Giá gạo xuất khẩu được dự báo như thế nào trong năm 2024?

26/04/2024 - 14:58
(Bankviet.com) Dù có lúc trồi sụt, nhưng giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam năm 2024 được dự báo sẽ quanh mức 600 USD/tấn, cao hơn con số 575 USD/tấn của năm 2023.
Ngày 26/4 sẽ diễn ra Hội nghị triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo Bộ Công Thương triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu gạo Xuất khẩu gạo kỳ vọng tiếp tục bứt phá trong năm 2024 Sản xuất lúa cần cân đối với sản lượng gạo xuất khẩu

Giá gạo xuất khẩu quý I/2024 bình quân đạt 654 USD/tấn, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2023, đây là mức giá cộng cả chi phí vận chuyển và các chi phí khác”, ông Nguyễn Văn Đôn - Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng – chia sẻ và cho biết, năm nay do ảnh hưởng của El Nino và xâm nhập mặn khiến năng suất lúa giảm, tuy nhiên tác động sẽ không quá lớn.

Gạo là mặt hàng xuất khẩu quan trọng trong số các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam
Gạo là mặt hàng xuất khẩu quan trọng trong số các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam

Bởi trong thời gian vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra những khuyến cáo cũng như lịch gieo sạ nhằm tránh hạn mặn. Dù vậy, cũng có những vùng do hạn mặn đến sớm và cũng có những nơi do giá lúa cao, bà con tự ý gieo cấy dẫn đến bị ảnh hưởng.

Về xuất khẩu, ông Nguyễn Văn Đôn nhận định, do nhu cầu của thị trường thế giới cao, các thị trường vẫn đang tăng nhu cầu thu mua, trong bối cảnh thị trường Ấn Độ cũng chưa có động thái xuất khẩu gạo trở lại sau bầu cử, do đó, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam nhìn chung sẽ vẫn tốt. Trong mỗi giai đoạn nhất định, giá gạo xuất khẩu sẽ có sự điều chỉnh lên xuống. Tuy nhiên, dự báo, tới đây, giá lúa trong nước và giá gạo xuất khẩu sẽ lên lại, nguyên nhân do thu hoạch vụ Đông Xuân đã kết thúc.

Không quá lo ngại về vấn đề cạnh tranh với gạo của các nước ở châu Phi về sản lượng, ông Nguyễn Văn Đôn cho hay, việc cạnh tranh này chủ yếu ở khâu buôn bán. Thị trường Pakistan dự báo sẽ có vụ mùa bội thu trong năm nay, tuy nhiên, sản lượng của họ không nhiều. Thị trường châu Phi vẫn phải nhập khẩu gạo, tuy nhiên, do hiện giá gạo Việt Nam cao quá nên họ lựa chọn mua của nước khác. Nếu trong trường hợp giá gạo của Việt Nam giảm thì họ sẽ quay trở lại mua do chất lượng gạo chúng ta rất tốt.

Trong bối cảnh giá lúa năm nay giữ ở mức khá cao. Theo cập nhật từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang ngày 25/4, lúa nếp Long An (khô) giá ổn định 9.600 - 9.800 đồng/kg; lúa IR 50404 giá 7.300 - 7.500 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 giá ở mức 8.000 - 8.200 đồng/kg;… ông Nguyễn Văn Đôn cho hay, rút kinh nghiệm từ năm trước, nên năm nay, doanh nghiệp đã có bước chuẩn bị từ trước. Phần lớn các doanh nghiệp không ký hợp đồng xuất khẩu từ trước mà doanh nghiệp phải thu mua lúa trước rồi ký hợp đồng xuất khẩu hay nghiên cứu kỹ thị trường rồi mới đấu thầu. Vì vậy, sẽ tránh được thiệt hại, cả nông dân và doanh nghiệp đều có lợi.

“Trong khi các doanh nghiệp tập trung vào 2 thị trường chủ lực cho xuất khẩu gạo như Indonesia, Philippines, thì doanh nghiệp lựa chọn không bỏ hết trứng vào 1 giỏ. Chúng tôi xuất khẩu gạo đến đa dạng các thị trường như Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), châu Phi, Philippines,... Việc này giúp doanh nghiệp giảm bớt rủi ro”, ông Nguyễn Văn Đôn chia sẻ và nhận định, năm 2024, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên sản lượng gạo trong nước xuất khẩu đạt được con số 8 triệu tấn gạo là hơi khó, tuy nhiên, với mức giá bán như hiện nay thì ngành lúa gạo có thể đạt được kim ngạch xuất khẩu khoảng 5 tỷ USD như mục tiêu đã đặt ra.

