Giá lúa gạo hôm nay 29/4: Gạo nguyên liệu tăng nhẹ, giá lúa có nơi giảm

29/04/2025 - 03:22
(Bankviet.com) Giá gạo nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long hôm nay 29/4 ghi nhận tăng 50–100 đồng/kg, trong khi giá lúa tại An Giang có xu hướng giảm nhẹ so với hôm qua.
Hàng hóa - Giá cả

Giá lúa gạo hôm nay 29/4: Gạo nguyên liệu tăng nhẹ, giá lúa có nơi giảm

Kim Dung 29/04/2025 3:03

Giá gạo nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long hôm nay 29/4 ghi nhận tăng 50–100 đồng/kg, trong khi giá lúa tại An Giang có xu hướng giảm nhẹ so với hôm qua.

Giá gạo trong nước bật tăng nhẹ đầu tuần

Sáng 29/4, thị trường gạo trong nước, đặc biệt tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ghi nhận mức tăng nhẹ từ 50–100 đồng/kg đối với một số loại gạo nguyên liệu.

gaoliv(1).png
Giá gạo nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long hôm nay 29/4 ghi nhận tăng 50–100 đồng/kg

Cụ thể, gạo nguyên liệu CL 555 được giao dịch ở mức 8.400–8.700 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg so với cuối tuần trước. Gạo nguyên liệu IR 504 cũng nhích nhẹ, đạt mức 8.050–8.250 đồng/kg, tăng thêm 50 đồng/kg.

Ở nhóm phụ phẩm, giá tấm 2 tăng 50 đồng/kg, dao động trong khoảng 7.150–7.250 đồng/kg. Riêng giá trấu giữ ổn định, giao dịch quanh mức 1.000–1.150 đồng/kg.

Tuy nhiên, trái ngược với diễn biến giá gạo, giá lúa thu mua tại tỉnh An Giang lại có xu hướng giảm nhẹ. Lúa IR 50404 điều chỉnh giảm 100 đồng/kg, về mức 5.800–6.000 đồng/kg; lúa OM 5451 cũng giảm tương tự, giao dịch ở mức 6.400–6.600 đồng/kg. Lúa Đài Thơm 8 ghi nhận giảm 50 đồng/kg, dao động từ 6.900–7.000 đồng/kg. Các giống lúa khác như OM 18, Nàng Hoa 9, nếp… hiện vẫn duy trì giá ổn định.

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam giữ vững, cạnh tranh với Thái Lan và Ấn Độ

Trên thị trường quốc tế, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục ổn định. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo 5% tấm của Việt Nam đang được giữ ở mức 395 USD/tấn trong ngày đầu tuần.

Tính từ đầu năm đến ngày 15/4/2025, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 2,85 triệu tấn gạo, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do giá xuất khẩu trung bình giảm mạnh 20,1% (từ 647 USD/tấn xuống còn 517 USD/tấn), nên kim ngạch xuất khẩu gạo chỉ đạt 1,47 tỷ USD, giảm 14,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan tăng 6 USD/tấn lên 406 USD/tấn, còn Ấn Độ và Pakistan cũng ghi nhận mức tăng nhẹ, lần lượt đạt 379 USD/tấn và 388 USD/tấn. Các thương nhân cho biết, biến động này chủ yếu đến từ sự thay đổi tỷ giá, trong bối cảnh nhu cầu nhập khẩu vẫn ở mức thấp.

Philippines giảm nhập khẩu gạo, thị trường khu vực chịu áp lực

Bên cạnh diễn biến giá, xu hướng nhập khẩu gạo của Philippines – thị trường lớn nhất của Việt Nam – cũng đang thay đổi. Theo Businessmirror, tính đến ngày 17/4, Philippines đã nhập khẩu tổng cộng 1,08 triệu tấn gạo, trong đó Việt Nam chiếm hơn 907.000 tấn, giữ vững vị thế nhà cung cấp lớn nhất.

Tuy nhiên, tốc độ nhập khẩu năm nay đang giảm dần. Trung bình mỗi tháng, Philippines chỉ nhập khoảng 270.000 tấn gạo, thấp hơn nhiều so với mức gần 400.000 tấn cùng kỳ năm trước. Các chuyên gia cho rằng, sự sụt giảm này là kết quả của sản lượng lúa nội địa phục hồi nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi.

Bộ Nông nghiệp Philippines kỳ vọng sản lượng lúa năm 2025 sẽ đạt khoảng 20,46 triệu tấn, tăng so với 19,09 triệu tấn của năm trước. Điều này sẽ khiến mức nhập khẩu gạo hợp lý trong năm nay dao động khoảng 3,8–4 triệu tấn, thấp hơn đáng kể so với kỷ lục 4,8 triệu tấn trong năm 2024.

Kim Dung

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán