nguồn cung xăng dầu trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu trong nước, phần còn lại vẫn phải nhập từ nước ngoài về nên tình trạng khai thác trong nước giảm đáng kể sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu trong nước và việc bình ổn giá của Chính phủ sẽ càng gặp nhiều khó khăn.

Cuối cùng, nhu cầu sử dụng xăng dầu ngày càng tăng. Theo số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu sử dụng dầu toàn cầu năm 2023 vẫn sẽ tăng mặc cho triển vọng kinh tế toàn cầu kém tăng trưởng. Thực tế cho thấy, nhu cầu xăng dầu trong nước của Việt Nam luôn tăng hằng năm mặc cho nguồn cung thiếu hụt khi giá xăng dầu thế giới biến động mạnh. Cụ thể, theo số liệu của Bộ Công thương, so với tổng nguồn phân giao thì nguồn cung xăng dầu trong năm 2022 đã vượt 7,3%. Trên cơ sở đó, trong năm 2023 Bộ Công thương cũng đã tăng phân giao tổng nguồn xăng dầu cho các doanh nghiệp là 15% so với năm 2022 (Tường Vy, 2022).

4. NHỮNG KIẾN NGHỊ ĐỂ HẠN CHẾ ẢNH HƯỞNG CỦA GIÁ DẦU ĐẾN NỀN KINH TẾ VÀ THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Giống như nhiều nền kinh tế khác, Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu dầu mỏ nên dễ bị tổn thương trước những biến động của giá dầu thế giới. Sau đây là một số kiến nghị nhằm hạn chế tác động của giá dầu đối với nền kinh tế và thị trường tài chính Việt Nam:

Thứ nhất, Chính phủ cần xem xét đa dạng hóa các nguồn năng lượng. Mặc dù xăng dầu vẫn là nguồn nhiên liệu chính trong việc vận hành và hoạt động của nhà nước, doanh nghiệp, cá nhân và hộ gia đình nhưng thực tế cho thấy, một trong những cách hiệu quả nhất để giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu dầu mỏ là đa dạng hóa các nguồn năng lượng. Chính phủ Việt Nam có thể xem xét đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió và thủy điện nhiều hơn để giảm sự phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nhiên liệu xăng dầu. Điều này không chỉ làm giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ mà còn thúc đẩy phát triển bền vững, bảo vệ môi trường thiên nhiên. Để làm được điều này, trước tiên phải hoàn thiện cơ chế chính sách, tổ chức và thực hiện cụ thể, có cơ chế khuyến khích và thúc đẩy đầu tư vào nguồn năng lượng này và đặc biệt phải có lộ trình rõ ràng, minh bạch cho các nhà đầu tư (Bộ Công thương Việt Nam, 2021).

Thứ hai, cần thúc đẩy tăng sản lượng khai thác dầu trong nước. Một trong những nguyên nhân làm giá dầu biến động mạnh khó lường là do đứt gãy nguồn cung. Việt Nam cũng là nước sản xuất dầu nhưng năng lực sản xuất còn hạn chế. Tăng năng lực khai thác và sản xuất dầu trong nước sẽ không chỉ làm giảm sự phụ thuộc của đất nước vào nhập khẩu mà còn tạo ra việc làm và thúc đẩy nền kinh tế. Để việc đầu tư và khai thác dầu trong nước được thuận lợi, cần đồng bộ Luật Dầu khí với các quy định của luật khác nhằm hạn chế phức tạp về hồ sơ, quy trình trình ký, xin giấy phép và đặc biệt là tránh xung đột về pháp lý (Phan Trang, 2022).

Thứ ba, thúc đẩy hiệu quả năng lượng. Một cách khác để giảm tiêu thụ dầu là thúc đẩy các biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả. Việt Nam có thể khuyến khích sử dụng các công nghệ và sản phẩm tiết kiệm năng lượng như đèn LED, hệ thống điều hòa không khí hiệu quả và xe điện, xe hybrid. Điều này sẽ làm giảm nhu cầu về dầu, do đó sẽ làm giảm tác động của biến động giá dầu đến nền kinh tế và đời sống người dân.

Thứ tư, cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông vận tải. Việc cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông vận tải có thể làm giảm nhu cầu dầu mỏ. Việt Nam có thể đầu tư vào các hệ thống giao thông công cộng như xe buýt, xe lửa và tàu điện ngầm để giảm sự phụ thuộc vào ô tô cá nhân và xe tải, vốn tiêu thụ một lượng lớn dầu. Giảm áp lực vào việc tiêu thụ xăng dầu trong nước sẽ đảm bảo hạn chế nhập khẩu năng lượng từ nước ngoài, ưu tiên sử dụng nguồn cung trong nước trước.

Cuối cùng, cần xây dựng chiến lược phòng ngừa rủi ro. Các doanh nghiệp xăng dầu tại Việt Nam cũng có thể sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro như hợp đồng tương lai, quyền chọn và hoán đổi để quản lý rủi ro về giá. Bằng cách khóa giá mua dầu trong tương lai, các doanh nghiệp này có thể tự bảo vệ mình trước sự tăng giá đột biến. Để các doanh nghiệp tự tin sử dụng các biện pháp bảo hiểm giá một cách hiệu quả, cần có sự đồng bộ chính sách của các bộ, ngành của Chính phủ.

KẾT LUẬN

Giá xăng dầu đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, vì nước ta chủ yếu dựa vào dầu nhập khẩu để vận chuyển và sản xuất công nghiệp. Sự biến động của giá dầu thế giới có thể tác động đáng kể đến nền kinh tế Việt Nam, dẫn đến áp lực lạm phát và sản xuất công nghiệp, hơn nữa còn ảnh hưởng đến thị trường tài chính nói chung. Mặc dù Chính phủ Việt Nam đã thực hiện một loạt các biện pháp để giảm thiểu tác động của biến động giá dầu như quỹ bình ổn giá, trần giá nhiên liệu và điều chỉnh thuế nhiên liệu... nhưng các biện pháp này đã phải đối mặt với những thách thức đáng kể, chẳng hạn như hiệu quả hạn chế, tác động của giá xăng dầu thế giới quá lớn, nhu cầu xăng dầu trong nước vẫn tăng cao bất chấp nguồn cung trong nước hạn chế... Để giải quyết những thách thức này, điều cần thiết là thúc đẩy các chính sách năng lượng bền vững, thúc đẩy đầu tư để tăng sản lượng dầu trong nước thông qua hành lang pháp lý và cơ chế khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực hóa dầu, đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông vận tải... Bằng cách áp dụng cách tiếp cận toàn diện trong quản lý xăng dầu, Việt Nam có thể ổn định nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong dài hạn

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

[1] Bộ Công thương Việt Nam. (2021). Cơ chế nào để hút đầu tư vào năng lượng tái tạo? Truy cập tại https://moit.gov.vn/tin-tuc/ph...

[2] Phan Trang. (2022). Giải pháp ứng phó với sự biến động của giá dầu. Truy cập tại https://baochinhphu.vn/giai-ph...

[3] Tường Vy. (2022). IEA: Nhu cầu sử dụng dầu toàn cầu năm 2023 sẽ đạt kỷ lục mới. Truy cập tại https://tapchicongthuong.vn/ba...

Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 13 năm 2023

ThS. Nguyễn Thị Mai Huyên - ThS. Nguyễn Phạm Thi Nhân

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