Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam “bốc hơi” mạnh, có loại giảm 19 USD/tấn Những động thái cho thấy giá gạo nhiều khả năng tăng trở lại |
Liên tiếp giảm, lùi dưới 600 USD/tấn
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), chỉ trong 2 ngày cuối cùng của tháng 2, giá gạo xuất khẩu tiêu chuẩn 5% tấm của Việt Nam đã giảm tổng cộng 13 USD/tấn. Giá sau điều chỉnh hiện đã lùi về mốc 594 USD/tấn.
Các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp nên mua dự trữ thời điểm này |
Như vậy, chỉ trong vòng 2 tuần cuối tháng 2, giá gạo xuất khẩu đã liên tục giảm mạnh 43 USD/tấn so với đầu tháng 2 và giảm 69 USD so với đỉnh 663 USD/tấn vào tháng 12 năm 2023.
Cũng theo dữ liệu từ VFA, trong những ngày cuối tháng 2/2024, không chỉ gạo Việt Nam mà giá gạo cùng phẩm cấp của các nước gồm Thái Lan, Pakistan cũng ghi nhận giảm. Trong đó, giá gạo 5% của Thái Lan hiện đang giữ mức 609 USD/tấn (giảm 32 USD/tấn so với đầu tháng 2/2024), còn gạo cùng phẩm cấp của Pakistan hiện có giá 606 USD/tấn (giảm 24 USD/tấn so với đầu tháng 2/2024).
Theo VFA, việc giá gạo của các nước giảm do các nước vào vụ thu hoạch, nguồn cung dồi dào nên nhà nhập khẩu tìm cách trì hoãn đặt hàng. Cụ thể, tại Việt Nam, các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (vựa lúa lớn nhất của Việt Nam) đang vào vụ thu hoạch vụ Đông xuân.
Còn ở Thái Lan, giá chào gạo trắng giảm do nhu cầu mới yên ắng trong khi nguồn lúa hàng hóa về nhiều hơn.
VFA cho hay, Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu Gạo Thái (TREA) gần đây đang hối thúc chính phủ nước này can thiệp vào vấn đề tỷ giá để góp phần hỗ trợ cho khả năng cạnh tranh của gạo Thái trên thị trường thương mại gạo thế giới. Đồng thời, TREA cũng nhấn mạnh vai trò của việc phát triển các giống lúa mới nhằm gia tăng sản lượng và thặng dư hàng hóa dành cho xuất khẩu.
Việc giá gạo xuất khẩu giảm đã tác động tới giá lúa gạo trong nước. Theo đó, giá lúa tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã giảm từ 1.000-2.000 đồng/kg so với thời điểm trước Tết. Hiện đà giảm đã dứt song do các địa phương trong vùng này đang trong giai đoạn thu hoạch chính nên các hộ nông dân lo ngại giá xuất khẩu giảm sẽ tác động làm giảm giá lúa thêm.
Doanh nghiệp nên mua dự trữ?
Mặc dù giá gạo đang giảm song các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp có tiềm lực tài chính nên mua vào để “tranh thủ” giá tốt. Theo lý giải của các chuyên gia, cân đối cung cầu gạo toàn cầu năm 2024 cho thấy, người bán vẫn nắm thế chủ động (hiện cầu vẫn nhiều hơn cung).
Cụ thể theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 8,6 triệu tấn gạo trong năm 2024. Các quốc gia nhập khẩu hàng đầu là Philippines, Indonesia, Trung Quốc… Trong đó Philippines được dự báo sẽ nhập khẩu kỷ lục 3,8 triệu tấn; Indonesia khoảng 3,6 triệu tấn…
Đối với nhà xuất khẩu, Ấn Độ hiện tiếp tục hạn chế xuất khẩu gạo, còn Thái Lan gần đây dự báo rằng sẽ giảm sản lượng xuất khẩu trong năm nay vì ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Theo đó, Bộ Thương mại Thái Lan và Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu Gạo Thái (TREA) gần đây đều có chung dự báo về xuất khẩu gạo Thái năm 2024 sẽ thấp hơn khoảng 14,38% so với năm 2023, về mức 7,5 triệu tấn, do sản lượng thu hoạch trong năm 2024 dự kiến giảm khoảng 5,9%.
Trước đó, theo số liệu của Bộ Thương mại Thái Lan, lũy kế xuất khẩu cả năm 2023 Thái Lan xuất khẩu đạt 8,76 triệu tấn gạo các loại, tăng 13,7% so với năm 2022. Trong tháng 1/2024, xuất khẩu gạo Thái đạt 1,12 triệu tấn, lần lượt tăng đến 44% so với cùng kỳ 2023 và 37% so với tháng 12/2023.
Thùy Dương