Giá điện tăng 4,8% từ tháng 5: Tác động đến "sức khỏe" doanh nghiệp ra sao?
Giá điện bán lẻ bình quân tăng 4,8% từ ngày 10/5 nhằm giảm áp lực tài chính cho EVN, nhưng dự báo sẽ gây ảnh hưởng đến CPI và chi phí sản xuất của nhiều ngành.
Từ ngày 10/5/2025, giá bán lẻ điện bình quân được EVN điều chỉnh tăng 4,8%, lên mức 2.204,07 đồng/kWh (chưa VAT). Đây là lần tăng thứ tư kể từ 2023 và diễn ra trong bối cảnh EVN tiếp tục lỗ lớn, chi phí đầu vào leo thang và áp lực cung cấp điện ngày càng cao. Theo phân tích từ Công ty Chứng khoán BSC, việc điều chỉnh giá lần này là cần thiết, nhưng sẽ tạo ra những ảnh hưởng nhất định tới lạm phát và chi phí sản xuất trong nền kinh tế.

Cụ thể, BSC cho biết giá điện tăng là hệ quả của 4 yếu tố: Chi phí phát điện cao, tỷ giá USD/VND bất lợi, nhu cầu điện tăng mạnh và lỗ tài chính kéo dài của EVN. Trong năm 2024, EVN tiếp tục ghi nhận khoản lỗ hơn 27.800 tỷ đồng, sau khi đã lỗ 22.600 tỷ đồng trong năm 2023. Hiện nay, chi phí mua điện chiếm tới 83% giá thành, trong khi các nguồn thủy điện giá rẻ đang ngày càng thu hẹp về tỷ trọng.
Cầu điện được dự báo sẽ tăng trưởng 12,2% trong năm nay, kéo theo nhu cầu huy động nguồn điện có chi phí cao như LNG nhập khẩu, than và điện tái tạo. Nếu không điều chỉnh giá điện đầu ra, EVN sẽ không đủ khả năng tài chính để duy trì và đầu tư vào hệ thống điện quốc gia.
Về mặt vĩ mô, BSC ước tính mức tăng giá điện này có thể khiến CPI năm 2025 tăng thêm khoảng 0,09 điểm phần trăm từ tác động trực tiếp. Tuy nhiên, với nền giá xăng dầu và lương thực đang dịu lại, CPI trung bình cả năm vẫn được dự báo giữ trong khoảng 3,2–4,5%. Tác động gián tiếp qua chi phí sản xuất sẽ có độ trễ và không quá lớn trong ngắn hạn.
Xét theo ngành, các doanh nghiệp tiêu thụ điện nhiều như xi măng và hóa chất sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể, do chi phí điện chiếm từ 12% đến hơn 30% giá vốn. Ngược lại, các ngành như thép lò cao, nhựa và phân bón được đánh giá là ít bị tác động do điện chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng chi phí vận hành.
Từ góc nhìn dài hạn, BSC đánh giá việc tăng giá điện là cần thiết để đảm bảo tính bền vững tài chính cho EVN, đồng thời tạo điều kiện thu hút đầu tư vào ngành năng lượng. Với mức giá điện cho doanh nghiệp vẫn thuộc nhóm thấp nhất khu vực (0,077 USD/kWh), Việt Nam duy trì được lợi thế cạnh tranh về chi phí trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu.