Giá gas hôm nay 22/3: Phủ sắc đỏ, thúc đẩy nỗ lực tiết kiệm năng lượng

22/03/2023 - 17:02
(Bankviet.com) Giá gas hôm nay 22/3, vào đầu giờ sáng (giờ Việt Nam) giảm 1,62% xuống mức 2,31 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 4/2023.
Giá gas hôm nay 18/3: Giảm sâu, bất chấp dự báo một đợt lạnh bất thường cuối mùa Giá gas hôm nay 20/3: Xanh sàn, lo ngại thiếu khí đốt trong mùa đông tới Giá gas hôm nay 21/3: Tăng nhẹ trở lại, thúc đẩy nhu cầu cạnh tranh tại châu Âu

Giá khí đốt đã tương đối thấp trong suốt mùa Đông 2022/23, một phần là do nhu cầu thấp hơn vì thời tiết ôn hòa. Vào cuối mùa hè năm ngoái, giá khí đốt bán buôn tăng vọt hơn 300 Euro mỗi megawatt giờ nhưng nay đã giảm xuống mức khoảng 50 Euro vào tháng 3/2023.

Giá gas hôm nay 22/3:
Các đường ống dẫn khí đốt

Mặc dù con số đó cao hơn nhiều so với giá khí đốt vào đầu năm 2021, song các chuyên gia nhận định đó là “điều bình thường mới” và muốn tránh tăng giá thêm, người tiêu dùng sẽ phải tiếp tục nỗ lực tiết kiệm năng lượng.

Các chuyên gia phân tích của Ngân hàng DNB - ngân hàng trung ương của Hà Lan lưu ý mùa Đông sắp kết thúc, châu Âu đang chuẩn bị bước sang mùa Xuân với nhu cầu khí đốt giảm đi nhiều, trong khi lượng khí đốt dự trữ vẫn gần với mức cao kỷ lục theo mùa và cao hơn 20% so với mức bình thường.

Điển hình như các cơ sở dự trữ khí đốt của Đức đang ở mức 64% và ngay cả khi thời tiết trở lạnh trong vài tuần tới, nguồn cung cấp năng lượng của Đức cho phần còn lại của mùa sưởi ấm vẫn được đảm bảo.

Dù vậy, về dài hạn, châu Âu vẫn có nguy cơ đối mặt với rủi ro như thời tiết lạnh giá, nhất là có thể vượt qua mùa Đông tới khi nguồn cung khí đốt từ Nga trở nên khan hiếm, hoặc nhu cầu khí đốt của Trung Quốc tăng lên cũng có thể làm giảm nguồn cung sẵn có.

Năm ngoái, Đức có thể dự trữ đầy đủ là vì vẫn còn khí đốt Nga. Mặc dù EU không cấm nhập khẩu khí đốt qua đường ống của Nga, nhưng lượng khí đốt đã giảm đáng kể sau các lệnh trừng phạt Nga liên quan đến Ukraina và sau vụ phá hoại làm vô hiệu hóa đường ống Nord Stream - một trong những tuyến đường chính dẫn khí đốt Nga đến châu Âu.

Mới đây, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) gia hạn 1 năm biện pháp khẩn cấp đang được áp dụng nhằm giảm nhu cầu sử dụng khí đốt để giúp châu Âu vượt qua mùa Đông tới khi nguồn cung khí đốt từ Nga trở nên khan hiếm.

Châu Âu đã vượt qua mùa Đông vừa qua nhưng EC cho rằng các nước EU nên gia hạn việc giảm 15% nhu cầu sử dụng khí đốt so với mức tiêu thụ trung bình trong giai đoạn 2017 - 2022 từ tháng 4 năm nay tới đến tháng 3/2024. Theo kế hoạch, biện pháp đang thực hiện sẽ hết hạn vào cuối tháng 3 này.

EC cho rằng, việc tiếp tục giảm nhu cầu khí đốt là cần thiết nếu các quốc gia muốn lấp đầy 90% kho dự trữ khí đốt, mục tiêu mà các nước EU đã nhất trí hồi tháng 11/2022 để ngăn chặn tình trạng thiếu hụt khí đốt vào mùa Đông vừa qua. Dự kiến, các Bộ trưởng Năng lượng EU sẽ thảo luận về mục tiêu này tại cuộc họp diễn ra tại Brussels (Bỉ) vào ngày 28/3 tới.

Kể từ khi căng thẳng Nga - Ukraine leo thang, các quốc gia phương Tây đã buộc phải tìm nguồn cung khí đốt thay thế, với Na Uy trở thành nhà cung cấp chính của châu Âu. Xung đột tại Ukraine đã đẩy giá năng lượng trong nước và lạm phát tăng cao, tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu.

Trong khi đó, theo số liệu của hải quan Trung Quốc mới công bố, tổng lượng khí đốt cung cấp qua đường ống cũng như khí LNG của Nga cung cấp cho Trung Quốc trong tháng Giêng lên tới 2,7 tỷ m³ - vượt xa các nhà cung cấp lớn khác - Turkmenistan và Qatar (mỗi nước 2,2 tỷ m³), Australia (1,9 tỷ m³).

Giá trị khí đốt Nga xuất khẩu sang Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm nay đạt 1,17 tỷ USD, tăng tới 123% so với cùng kỳ năm ngoái. Hầu hết khí đốt của Nga được vận chuyển sang Trung Quốc thông qua đường ống Power of Siberia, có công suất hàng năm là 38 tỷ m³.

Một diễn biến khác, đó là tất cả các nước cung cấp khí đốt ở Trung Á đang giảm xuất khẩu nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước. Turkmenistan cung cấp cho Trung Quốc 2,2 tỷ m³ khí đốt, mức thấp nhất trong trong 27 tháng qua. Kazakhstan gần như ngừng giao hàng, Uzbekistan ngừng xuất khẩu hoàn toàn.

Tại thị trường trong nước, từ ngày 1/3, nhiều doanh nghiệp kinh doanh gas đã điều chỉnh giảm giá gas. Theo đó, mỗi bình gas loại 12 kg đến tay người tiêu dùng giảm trung bình 16.000 đồng, loại 45 kg giảm khoảng 60.000 đồng/bình, tùy thương hiệu.

Cụ thể, Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí TP. Hồ Chí Minh (Saigon Petro) thông báo, từ ngày 1/3, giá gas của công ty này giảm 16.000 đồng/bình 12 kg. Với mức giảm này, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng là 461.000 đồng/bình 12 kg.

Tại Công ty Cổ phần Kinh doanh LPG Việt Nam Chi nhánh miền Nam, từ ngày 1/3, giá gas của thương hiệu này giảm 16.000 đồng/bình 12 kg và 60.000 đồng/bình 45 kg. Giá gas bán lẻ của LPG Việt Nam đến người tiêu dùng tối đa là 475.912 đồng/bình 12 kg và 1.784.670 đồng/bình 45 kg.

Giá bán lẻ gas của City Petro từ ngày 1/3 cũng giảm 16.000 đồng/bình 12 kg. Theo đó, từ ngày 1/3, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng của thương hiệu gas City Petro ở mức 494.500 đồng/bình 12kg và 1.854.000 đồng/bình 45 kg.

Tương tự, giá gas bình Petrolimex bán lẻ (đã bao gồm VAT) tháng 3/2023 tại thị trường Hà Nội là 464.700 đồng/bình dân dụng 12 kg; 1.858.600 đồng/bình công nghiệp 48 kg, lần lượt giảm 15.800 đồng/bình 12 kg và 63.400 đồng/bình 48 kg (đã bao gồm VAT).

Hiện nay, giá gas trong nước phụ thuộc vào diễn biến thế giới do nguồn cung nội địa chỉ mới chủ động được khoảng 60% mức tiêu thụ. Giá gas thế giới bình quân tháng 3/2023 chốt hợp đồng ở mức 730 USD/tấn, giảm 60 USD/tấn so với tháng 2. Vì vậy, các doanh nghiệp kinh doanh gas trong nước cũng điều chỉnh giảm theo.

Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá gas trong nước có 2 lần giảm (tháng 1, tháng 3) và một lần tăng mạnh vào tháng 2.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương