Trong những ngày qua, giá khí đốt tự nhiên của Mỹ và châu Âu đang giảm chưa từng có trong hơn 10 tháng qua, do thời tiết ấm hơn làm giảm nhu cầu đối với nhiên liệu sưởi ấm giảm trong khi lượng lưu trữ vẫn ở mức cao. Hiện tổng thể các kho chứa khí đốt của châu Âu đã đầy 83,2%, trong đó nước tiêu dùng lớn nhất của khu vực là Đức đạt mức lấp đầy 88,2%.
|
Hệ thống đường ống khí đốt |
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cảnh báo giá năng lượng cao sẽ trở thành "bình thường mới" ở Đức khi không còn nguồn khí đốt giá rẻ từ Nga. Khí đốt hóa lỏng (LNG) nhập tại cảng đắt hơn khí đốt qua đường ống của Nga vì lý do hậu cần.
"Vì vậy, giá khí đốt sẽ tiếp tục tăng cao, nhưng không đến mức đột biến. Đó sẽ là bình thường mới" - ông Christian Lindner nói.
Đức cũng như nhiều quốc gia châu Âu khác trong hàng chục năm qua phụ thuộc vào khí đốt giá rẻ được chuyển bằng đường ống của Nga. Nhưng chiến sự kéo dài hơn 10 tháng tại Ukraine và loạt lệnh trừng phạt Nga sau đó đã làm đảo lộn thị trường năng lượng toàn cầu.
Cũng từ đó, Đức đã quay lưng với khí đốt Nga, nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung và chủ yếu dựa vào nhập khẩu LNG với giá đắt hơn để làm đầy kho dự trữ. EU đã ký các thỏa thuận khí đốt với Mỹ, Qatar và các nước khác để giảm phụ thuộc khí đốt Nga.
Mới đây, một động thái đáng chú ý, đó là Bulgaria và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký thỏa thuận dài hạn, cho phép công ty khí đốt nhà nước của Bulgaria tiếp cận mạng lưới trung chuyển khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này nhằm đảm bảo nguồn cung thay thế sau khi Nga cắt nguồn cung khí đốt từ tháng 4/2022.
Cụ thể, thỏa thuận giữa công ty khí đốt nhà nước Bulgargaz của Bulgaria và công ty khí đốt nhà nước Botas của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ kéo dài 13 năm, cho phép Bulgargaz sử dụng mạng lưới của Botas để vận chuyển khí đốt.
"Thỏa thuận này sẽ cho phép Bulgaria vận chuyển khoảng 1,5 tỷ m3 khí đốt mỗi năm, đồng thời, giúp tăng cường an ninh nguồn cung khí đốt ở khu vực đông nam châu Âu" - Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Fatih Donmez tiết lộ.
Tại thị trường trong nước, từ ngày 1/1/2023, giá gas bán lẻ trong nước quay đầu giảm mạnh. Theo đó, mỗi bình gas loại 12 kg đến tay người tiêu dùng giảm trung bình 14.000-23.000 đồng, loại 45 kg giảm hơn 50.000 đồng/bình, tùy thương hiệu.
Người dùng sẽ tiết kiệm được 1.917 đồng đồng cho mỗi kg gas (tương đương 23.000 đồng một bình 12 kg) so với tháng trước. Giá này đã bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT) khi mua tại các điểm bán lẻ ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
Cụ thể, giá gas bình Petrolimex bán lẻ (đã bao gồm VAT) tháng 1/2023 tại thị trường Hà Nội là 418.500 đồng/bình dân dụng 12 kg; 1.673.800 đồng/bình công nghiệp 48kg, lần lượt giảm 22.400 đồng/bình 12 kg và 89.800 đồng/bình 48 kg (đã bao gồm VAT).
Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.Hồ Chí Minh (Saigon Petro) cho biết, từ ngày 1/1/2023, giá gas của hãng này giảm 23.000 đồng bình 12 kg và giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng 415.000 đồng/bình 12 kg.
Tại Công ty Cổ phần Kinh doanh LPG Việt Nam chi nhánh miền Nam, từ 1/1/2023 giá gas giảm 14.000 đồng/bình 12 kg và 52.515 đồng/bình 45 kg so với tháng 12. Như vậy, giá bán lẻ đến người tiêu dùng 428.912 đồng/bình 12 kg và 1.608.420 đồng/ bình 45 kg.
Tương tự, thương hiệu gas City Petro cũng có mức giảm tương tự. Giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng ở mức 447.500 đồng/bình 12 kg; 1.678.000 đồng/bình 45 kg.
Giá gas trong nước giảm mạnh là do hợp đồng giá gas thế giới bình quân tháng 1/2023 ở mức 597,5 USD/tấn, giảm 52,5 USD/tấn so với tháng 12 và biến động tỷ giá USD nên Tổng Công ty Gas thực hiện điều chỉnh theo mức giảm tương ứng. Năm 2022, giá gas bán lẻ trong nước đã có 5 lần tăng giá và 7 lần giảm giá.