Giá gas hôm nay 16/2: Trượt dốc tới 2,34% Giá gas hôm nay 17/2: Điều gì giúp kiềm chế giá khí đốt neo cao? Giá gas hôm nay 18/2: Điều gì khiến giá gas lao dốc sau khi tăng nhẹ ở 2 phiên liên tiếp? |
Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu đã giảm xuống dưới 50 Euro/ MWh lần đầu tiên sau gần 18 tháng khi cuộc khủng hoảng năng lượng lắng xuống. Thời tiết tiết ôn hòa giúp châu Âu tránh được tình trạng thiếu hụt khí đốt trong mùa đông năm nay và có thể trong cả năm tới.
Hệ thống đường ống khí đốt |
Nhà phân tích Edoardo Campanella của Ngân hàng UniCredit cho biết, giá khí đốt ở châu Âu đã giảm 50% kể từ tháng 11/2022 nhờ thời tiết ấm áp bất thường. Ngoài ra, việc một thị trường tiêu thụ khí đốt lớn khác là Trung Quốc áp dụng chính sách "Zero Covid" trong một thời gian dài cũng giúp châu Âu bớt căng thẳng trong việc cạnh tranh tìm kiếm nguồn cung.
Mặc dù, hiện nay Trung Quốc đã dỡ bỏ các hạn chế về đại dịch, nhưng động thái đó vẫn chưa thúc đẩy nhu cầu sử dụng khí đốt của nước này.
Đặc biệt hơn, giá khí đốt ở châu Âu hiện giảm tới 85% so với mức cao kỷ lục 300 Euro/ MWh được thiết lập hồi tháng 8/2022, thời điểm Nga cắt giảm nguồn mạnh nguồn cung sang châu Âu kể từ sau khi cuộc chiến Nga-Ukraine nổ ra, làm dấy lên lo ngại về rủi ro thiếu hụt ngay trước mắt.
“Châu Âu dường như đã "cai nghiện" thành công khí đốt của Nga” - ông Henning Gloystein, Giám đốc bộ phận tài nguyên, khí hậu và năng lượng của hãng tư vấn Eurasia Group nhận định.
Giá khí đốt giảm mang tới hy vọng các nước EU và Anh có thể chỉ trải qua một cuộc cơn suy thoái nhẹ trong năm nay hoặc hoàn toàn có thể tránh được nguy cơ này. Ủy ban châu Âu (EC) nhận định, đà giảm giá nhanh của khí đốt, kết hợp với chi tiêu của chính phủ và hộ gia đình, đã thúc đẩy triển vọng ngắn hạn của EU.
Sau khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng phát vào cuối tháng 2 năm trước, các quốc gia phương Tây đã buộc phải tìm nguồn cung khí đốt khác bên ngoài và Na Uy đã trở thành nhà cung cấp khí đốt chính của châu Âu. Cuộc xung đột Ukraine cũng gây ra bất ổn kinh tế toàn cầu khi nó thúc đẩy chi phí năng lượng và lạm phát đồng loạt tăng mạnh.
Nhà phân tích Salomon Fiedler của Berenberg cho rằng, nếu không bị cắt nguồn cung khí đốt Nga, các quốc gia châu Âu có thể sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế trên mức trung bình nhờ đà phục hồi sau Covid-19, thay vì rơi vào cảnh đình trệ như hiện nay.
Phát biểu tại sự kiện trực tuyến kỷ niệm 30 năm thành lập công ty năng lượng quốc gia Gazprom mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, mức tiêu thụ khí đốt toàn cầu đã tăng gần gấp đôi trong 30 năm qua và dự kiến tăng ít nhất 20% trong 20 năm tới.
“Trong cái gọi là giai đoạn chuyển tiếp, nhu cầu sẽ rất lớn và các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương sẽ chiếm hơn một nửa mức tăng trưởng này, đặc biệt là ở Trung Quốc - dựa trên tốc độ phát triển kinh tế của nước này" - đài RT dẫn phát biểu của người đứng đầu Điện Kremlin.
Ở một diễn biến khác, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Thương mại Hungary Peter Szijjarto cho hay, nước này có kế hoạch bắt đầu nhập khẩu 1-2 tỷ m3 khí đốt mỗi năm từ Azerbaijan từ cuối năm 2023.
Tại thị trường trong nước từ ngày 1/2, giá gas bán lẻ tăng 5.250 đồng/kg (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng). Theo đó, mỗi bình gas loại 12 kg đến tay người tiêu dùng tăng trung bình 63.000 - 64.000 đồng, loại 45 kg tăng 235.000 - 236.000 đồng/bình, tùy thương hiệu.
Cụ thể, với thương hiệu City Petro, từ ngày 1/2, các sản phẩm gas bán lẻ của doanh nghiệp này tăng 5.250 đồng/kg. Bình gas loại 12kg của City Petro tăng 63.000 đồng/bình và loại bình gas 45kg tăng đến 236.000 đồng/bình.
Công ty Saigon Petro thông báo từ ngày 1/2, giá gas của hãng tăng 62.000đồng bình 12kg. Giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng ở mức 477.000 đồng/bình 12kg.
Tương tự, Petrolimex Gas Sài Gòn cũng thông báo tăng 63.000 đồng/bình 12kg, giá bán lẻ đến người tiêu dùng khu vực TP. Hồ Chí Minh là 486.000 đồng/bình 12 kg.
Hiện, nguồn gas trong nước đang nhập khẩu khoảng 60% nên giá gas bị chi phối và ảnh hưởng bởi giá gas thế giới và tỷ giá. Trong khi đó, giá gas thế giới tháng 2/2023 chốt ở mức 790 USD/tấn, tăng 192,5 USD/tấn so với tháng 1, từ đó đẩy giá gas bán lẻ tháng 2/2023 tăng mạnh.
Như vậy, sau lần giảm vào đầu tháng 1/2023, giá gas đã quay đầu bật tăng mạnh. Tính từ đầu năm đến nay, giá gas đã có 1 lần tăng và 1 lần giảm. Hiện, giá loại nhiên liệu này đã lên mức tương đương thời điểm hồi tháng 3 - 4/2022.
Quỳnh Nga