Ở góc độ Hiệp hội, ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam - cho biết, hiện tượng El Nino khiến nhiều vùng sản xuất thiếu nước ngọt, dẫn đến khả năng vùng trồng lúa bị ảnh hưởng năng suất. Cùng với kinh nghiệm từ năm ngoái, năm nay các doanh nghiệp xuất khẩu gạo không dám ký hợp đồng từ trước do lo ngại giá tăng lên dẫn đến rủi ro.

Không quá lo ngại về sản lượng xuất khẩu, ông Đỗ Hà Nam phân tích, chúng ta có từ rất nhiều nguồn, ví dụ, nếu giá xuất khẩu tốt sẽ có nguồn nhập khẩu từ Campuchia về sẽ tăng mạnh để tái xuất khẩu. Mặt khác, với đặc thù tiêu dùng của người Việt Nam hiện nay đang sử dụng gạo giảm dần, việc này sẽ tạo ra một lượng gạo dư thừa và hỗ trợ cho xuất khẩu. Với sản lượng xuất khẩu 8 triệu tấn cùng với giá bán duy trì như mức hiện nay thì con số đặt ra khoảng 5 tỷ USD xuất khẩu gạo trong năm nay chúng ta hoàn toàn có thể đạt được.

“Giá gạo xuất khẩu sẽ tùy từng thời điểm, có lúc cao, có lúc thấp, nhưng để tăng đột phá như năm ngoái là không dễ. Tuy nhiên, nhìn chung, giá xuất khẩu gạo bình quân trong năm nay dự báo sẽ tốt, ước khoảng xung quanh 600 USD/tấn. Đây là con số cao hơn nhiều so với năm trước”, ông Đỗ Hà Nam chia sẻ.

Dù vậy, ngành lúa gạo nói chung và xuất khẩu gạo nói riêng vẫn có những khó khăn nhất định. Ông Đỗ Hà Nam dẫn chứng, với thị trường Philippines, khách hàng mua số lượng lớn nhưng giá bán lại thấp. Hiện giá gạo xuất khẩu đi thị trường Philippines chỉ khoảng 600 – 605 USD/tấn, trong khi doanh nghiệp xuất khẩu để có lãi phải ở mức giá trên 610 USD. Bên cạnh đó, hiện nay, lượng hàng tồn kho gạo không lớn, đây cũng là mặt khó khăn của doanh nghiệp. Mặt khác, để tạo ra được sự đột phá về giá xuất khẩu gạo là khó vì thị trường đang thiếu yếu tố thúc đẩy.

“Về mặt lý thuyết, Ấn Độ chưa mở lại việc xuất khẩu gạo, tuy nhiên, theo nhận định chung, việc này chủ yếu do vấn đề bầu cử. Hiện nay, lượng tồn kho của Ấn Độ vẫn rất lớn và khả năng sớm hay muộn thì họ cũng sẽ mở cửa xuất khẩu trở lại. Khi Ấn Độ mở cửa trở lại thì thị trường rất khó có thể đẩy giá lên”, ông Đỗ Hà Nam cho hay.

Một rủi ro khác đối với các doanh nghiệp xuất khẩu đó là chi phí vận tải tăng cao, nhất là xuất khẩu gạo đi châu Phi. “Dự kiến, sang tháng 5, cước vận tải đi thị trường châu Phi tiếp tục tăng cao. Do đó, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh xuất khẩu gạo đi trong tháng 4 này”, ông Đỗ Hà Nam cho biết thêm.

Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), nguồn cung gạo toàn cầu được dự báo sẽ không còn dồi dào khi nguồn cung chính chiếm tới 40% sản lượng toàn cầu là Ấn Độ sẽ giảm 4 triệu tấn so với niên vụ trước, chỉ còn 132 triệu tấn; các thị trường khác như Philippines, Indonesia, Thái Lan, Campuchia,… cũng được dự báo giảm sản lượng do tác động của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu.

Sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2023 - 2024 sẽ đạt gần 518 triệu tấn, trong khi tổng mức tiêu thụ là 525 triệu tấn. Như vậy, dự báo thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 7 triệu tấn gạo trong năm 2024. Điều này tạo ra cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam. Năm 2024, Việt Nam có thể đáp ứng được nguồn cung để xuất khẩu gạo tương đương năm 2023 nhưng vẫn bảo đảm an ninh lương thực.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương