Theo khảo sát của Bộ Công Thương, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu như: Gạo, thịt gia súc, thịt, trứng gia cầm, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến... năm nay khá dồi dào nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên sức mua không cao hơn cùng kỳ các năm trước. Nhìn chung, sức mua tổng thể của cả nước dịp Tết Nguyên đán 2022 chỉ tăng từ 3-5% so với tháng thường và tăng tương đương Tết năm 2021.
Những ngày đầu năm mới, do người dân đã mua sắm đủ trước Tết, nên nhu cầu mua hàng hóa vẫn chưa cao, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng rau xanh, trái cây, thực phẩm tươi sống. Giá rau tăng nhẹ, trong đó, các loại rau ăn lá tăng từ 2.000 – 10.000 đồng/bó; các loại củ như cà rốt, cà chua, su su, khoai tây tăng từ 5.000 – 15.000 đồng/kg tùy loại. Các mặt hàng thịt lợn, thịt bò, tôm cá… phong phú, giá cả ngang với trước Tết, không tăng cao so với ngày thường.
Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - đánh giá, thị trường trước trong và sau Tết Nguyên đán ổn định, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu bảo đảm đầy đủ, phong phú, không có hiện tượng tăng giá đột biến. Các dịch vụ ăn uống ngoài gia đình, vui chơi, đi lại cũng không có diễn biến bất thường về giá.
Bộ Tài chính cũng đánh giá, nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm trong nước vẫn dồi dào, đáp ứng được nhu cầu của người dân nên giá cả dự kiến không có nhiều biến động. Các dịch vụ viễn thông, bưu chính cơ bản cũng giữ giá ổn định, hoặc triển khai chương trình giảm giá cho một số khách hàng.
Tập trung kiểm soát giá cả
Tuy nhiên, theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) có nhiều yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá sau Tết. Đơn cử như giá gas và xăng dầu, hiện giá hai mặt hàng này đang ở mức cao do chịu tác động từ thị trường thế giới. Trong các kỳ điều hành tới đây, giá xăng dầu dự báo sẽ chịu áp lực điều chỉnh tăng rất lớn từ giá thế giới. Từ đó, gây sức ép lớn đến mặt bằng giá nói chung, đặc biệt là giá các mặt hàng sử dụng xăng dầu là đầu vào cho sản xuất.
Trước xu hướng tăng giá các mặt hàng nguyên nhiên vật liệu, năng lượng sau Tết, Cục Quản lý giá cho rằng, các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tập trung kiểm soát giá cả ngay từ những tháng đầu năm. Đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương chủ động nắm bắt diễn biến giá xăng dầu thế giới, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để tính toán mức sử dụng, trích lập Quỹ Bình ổn giá phù hợp trong kỳ điều hành ngày 11/2 nhằm hạn chế tác động mạnh đến thị trường trong nước dịp sau Tết.
Đồng thời, tổ chức triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; xây dựng hoặc lồng ghép với các chương trình, kế hoạch để đẩy mạnh thực hiện kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí, lệ phí trên địa bàn, nhất là đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu như giá cước vận tải, nông sản thực phẩm, trông giữ xe...
Đồng thời, cần xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm, lợi dụng dịp lễ, Tết, cao điểm để tăng giá cước vận tải ở mức cao bất hợp lý, các trường hợp đưa tin thất thiệt gây bất ổn thị trường, giá cả.
Một yếu tố góp phần giảm áp lực lên mặt bằng giá là từ ngày 1/2/2022, thuế giá trị gia tăng của nhiều hàng hóa, dịch vụ giảm từ mức 10% xuống còn 8% theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ. |